Sâu răng là vấn đề răng miệng ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi phổ biến nhất hiện nay. Trong khi nhiều người lựa chọn điều trị sâu răng với nha sĩ, nhiều người lại cho rằng sâu răng có thể tự lành. Vậy, sâu răng tự lành được không? Trong bài viết này, Thu Cúc TCI sẽ làm sáng tỏ vấn đề đó, đọc ngay bạn nhé!
Sâu răng là một tình trạng mà trong đó, cấu trúc của răng bị phá hủy do sự tấn công của acid sản sinh từ vi khuẩn trong khoang miệng. Quá trình này diễn ra như sau:
– Hình thành mảng bám: Vi khuẩn trong khoang miệng, kết hợp với thức ăn, nước bọt… để tạo thành một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng gọi là mảng bám.
– Phân hủy thức ăn: Khi bạn tiêu thụ thực phẩm chứa đường hoặc tinh bột, các vi khuẩn trong mảng bám sẽ phân hủy chúng, acid sản sinh từ quá trình phân hủy này.
– Phá hủy men răng: Acid sau đó tấn công men răng, lớp bảo vệ bên ngoài của răng. Sự tiếp xúc lâu dài với acid khiến men răng bị mòn và xuất hiện các lỗ hổng trên bề mặt răng.
– Phá hủy ngà răng và tủy răng: Nếu không được điều trị, sâu răng có thể tiếp tục lan vào các lớp trong, ảnh hưởng đến ngà răng phía dưới men răng và tủy răng phía dưới ngà răng, gây đau đớn dữ dội.
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Sâu răng tự lành được không?
1.1. Sâu răng tự lành được không, giải đáp từ chuyên gia
Sâu răng tự lành được không? Câu trả lời là: Sâu răng không thể tự lành, một khi trên về mặt răng đã xuất hiện lỗ hổng rõ rệt. Khi mô răng đã bị tổn thương do acid, mô răng đó không thể phục hồi mà không có sự can thiệp nha khoa.
Tuy nhiên, có một quá trình gọi là tái khoáng hóa, có thể đảo ngược sự phá hủy men răng ở giai đoạn rất sớm của sâu răng, khi men răng mới mòn còn lỗ hổng trên bề mặt răng chưa xuất hiện. Quá trình tái khoáng hóa liên quan đến sử dụng các ion khoáng chất như canxi và phosphate, thường có trong nước bọt và các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa fluoride, để củng cố men răng đã suy yếu.
1.2. Cách làm sâu răng tự lành
Để hỗ trợ quá trình tái khoáng hóa men răng, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
– Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng cẩn thận: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, sáng và tối, bằng kem đánh răng có chứa fluoride. Đánh răng bằng kem đánh răng chứa fluoride giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa, đồng thời giúp tái khoáng hóa men răng. Sau khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa ở những khu vực mà bàn chải không thể tiếp cận.
– Thực hành chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế đồ ăn thức uống có đường vì đường là nguồn thức ăn chính cho vi khuẩn gây sâu răng. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi (như sữa, pho mát và các chế phẩm khác từ sữa) và phosphate (như hạt, cá và thịt) để hỗ trợ tái khoáng hóa.
– Thăm khám định kỳ: Thăm khám định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần) để phát hiện sớm các dấu hiệu sâu răng và can thiệp kịp thời.
– Nhai kẹo chứa xylitol: Xylitol có thể ức chế quá trình sản xuất acid và tăng cường quá trình sản xuất nước bọt, qua đó giúp tái khoáng hóa men răng.
2. Sâu răng không tự lành phải làm sao?
Các biện pháp trên không thể chữa sâu răng đã hình thành lỗ hổng nhưng có thể giúp đảo ngược tình trạng sâu răng ở giai đoạn rất sớm. Nếu đã có lỗ hổng rõ rệt, cần gặp nha sĩ để được điều trị, có thể là bằng phương pháp trám răng hoặc bọc sứ… Dưới đây là một số phương pháp điều trị sâu răng chính:
– Trám răng: Trám răng là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho sâu răng. Nha sĩ sẽ loại bỏ phần răng sâu, sau đó trám lỗ hổng bằng vật liệu trám như amalgam, composite resin, hoặc gốm sứ. Trám răng không chỉ giúp phục hồi hình dạng và chức năng ăn nhai của răng mà còn giúp ngăn ngừa sự xâm nhập thêm của vi khuẩn.
– Bọc răng: Nếu sâu răng gây tổn thương lớn, khiến răng yếu nhiều, nha sĩ có thể khuyến nghị người bệnh bọc răng để phục hồi hình dạng và chức năng ăn nhai của răng. Trong phương pháp này, răng được bọc bởi các mão, một chiếc “mũ” làm bằng kim loại, sứ hoặc các vật liệu hỗn hợp.
– Điều trị tủy: Sâu răng tiến triển vào tủy răng, có thể gây viêm tủy. Trong trường hợp này, điều trị tủy răng là rất cần thiết. Phương pháp này bao gồm: Loại bỏ tủy răng bị nhiễm trùng, vệ sinh ống tủy và cuối cùng là đóng kín ống tủy với vật liệu trám hoặc mão.
– Nhổ răng: Trường hợp sâu răng quá nghiêm trọng, không thể cứu vãn, nhổ răng là lựa chọn cuối cùng. Sau khi nhổ răng, người bệnh có thể cân nhắc đến các giải pháp cầu răng, implant để phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho khuôn mặt.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi sâu răng tự lành được không. Mặc dù khả năng sâu răng tự lành hoàn toàn là không thể, nhưng hiểu về cách hỗ trợ tái khoáng hóa men răng có thể giúp bạn duy trì sức khỏe răng miệng hiệu quả. Theo đó, để hỗ trợ tái khoáng hóa men răng, bạn nên vệ sinh răng miệng bằng kem đánh răng chứa fluoride, điều chỉnh chế độ ăn uống (hạn chế đồ ăn thức uống có đường, tăng cường thực phẩm giàu canxi và phosphate, nhai kẹo chứa xylitol và thăm khám định kỳ với nha sĩ. Trong trường hợp bề mặt răng đã xuất hiện lỗ hổng, hãy liên hệ với nha sĩ để được chăm sóc chuyên nghiệp và kịp thời. Tùy thuộc mức độ sâu răng, nha sĩ sẽ khuyến nghị phương pháp điều trị phù hợp cho bạn, ví dụ như trám răng, bọc sứ, điều trị tủy, nhổ răng. Nhớ rằng, chăm sóc răng miệng cẩn thận hàng ngày và thăm khám định kỳ là chìa khóa để ngăn ngừa sâu răng và duy trì nụ cười rạng rỡ, bạn nhé!