Bệnh hẹp mạch vành có thể dẫn tới rất nhiều biến cố tim mạch nguy hiểm, trong đó có nhồi máu cơ tim. Dù bệnh ở mức độ nhẹ cũng khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu và gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của toàn cơ thể. Cùng tìm hiểu những thông tin về bệnh này trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây hẹp mạch vành
Hẹp mạch vành là hiện tượng mạch vành – mạch máu chính nuôi cơ tim – bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.
Nguyên nhân của hiện tượng này là tình trạng lắng đọng của cholesterol và các chất dịch trong lòng mạch trên thành mạch, tạo nên những mảng xơ vữa.
2. Mối liên hệ giữa hẹp mạch vành và nhồi máu cơ tim
Khi các mảng xơ vữa còn nhỏ, quá trình vận chuyển máu đến nuôi cơ tim vẫn diễn ra bình thường, không gây nguy hiểm cho người bệnh.
Nhưng qua thời gian, các mảng xơ vữa dần tăng lên có thể chiếm một phần lớn diện tích lòng mạch, gây cản trở sự lưu thông của dòng máu. Nhiều trường hợp mạch máu bị ứ tắc có thể dẫn đến vỡ mạch máu hoặc hình thành huyết khối gây nhồi máu cơ tim.
Lượng máu đến nuôi dưỡng cơ tim bị giảm khiến các tế bào cơ tim chết dần (hoại tử), kéo theo nguy cơ ngừng tim, tử vong rình rập.
3. Những ai dễ bị hẹp mạch vành?
Bệnh hẹp mạch vành có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng phổ biến hơn cả ở nam giới trên 50 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi. Bệnh dễ xuất hiện ở những người có người thân từng mắc bệnh này.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:
Các bệnh lý:
– Tăng huyết áp
– Đái tháo đường
– Béo phì
– Rối loạn mỡ máu
Các thói quen xấu như:
– Lười vận động
– Ăn nhiều dầu mỡ, uống nước có ga
– Hút thuốc lá
– Lạm dụng rượu bia
Các yếu tố này làm tăng LDL-Cholesterol và giảm HDL-Cholesterol trong máu, làm tổn thương tế bào nội mạc thành mạch, từ đó thúc đẩy quá trình hình thành các mảng xơ vữa, dẫn tới hẹp mạch vành.
Nếu như các yếu tố về tuổi tác, tiền sử gia đình…là những yếu tố không thể thay đổi thì các yếu tố bệnh lý, thói quen lại có thể thay đổi nhờ vào ý thức chủ động của chính người bệnh. Cần theo dõi và điều chỉnh các yếu tố này nhằm tạo ra những kết quả tích cực trong phòng ngừa và điều trị bệnh.
4. Triệu chứng nào cảnh báo bệnh hẹp mạch vành?
Hẹp mạch vành có thể biểu hiện ở mỗi người và mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng vẫn có những dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm bệnh này. Đó là:
– Đau thắt ngực: cảm giác như lồng ngực bị đè nén, bóp chặt. Nhiều trường hợp có cảm thấy vùng tim bị nhói buốt, bỏng rát khó chịu. Cơn đau thường kéo dài 5-10 phút, thường tự hết khi dùng thuốc hoặc nghỉ ngơi.
– Đau các vùng khác: Tình trạng đau không chỉ xuất hiện ở ngực, mà có thể lan ra đến cổ, hàm, vai và cánh tay.
– Khó thở: Thường xảy ra ở những người cao tuổi, người bệnh tiểu đường, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khó thở thường tăng lên khi hoạt động gắng sức.
– Mệt mỏi: Tình trạng thiếu máu đến cơ tim kéo dài khiến hoạt động co bóp của cơ tim giảm, lượng máu đi nuôi cơ thể cũng vì thế mà không được đảm bảo, dễ dẫn tới mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh còn có thể đầy bụng, ăn uống khó tiêu, buồn nôn…chớ nên bỏ qua nếu không muốn bệnh diễn tiến nặng hơn.
5. Điều trị và phòng ngừa hẹp mạch vành như thế nào?
5.1. Điều trị bệnh hẹp mạch vành hiệu quả
Trong trường hợp hẹp mạch vành còn ở mức độ nhẹ, một số loại thuốc có thể được sử dụng giúp cải thiện tình trạng của bệnh bao gồm:
– Thuốc giảm mỡ máu: Làm giảm tình trạng mỡ tích tụ trong máu, giúp ổn định mảng xơ vữa.
– Thuốc giãn mạch: Giúp ngăn tình trạng co thắt mạch máu, thường sử dụng khi bệnh nhân lên cơn đau tim, đau ngực hoặc trước khi thực hiện các hoạt động gắng sức như lên cầu thang, lên dốc…
– Thuốc kháng tiểu cầu: Sự kết dính tiểu cầu là nguyên nhân gây hình thành các cục máu đông. Sử dụng thuốc kháng tiểu cầu cho bệnh nhân mắc bệnh mạch vành giúp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả.
– Thuốc chẹn bêta: Giúp ổn định huyết áp, từ đó giảm sự hình thành các mảng xơ vữa, ngăn hẹp mạch vành, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Lưu ý, khi sử dụng các loại thuốc này, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến và tuân theo chỉ định của các bác sĩ
Trong trường hợp mảng xơ vữa đã có kích thước lớn, gây hẹp – tắc nhiều, bệnh nhân có thể phải thực hiện một trong các can thiệp như: đặt stent, bắc cầu động mạch chủ, phẫu thuật thông liên thất,…
5.2. Phòng ngừa bệnh hẹp mạch vành nhờ lối sống lành mạnh
Để không phải đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như những triệu chứng khó chịu do bệnh mạch vành gây ra, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau:
– Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: ăn nhạt, thường xuyên ăn cá, bổ sung rau xanh, hoa quả, ăn các loại hạt, hạn chế ăn mỡ động vật, đồ ăn sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ,…
– Không sử dụng các chất kích thích chứa nicotin, cồn,…
– Tích cực tập thể dục: những bộ môn vừa sức, nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, yoga có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch nói chung và tình trạng hẹp mạch vành nói riêng.
– Kiểm soát tốt các chỉ số cơ thể: điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bệnh nhân đang mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,…
– Đi khám thường xuyên: đối với người bình thường cần khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Người có bệnh lý cần đi khám theo chỉ định của bác sĩ. Đừng quên đi khám ngay khi thấy các dấu hiệu cảnh báo bất thường của cơ thể.
Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm thông tin về bệnh hẹp mạch vành, từ đó biết cách nhận biết và điều trị sớm để phòng tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bệnh nhân vui lòng liên hệ để được tư vấn một cách chi tiết.