Bệnh lý viêm kết mạc nhầy mủ có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Bệnh viêm kết mạc nhầy mủ xảy ra do sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn hoặc do tiếp xúc với các kháng nguyên gây dị ứng. Bệnh lý này có khả năng tự khỏi sau khoảng 10 ngày, tuy nhiên chúng cũng có khả năng lây lan nhanh chóng cho cộng đồng. Cùng đọc bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI để tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề bệnh viêm kết mạc dạng nhầy mủ nhé.

1. Hiện tượng viêm kết mạc dạng nhầy mủ là gì?

Bệnh lý viêm kết mạc là một trong những căn bệnh thường gặp ở bất cứ đối tượng nào, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Đây là tình trạng kết mạc bị viêm nhiễm, nhiễm trùng. Viêm nhiễm sẽ khiến mí mắt bị sưng đỏ, che lấp nhãn cầu.

Theo đó, hiện tượng viêm kết mạc dạng nhầy mủ là việc các chất nhầy bị tích tụ lại ở bên trong mắt, tạo thành lớp màng có độ nhầy, dính, dẻo. Tình trạng viêm kết mạc này kéo dài sẽ gây khó chịu cho mắt, cũng như làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Do đó, chúng ta cần tìm hiểu và nắm được các biện pháp xử lý, điều trị đối với bệnh lý này.

viêm kết mạc nhầy mủ nguy hiểm không

Bệnh lý viêm kết mạc là một trong những căn bệnh thường gặp ở bất cứ đối tượng nào, bao gồm cả trẻ em và người lớn

2. Một số nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc dạng nhầy mủ

Hiện tượng mắt bị chảy nhiều dịch, lớp nhầy có mủ là một số triệu chứng phổ biến thường gặp khi mắt bị bệnh lý. Đi kèm với nhiều nhầy mủ, mắt còn có thể bị ngứa ngáy, cộm cứng, sưng đỏ, tấy xung quanh mi mắt cũng như trong mắt. Một số trường hợp bị bệnh nặng, mắt còn có thể gặp tình trạng đóng lớp vảy cứng ở mí mắt, khó khăn trong việc đóng mắt, mở mắt.

Một số các nguyên nhân chính có thể gây ra bệnh lý viêm kết mạc dạng nhầy mủ đó là:

2.1. Viêm kết mạc nhầy mủ do sự tấn công của virus

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý viêm kết mạc. Lúc này các loại virus cảm lạnh thường gặp hoặc virus herpes simplex sẽ tấn công và gây bệnh cho vùng mắt. Sau khi bị mắc bệnh, mắt sẽ sản sinh ra các chất dịch nhầy, đôi lúc có mủ. Chất dịch của bệnh viêm kết mạc mắt do virus gây ra thường sẽ có màu trong suốt, màu trắng hoặc màu vàng nhạt.

2.2. Viêm kết mạc nhầy mủ do vi khuẩn gây ra

Dạng viêm kết mạc này xảy ra do các loại vi khuẩn tấn công và lây nhiễm. Phần mủ nhầy của dạng viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra thường đặc, dính hơn rất nhiều so với viêm kết mạc xảy ra do virus. Khi bị vi khuẩn tấn công, dịch viêm kết mạc thiên về màu vàng, màu xanh lá cây. Ở trường hợp này, phần dịch mủ còn có xu hướng kéo đặc lại sau khi thức dậy vào buổi sáng, gây kết dính khó mở mắt. Tình trạng này nếu không được điều trị dứt điểm sẽ có thể đe dọa tới thị lực của mắt.

