Parkinson là một bệnh lý thường gặp do thoái hóa thần kinh tiến triển, gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Vậy bệnh Parkinson có nguy hiểm không và nhận diện bằng cách nào? Các vấn đề về bệnh Parkinson sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Parkinson là bệnh gì? Bệnh Parkinson có nguy hiểm không?
Parkinson là một bệnh lý khá phổ biển liên quan đến thoái hóa thần kinh tiến triển. Hiện tại, nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa được nhận định rõ ràng nhưng nhiều giả thiết cho rằng hiện tượng này liên quan đến sự thoái hóa bào thần kinh, dẫn đến suy giảm dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh giúp kiểm soát vận động.
Bệnh thường thấy xảy ra ở những người cao tuổi, trung bình mắc bệnh từ 58 đến 60. Khoảng 1% những người trên 60 tuổi được chẩn đoán bị bệnh này. Tỷ lệ mắc bệnh Parkinson ở nam cao hơn nữ.
Đây không phải là bệnh nguy hiểm cấp tính nhưng những triệu chứng của bệnh có thể gây cản trở lớn đến công việc, sinh hoạt hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh Parkinson nếu không được điều trị đúng đắng có thể diễn tiến ngày càng nặng dần. Người bệnh có nguy cơ bị tàn phế sau từ 5 – 7 năm.
Bên cạnh đó là những biến chứng như: tụt huyết áp tư thế, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, sa sút trí tuệ,…
2. Triệu chứng của bệnh Parkinson
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Parkinson thường tồn tại ở 2 loại: vận động và không vận động.
2.1 Bệnh Parkinson và các triệu chứng vận động
Nhóm này gồm những triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể, thường có vai trò quan trọng trong nhận diện bệnh Parkinson. Các triệu chứng vận động gồm:
– Run
Triệu chứng run trong bệnh Parkinson là run khi nghỉ và giảm hoặc hết khi ngủ hay nghỉ ngơi. Trong giai đoạn sớm, tình trạng run thường không liên tục, thậm chí là “run bên trong” tay, chân dẫn đến khó phát hiện. Sau này khi cường độ run nhiều hơn, người bệnh và những người xung quanh sẽ cảm nhận rõ hơn.
Run do bệnh Parkinson thường xảy ra ở tay. Các bộ phận khác trên cơ thể người bệnh như chân, môi, hàm hoặc lưỡi cũng có thể bị run. Tình trạng run thường diễn ra ở một bên trước, rồi xuất hiện dần ở cả 2 bên. Bên bị run đầu tiên thường có xu hướng nặng hơn trong suốt diễn tiến của bệnh.
– Giảm vận động
Chậm vận động kèm theo cảm giác yếu sức, mệt mỏi là tình trạng xảy ra ở đa số bệnh nhân Parkinson. Điều này có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong những hoạt động đơn giản như cài nút áo, buộc dây giày, đánh máy tính, nhấc chân khi đi, bước ngắn, chậm, không vững. Khi thay đổi tư thế, ví dụ từ đang ngồi sang đứng dậy, người bệnh cũng có thể gặp những khó khăn nhất định.
– Cứng cơ
Tình trạng này có thể gặp trong vận động của tay, chân hoặc thân mình, thường xuất hiện cùng những triệu chứng khác như run, chậm vận động.
– Choáng váng, mất thăng bằng
Ở những người bệnh Parkinson những phản xạ tự động giúp cơ thể giữ thăng bằng thường giảm hoặc mất. Do đó, người bệnh có thể bị mất thăng bằng, gặp khó khăn trong việc đi lại, thậm chí phải ngồi xe lăn.
Tình trạng này thường hiếm gặp ở giai đoạn đầu của bệnh. Nếu như mất thăng bằng tiến triển sớm ở giai đoạn đầu thì thường được nghĩ đến là teo cơ hệ thống hoặc liệt trên nhân tiến triển.
Nhìn chung, các triệu chứng thường nhẹ ở giai đoạn đầu và thường bắt đầu ở một bên của cơ thể, sau đó tiến triển thành hai bên sau một vài năm. Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc đi lại, nói chuyện, thực hiện các công việc thường ngày.
Các triệu chứng vận động của bệnh thường tiến triển chậm, tốc độ diễn tiến khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng có thể được kiểm soát tốt trong một thời gian dài.
4.2. Bệnh Parkinson và các triệu chứng không vận động
Các triệu chứng không vận động bao gồm các triệu chứng ảnh hưởng đến cảm xúc, xúc giác và khả năng suy nghĩ, điển hình như:
– Suy giảm nhận thức, thậm chí sa sút trí tuệ
Bệnh nhân Parkinson có thể gặp những vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ với các mức độ từ nhẹ đến nặng. Những triệu chứng về nhận thức thường gặp ở các bệnh nhân này gồm suy nghĩ chậm chạp, khó đưa ra quyết định, giảm khả năng thực hiện những công việc phức tạp, ghi nhớ những sự kiện mới xảy ra hay nhận định về khoảng cách.
– Hoang tưởng và ảo giác
Nhiều người bệnh Parkinson có thể gặp rối loạn về tư duy khiến họ không có khả năng liên hệ với thực tế, hay còn gọi là hoang tưởng. Các triệu chứng này thường xảy ra trong thời gian bệnh nhân dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson, tỷ lệ khoảng 20 – 40%.
Một số khác có thể gặp các ảo giác thị giác. Triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển. Ảo giác thường đi kèm với hoang tưởng.
– Rối loạn cảm xúc
Thường gặp nhất là trầm cảm, lo âu và mất hứng thú. Những tình trạng này có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời làm nặng thêm các triệu chứng bất ổn về vận động.
– Rối loạn giấc ngủ
Nhiều người bệnh Parkinson có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, khó ngủ trở lại sau khi thức giấc, chuột rút, gặp ác mộng, đau mỏi hoặc đi tiểu đêm nhiều lần. Một số người khác có thể hành động bất thường trong lúc ngủ như la hét, đấm đá. Điều này không chỉ gây gián đoạn giấc ngủ của người bệnh mà còn có thể khiến những người ngủ cùng gặp chấn thương.
Nhiều người có thể ngủ nhiều vào ban ngày. Tình trạng ngủ ngày có thể nặng hơn khi bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị bệnh Parkinson.
– Mệt mỏi
Khoảng hơn 50% những người bệnh Parkinson cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng.
– Mất khứu giác
Triệu chứng này thường xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh, biểu hiện ở việc người bệnh khó phát hiện và phân biệt mùi này với mùi khác.
– Đau nhức
Các nghiên cứu cho thấy rằng gần 40% những người bệnh Parkinson có cảm giác đau như bị đâm, đốt hoặc ngứa ở một số vùng của cơ thể. Trong đó thường gặp nhất là ở mặt, bụng, bộ phận sinh dục hoặc khớp.
– Rối loạn chức năng tự động
Trong cơ thể tồn tại hệ thống thần kinh tự động giúp kiểm soát nhịp tim, nhịp thở, tiêu hóa thức ăn, vã mồ hôi, tiểu tiện, tình dục. Ở những người bệnh Parkinson, việc thực hiện các chức năng này có thể gặp rối loạn, gây ra các triệu chứng như hạ huyết áp tư thế, táo bón, khó nuốt, vã mồ hôi, tiểu rắt, rối loạn chức năng tình dục…
Qua bài viết, hẳn các bạn đã phần nào giải đáp được bệnh Parkinson có nguy hiểm không cũng như nắm được các triệu chứng của bệnh. Khi thấy các biểu hiện bất thường, hãy thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị chính xác.