Thời tiết lạnh là điều kiện để các tác nhân gây bệnh hô hấp sinh sôi và phát triển. Cùng tìm hiểu các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp mùa lạnh qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp
Các nguyên nhân gây bệnh hô hấp chủ yếu là virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất. Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân này sinh sôi, khiến các bệnh lý đường hô hấp khởi phát hoặc trầm trọng hơn. Các bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi trời trở lạnh gồm: cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm phổi,…
2. Các cách bảo vệ hệ hô hấp mùa lạnh được khuyến cáo
2.1 Phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp nếu không được kiểm soát hiệu quả có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi…
Virus, vi khuẩn là các tác nhân gây nhiễm trùng hô hấp chủ yếu. Do vậy, muốn bảo vệ hệ hô hấp trong thời tiết lạnh phòng tránh lây lan các tác nhân này bằng cách:
– Rửa tay với nước và xà phòng một cách thường xuyên và đúng cách
– Hạn chế các hành động chạm tay lên mắt, mũi, miệng
– Tránh đến những nơi đông người, nhất là vào mùa lạnh
– Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách để tránh nhiễm trùng từ đường miệng
– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giữ khoảng cách với người đang mắc hoặc nghi ngờ bệnh hô hấp
– Tiêm vắc-xin cúm hàng năm để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp
2.2 Bảo vệ hệ hô hấp mùa lạnh bằng cách tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp. Một số biện pháp dưới đây bảo vệ hệ hô hấp khỏi các tác nhân ô nhiễm gồm:
– Không nên ra ngoài hoặc tập thể dục trong những ngày chất lượng không khí quá tệ.
– Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nên chọn những loại khẩu trang có khả năng lọc được các loại bụi, đặc biệt là bụi mịn.
– Hạn chế tối đa làm việc trong môi trường ô nhiễm.
– Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy.
– Sử dụng các dụng cụ bảo vệ hô hấp khi làm những công việc có tiếp xúc với hóa chất độc hại, ví dụ như làm việc tại các công trường, xưởng, mỏ than…
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sử dụng máy lọc không khí trong nhà để giữ không khí ở chất lượng tốt nhất có thể. Dọn dẹp nhà cửa định kỳ để hạn chế các dị nguyên gây kích ứng phổi như lông động vật, nấm mốc…
– Chú ý hệ thống thông gió của ngôi nhà, sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên thay vì hóa chất hay hương liệu vì chúng có thể gây kích ứng đường hô hấp.
– Trồng thêm cây trong nhà, điều này giúp lọc không khí và loại bỏ một số khí thải gây hại. Điều này giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
2.3 Vệ sinh, làm sạch đường thở thường xuyên
Các vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Để bảo vệ hệ hô hấp khỏi sự tấn công của các tác nhân này, người bệnh cần đảm bảo đường thở luôn thông thoáng, sạch sẽ bằng cách sử dụng nước muối.
Nước muối có rất nhiều công dụng như làm sạch vết thương, vệ sinh mũi, cổ họng và bù nước. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sẽ giúp tiêu diệt các chất gây dị ứng, làm sạch chất nhầy và bụi bẩn, làm ẩm màng nhầy. Nhờ đó giúp đường thở được thông thoáng và ngăn các loại bệnh tật.
Bạn có thể rửa trực tiếp mũi họng trực tiếp với nước muối hoặc xông để giảm bớt sự khó chịu và giúp thẩm thấu tốt hơn, giúp hỗ trợ việc vệ sinh mũi họng được sạch hơn.
Bên cạnh nước muối, bạn cũng có thể vệ sinh mũi họng bằng các sản phẩm sát khuẩn chuyên dụng khác.
2.4 Tập thể dục là biện pháp bảo vệ hệ hô hấp mùa lạnh
Việc tập luyện tốt rất có lợi cho việc tăng cường sức khỏe nói chung. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên duy trì hoạt động thể chất khoảng 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần. Như vậy có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, trong đó có sức khỏe hô hấp. Các nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh phổi mạn tính cũng có thể cải thiện các triệu chứng nhờ luyện tập một cách hợp lý, thường xuyên. Thực hiện các bài tập thở là một phương pháp đơn giản nhưng giúp cải thiện chức năng phổi và tăng cường sức khỏe hệ hô hấp.
2.5 Uống nhiều nước
Việc bổ sung đủ nước là rất cần thiết cho cơ thể cũng như hệ hô hấp. Nước sẽ giúp làm loãng các dịch nhầy, đờm trong phổi hay đường thở, tống các chất này ra ngoài, giúp đường thở sẽ trở nên thông thoáng. Mỗi người cần uống đủ lượng nước theo thể trạng của mình, không nên chỉ uống khi khát và cũng không nên uống quá nhiều nước. Những người đã có bệnh nền, đặc biệt là bệnh tim, phổi, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước cần uống mỗi ngày.
2.6 Chú ý đến chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng cũng giúp tăng cường sức khỏe chung và bảo vệ hệ hô hấp. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần ăn cân đối các nhóm dưỡng chất thiết yếu như tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, cần hạn chế ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, động vật ốm chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm….
2.7 Giữ ấm cơ thể
Khi cơ thể nhiễm lạnh, sức đề kháng yếu đi khiến cho các loại virus, vi khuẩn thừa cơ hội xâm nhập và gây hại. Vì vậy, giữ ấm cơ thể là biện pháp quan trọng để bảo vệ cơ thể trong mùa lạnh. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, bạn nên mặc quần áo giữ nhiệt, quàng khăn, đội mũ, nhất là khi ra khỏi nhà hoặc hoạt động ngoài trời.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn nắm được các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp hiệu quả trong mùa lạnh. Khi có các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.