2.3. Viêm kết mạc dạng nhầy mủ do bị dị ứng

viêm kết mạc nhầy mủ điều trị

Hiện tượng mắt bị chảy nhiều dịch, lớp nhầy có mủ là một số triệu chứng phổ biến thường gặp khi mắt bị bệnh lý

Lúc này, tác nhân gây bệnh viêm kết mạc xuất phát từ việc tiếp xúc với các kháng nguyên như: phấn hoa, mỹ phẩm, lông động vật, bụi bẩn,…Bệnh lý này cũng có thể xảy ra khi bệnh nhân có thời gian dài sử dụng các loại kính áp tròng hoặc sử dụng nhiều thuốc nhỏ mắt có chứa hóa chất. Ở dạng viêm kết mạc này, phần dịch, nhầy mủ thường lỏng và không kết dính. Dạng viêm kết mạc do dị ứng cũng không có tính chất lây nhiễm.

3. Cần điều trị bệnh lý viêm kết mạc dạng nhầy mủ như thế nào?

Hiện nay, tất cả các chỉ định điều trị của bác sĩ đều tập trung vào mục đích giúp giảm triệu chứng bệnh. Một số lời khuyên bác sĩ có thể sẽ đưa cho bạn để làm tình trạng bệnh đó là:

– Tùy vào từng nguyên nhân và tình trạng mắt của bệnh nhân mà bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc nhỏ, thuốc bôi, thuốc kháng sinh có tác dụng giúp kiểm soát các triệu chứng dị ứng, hoặc chống viêm: thuốc histamine, chất ổn định mast, thuốc có chứa corticoid,…Tuy nhiên đối với bệnh lý viêm kết mạc do yếu tố virus, việc sử dụng thuốc kháng sinh là không có tác dụng, thậm chí còn gây phản ứng, tác dụng phụ đối với thuốc. Ở trường hợp này, người bệnh cần có thời gian để virus biến mất (thông thường từ 2 – 3 tuần).

– Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng thêm nước mắt nhân tạo, nhằm mục đích giúp ổn định khả năng điều tiết cho mắt, giúp mắt đỡ ngứa ngáy, khó chịu.

– Trong trường hợp bạn bị viêm kết mạc do bị dị ứng với các kháng nguyên thì cần tránh xa các kháng nguyên này để tình trạng bệnh không nặng nề thêm.

– Nếu trong trường hợp bạn thấy xuất hiện quá nhiều dịch mủ, có màu xanh lá cây hoặc vàng, mắt bị mờ đục, nhạy cảm với ánh sáng mạnh hoặc đau mắt,…thì nên chủ động đi bệnh viện thăm khám với bác sĩ để loại trừ trường hợp bạn bị nhiễm trùng mắt hoặc gặp các bệnh lý về mắt nghiêm trọng.

4. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm kết mạc dạng nhầy mủ?

viêm kết mạc nhầy mủ bao lâu khỏi

Các loại đồ dùng cá nhân của bệnh nhân cần giặt sạch và phơi ở nơi có nắng

Để phòng tránh việc lây nhiễm bệnh viêm kết mạc ra cộng đồng, chúng ta cần lưu ý thực hiện một số điều như sau:

– Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh về mắt.

– Không sử dụng chung các đồ vật cá nhân như: khăn mặt, chậu rửa, thuốc nhỏ mắt, kính áp tròng,…để hạn chế lây bệnh.

– Thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn uống hay chạm tay lên vùng mắt.

– Trong thời gian mắc bệnh hạn chế tối đa đi ra ngoài. Nếu ra ngoài cần chuẩn bị kính râm, kính bảo hộ để tránh lây lan bệnh cho người khác.

– Các loại đồ dùng cá nhân của bệnh nhân cần giặt sạch và phơi ở nơi có nắng.

– Chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra, điều trị trong thời gian sớm nhất.

Trên đây là những thông tin quan trọng cần biết về bệnh lý viêm kết mạc dạng nhầy mủ. Hi vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn trang bị thêm kiến thức để điều trị bệnh hiệu quả. Nếu bạn cần tư vấn thêm thông tin về các bệnh lý mắt khác, hoặc đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa, vui lòng liên hệ tới Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh nhất nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital