Số ca mắc bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng tại các tỉnh miền Bắc nước ta, đặc biệt trong điều kiện thời tiết giao mùa thất thường. Để nắm bắt được tình hình dịch và chủ động phòng bệnh, tìm hiểu các thông tin về bệnh bạch hầu dưới đây bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Thông tin bệnh bạch hầu
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra, tạo thành lớp giả mạc ở hầu họng, thanh quản, mũi hoặc ở tuyến hạnh nhân. Bạch hầu cũng có thể xuất hiện ở da hoặc niêm mạc của mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là loại bệnh gây vừa gây nhiễm trùng vừa gây nhiễm độc tính, do độc tố bài tiết từ vi khuẩn bạch hầu gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho người bệnh.
Sau khoảng thời gian vi khuẩn bạch hầu ủ bệnh trong khoảng 2-5 ngày, bệnh nhân thường xuất hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, sưng hạch ở cổ. Đặc biệt là giai đoạn đầu, trước khi hình thành màng ở hầu họng, bệnh dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng đau họng khác.
2. Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn này có 3 chủng là Gravis, Mitis và Intermedius.
Vi khuẩn tiết ra các độc tố gây hại cho nhiều cơ quan trong cơ thể. Người mang mầm bệnh cũng như người đang mắc bệnh đều có thể là nơi chứa vi khuẩn, đồng thời truyền bệnh cho người khác.
Người bệnh thường đào thải vi khuẩn từ giai đoạn đầu của bệnh, thời kỳ lây lan có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn. Người mang mầm bệnh có thể mang vi khuẩn từ vài ngày đến 3, 4 tuần.
Vi khuẩn bạch hầu có thể lây lan qua các con đường sau:
– Lây qua đường hô hấp: Khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bạch hầu, đặc biệt là khi người bệnh nói to, hoặc hắt hơi, thì người đối diện có thể dễ dàng nhiễm vi khuẩn thông qua đường hô hấp. Đây là con đường lây nhiễm chủ yếu của vi khuẩn bạch hầu nên tốc độ lây lan của bệnh này là khá nhanh.
– Lây qua đồ dùng cá nhân: Nguy cơ lây nhiễm cũng có thể xảy ra khi sử dụng chung các đồ dùng của người bệnh hoặc ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn gây bệnh.
– Ngoài ra, cũng có những trường hợp bị lây bệnh qua tổn thương trên da, chẳng hạn như vết thương hở hoặc vết muỗi đốt.
3. Các biến chứng bệnh bạch hầu
Khi bệnh bạch hầu tiến triển, sẽ xuất hiện kèm các dấu hiệu như khó nuốt, khó thở. Trẻ em mắc bạch hầu nặng có thể bị da xanh, nhịp tim bất thường và triệu chứng liệt thần kinh. Biến chứng phổ biến nhất của căn bệnh này là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.
– Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra vào giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc có thể xuất hiện chậm sau vài tuần khi bệnh đã hồi phục. Khi viêm cơ tim xảy ra sớm ở người bệnh, đặc biệt trong những ngày đầu mắc bệnh thì tiên lượng thường không tốt, tỷ lệ tử vong xảy ra cao.
– Biến chứng viêm dây thần kinh thường xuất hiện ở dây thần kinh vận động và có thể phục hồi hoàn toàn nếu không có biến chứng gây tử vong. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện ở tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra trong tuần thứ năm của bệnh.
– Bạch hầu cũng có thể gây viêm phổi và suy hô hấp do hậu quả của liệt cơ hoành.
– Có thể xảy ra các biến chứng khác như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em nhũ nhi.
Bệnh bạch hầu có thể tự suy giảm hoặc trở nên nghiêm trọng và gây tử vong trong khoảng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong dao động từ 5% – 10%.
4. Cách phòng ngừa bạch hầu
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là cách quan trọng để đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
– Che miệng khi ho hoặc hắt hơi và duy trì vệ sinh hàng ngày cho cơ thể, mũi và họng.
– Hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc có nghi ngờ mắc bệnh.
– Đảm bảo môi trường sống như nhà ở, nhà trẻ và lớp học được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
– Người có các dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
– Các cư dân trong khu vực dịch bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin theo hướng dẫn và yêu cầu của cơ quan y tế.
– Bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, nhưng có thể dễ dàng phòng ngừa bằng cách tiêm chủng. Việc trì hoãn việc tiêm phòng vì bất kỳ lý do nào sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
– Bệnh bạch hầu không tạo ra miễn dịch trọn đời, do đó, nguy cơ tái nhiễm vẫn rất cao. Vì vậy, việc tiêm chủng vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất để tạo miễn dịch.
5. Các loại vắc xin ngừa bạch hầu
Hiện tại, nước ta chưa có vắc xin bạch hầu đơn giá mà chỉ có các loại vắc xin kết hợp có thành phần bạch hầu như: vắc xin 6in1 Hexaxim và Infanrix hexa, vắc xin 4in1 Tetraxim, vắc xin 3in1 Adacel và Boostrix 0,5ml.
– Infanrix hexa (Bỉ) và Hexaxim (Pháp) là 2 loại vắc xin 6 trong 1, kết hợp phòng ngừa 6 bệnh bạch hầu uốn ván – bại liệt – ho gà – viêm màng não mủ, viêm phổi do HIB – viêm gan B trong 1 mũi tiêm. Vắc xin được chủng ngừa cho đối tượng là trẻ em từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi.
– Tetraxim được sản xuất tại Pháp, kết hợp phòng ngừa 4 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt trong 1 mũi tiêm. Vắc xin được chỉ định sử dụng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên đến 13 tuổi.
– Vắc xin Adacel (Canada) và Boostrix 0,5ml (Bỉ) đều là vắc xin kết hợp ngừa 3 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà. Adacel sử dụng cho trẻ em từ 4 tuổi đến người lớn dưới 54 tuổi. Vắc xin Boostrix 0,5ml sử dụng cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
Các loại vắc xin này đều đang có mặt tại Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để chủng ngừa sức khỏe toàn diện cho cả trẻ em và người lớn. Dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp, nguy cơ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy, mọi đối tượng đều nên tiêm vắc xin phòng bệnh.
Như vậy, bài viết vừa chia sẻ đến bạn các thông tin bệnh bạch hầu. Để được tư vấn chi tiết về phác đồ tiêm vắc xin cũng như được sàng lọc sức khỏe và chủng ngừa an toàn, hiệu quả bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, liên hệ Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI ngay bạn nhé!