Bệnh Parkinson chủ yếu xảy ra ở những người cao tuổi. Nhưng nhiều trường hợp người trẻ tuổi vẫn có thể mắc căn bệnh này, gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe, khả năng lao động của người bệnh trong độ tuổi quan trọng. Cùng tìm hiểu bệnh Parkinson ở người trẻ và cách chẩn đoán, điều trị hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là bệnh Parkinson ở người trẻ?
Parkinson nằm trong nhóm bệnh về rối loạn vận động do sự thoái hóa hoặc tổn thương của hệ thần kinh trung ương. Các rối loạn này khiến người bệnh giảm khả năng giữ thăng bằng, cử động và kiểm soát cơ.
Bệnh Parkinson đươc coi là căn bệnh của người già, với độ tuổi mắc bệnh thường trên 65 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở những người dưới 50 tuổi là 50/100.000, trong khi ở độ tuổi dưới 40, tỷ lê này chỉ là 5/100.000.
Theo nghiên cứu và khảo sát, Parkinson là hiện tượng hiếm gặp ở người trẻ tuy nhiên có thể xuất hiện sớm trước khi được chẩn đoán thậm chí từ 10-20 năm. Các triệu chứng bệnh thường không bộc lộ rõ, dễ gây nhầm lẫn.
Nếu bệnh khởi phát ở những người dưới 40 tuổi thì được gọi là bệnh Parkinson ở người trẻ.
2. Nguyên nhân khiến bệnh Parkinson khởi phát sớm ở người trẻ
Nguyên nhân khiến bệnh Parkinson khởi phát bệnh sớm vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên các nhà khoa học nhận định những người trẻ tuổi mắc bệnh này có thể do các yếu tố môi trường kết hợp di truyền. Cụ thể:
– Những người có người trong gia đình mắc bệnh Parkinson sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này khi còn trẻ.
– Một nghiên cứu ở quỹ Parkinson Mỹ cho thấy có hiện tượng đột biến gen ở khoảng 65% người bệnh Parkinson dưới 20 tuổi và 32% người mắc Parkinson từ 20 – 30 tuổi.
– Môi trường chứa nhiều chất hóa học độc hại như thuốc trừ sâu, diệt nấm, diệt cỏ,… có thể thúc đẩy sự phát triển bệnh Parkinson ở những người trẻ tuổi.
Do đó, bạn sẽ dễ mắc phải chứng bệnh này ở độ tuổi còn trẻ nếu có các yếu tố nguy cơ sau:
– Nam giới.
– Sống và làm việc trong các khu vực có chất ô nhiễm, gần khu công nghiệp
– Tiếp xúc với chất diệt cỏ, ví dụ chất độc màu da cam.
– Từng mắc các chấn thương tại đầu.
3. Các triệu chứng nhận biết Parkinson ở người trẻ
3.1 Các triệu chứng bệnh Parkinson ở người trẻ liên quan đến rối loạn vận động
– Run tay, chân, hàm và mặt
– Co cứng cơ, cứng đờ các chi hoặc toàn thân
– Cử động chậm chạp
– Khó giữ lâu một tư thế
– Giảm khả năng giữ thăng bằng và phối hợp các động tác, dễ té ngã
3.2 Các triệu chứng bệnh Parkinson ở người trẻ không liên quan đến vận động
– Thay đổi tư duy hoặc suy nghĩ một cách bất thường
– Thường xuyên phiền muộn
– Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, đặc biệt là giai đoạn REM
– Táo bón hoặc các vấn đề về đường tiết niệu (tiểu không kiểm soát)
– Mất khả năng cảm nhận mùi vị, rối loạn thị giác
– Hạ huyết áp tư thế
– Giảm ham muốn tình dục
– Cân nặng thay đổi
– Thường xuyên mệt mỏi
– Mất trí nhớ, lú lẫn, sa sút trí tuệ, tuy nhiên ít xảy ra hơn đối với người trẻ.
4. Ảnh hưởng của bệnh Parkinson đối với người trẻ
Những người trẻ đang ở độ tuổi quan trọng để phát triển sự nghiệp, xây dựng cuộc sống. Sự suy giảm khả năng vận động trong giai đoạn này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khả năng lao động, chất lượng cuộc sống và kinh tế của người bệnh. Do vậy, bệnh càng được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng kiểm soát và hạn chế những ảnh hưởng của bệnh càng cao.
5. Phương pháp chẩn đoán bệnh Parkinson
Việc chẩn đoán bệnh Parkinson hiện nay chủ yếu dựa vào việc thăm khám lâm sàng, khai thác các triệu chứng và bệnh sử. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được thực hiện một số xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để phân biệt với các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự.
6. Điều trị Parkinson
Tùy vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh, một số phương pháp điều trị sẽ được ứng dụng như sau:
6.1 Dùng thuốc
Dùng thuốc là biện pháp điều trị của hầu hết người bị Parkinson. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh này gồm:
– Chất chủ vận dopamine: Kích thích trực tiếp tế bào não, giúp các dopamine trong não hoạt động tốt hơn.
– Thuốc ức chế phân giải dopamine: Giúp kéo dài thời gian tác dụng của dopamine trong não.
– Thuốc kháng cholinergic và amantadine: Thường được dùng ở giai đoạn sớm.
– Levodopa: Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc này với liều thấp.
Các loại thuốc điều trị Parkinson có thể gây một số tác dụng phụ. Vì thế, bạn cần thăm khám và nghe theo hướng dẫn sử dụng thuốc từ bác sĩ để hạn chế những tác dụng không mong muốn.
6.2 Biện pháp tâm lý
Những ảnh hưởng của bệnh Parkinson có thể khiến người bệnh gặp phải các vấn đề về tâm lý. Các loại thuốc an thần, chống trầm cảm có thể giúp cải thiện chứng rối loạn này. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc này. Đồng thời, người nhà nên thường xuyên quan tâm, trò chuyện để người bệnh cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
6.3 Tập luyện thường xuyên
Việc tập thể dục thường xuyên rất tốt cho người bệnh Parkinson, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Người bệnh có thể đi bộ, chạy, tập yoga, tập phục hồi chức năng bằng phương pháp vật lý trị liệu để giúp cải thiện khả năng vận động và tâm trạng.
6.4 Áp dụng chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ
Sức khỏe tổng thể được tăng cường cũng rất quan trọng đối với việc kiểm soát Parkinson ở người trẻ. Người bệnh nên ăn nhiều trái cây tươi, rau quả, ngũ cốc để bổ sung chất xơ, ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra nên uống đủ nước, từ 2 đến 3 lít mỗi ngày để cơ thể luôn được thanh lọc.
Đồng thời, hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ ngọt. Hạn chế dùng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ngoài ra, không sử dụng chất kích thích, đặc biệt là các đồ uống có cồn.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể các biện pháp phẫu thuật để điều trị Parkinson.
Bệnh Parkinson xảy ra ở người trẻ thường kéo theo nhiều hệ lụy. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này rất quan trọng. Khi thấy các dấu hiệu của bệnh Parkinson ở người trẻ, cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.