Tiêm Hexaxim là hoạt động phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới bởi sự vượt trội trong việc giúp phòng ngừa 6 loại bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự hiểu rõ về loại vắc xin này cũng như những điều cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu thông tin về vacxin Hexaxim
1.1. Định nghĩa vacxin Hexaxim
Vacxin Hexaxim là loại vắc xin kết hợp phòng ngừa được 6 loại bệnh trong cùng 1 mũi tiêm gồm: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra.
Tiêm Hexaxim là loại vắc xin được tích hợp trong 1 mũi vắc xin nên có thể hạn chế tối đa tiêm nhiều mũi cho trẻ.
1.2. Phác đồ tiêm Hexaxim như thế nào?
Tiêm Hexaxim được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi theo phác đồ tiêm như dưới đây:
– Tiêm 3 mũi 6 trong 1 vào thời điểm khi trẻ 2 – 3 – 4 tháng tuổi hoặc 3 – 4 – 5 tháng tuổi. Cả 3 mũi tiêm cơ bản này nên được hoàn thành trước khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, các mũi tiêm nên cách nhau tối thiểu 1 tháng
– Mũi nhắc lại nên tiêm khi trẻ đủ 16 -18 tháng tuổi và cách mũi thứ 3 tối thiểu 12 tháng.
Đối với trường hợp trẻ khi sinh đã được tiêm ngừa viêm gan B thì vẫn có thể tiêm Hexaxim như liều vắc xin viêm gan B bổ sung.
1.3. Ưu điểm của tiêm Hexaxim
Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim được đánh giá là loại vắc xin thế hệ mới được đánh giá cao với những ưu điểm vượt trội như:
– Được kiểm định lâm sàng một cách nghiêm ngặt.
– Giảm mũi tiêm, giảm cảm giác đau cho trẻ: Vắc xin 6 trong 1 phòng ngừa hiệu quả 6 loại bệnh truyền nhiễm thường xảy ra ở trẻ chỉ trong 1 mũi tiêm. Từ đó giảm số mũi tiêm từ 9 mũi còn 3 mũi so với tiêm các mũi đơn lẻ.
– Độ an toàn cao: Vacxin 6 trong 1 chứa thành phần ho gà vô bào nên các phản ứng sau tiêm như sưng, tấy đỏ, đau, sốt sẽ thấp hơn rất nhiều so với các loại vắc xin chứa thành phần ho gà nguyên tế bào đã sử dụng trước đó.
– Tiện lợi, độ chính xác cao: Do được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm pha sẵn có thể tiêm ngay, giúp rút ngắn thời gian tiêm và giảm nguy cơ sai sót trong quá trình tiêm tránh nhiễm khuẩn khi tiêm.
– Linh động khi phối hợp hoặc chuyển đổi vắc xin: Trẻ được khuyến cáo nên sử dụng cùng một loại vắc xin giữa các lần tiêm. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng và được sự chỉ định của bác sĩ thì có thể đổi sang loại vắc xin khác mà không gây ra ảnh hưởng nào.
Có thể tiêm đồng thời được các loại vắc xin khác mà không gây ảnh hưởng hay làm giảm tác dụng như:
– Vacxin sởi – quai bị – rubella.
– Vacxin ngừa viêm não nhóm A, C.
– Vacxin uống phòng ngừa Rotavirus…
2. Một số điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin Hexaxim
2.1. Đối tượng chống chỉ định tiêm vacxin Hexaxim
Tiêm Hexaxim 6 trong 1 thường không được chỉ định tiêm cho trẻ trong những trường hợp như:
– Trẻ đang sốt cao, bị cảm cúm hoặc đang mắc bệnh cấp tính.
– Trẻ bị dị ứng với bất kỳ một thành phần nào của vắc xin ở những lần tiêm trước.
– Trẻ mắc suy giảm hệ miễn dịch.
– Trẻ mắc chứng rối loạn đông máu hay các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính.
– Trẻ mẫn cảm hoặc từng có phản ứng sốc phản vệ với các vắc xin ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt hay viêm màng não do Hib.
– Trẻ bị tổn thương ở não không rõ nguyên nhân trong vòng 7 ngày kể từ khi tiêm 1 mũi vắc xin chứa thành phần ho gà bao gồm cả vắc xin ho gà vô bào và nguyên bào.
2.2. Những điều cần lưu ý khi tiêm Hexaxim cho trẻ
– Giống với các loại vắc xin bằng đường tiêm khác, cần phải thận trọng khi tiêm Hexaxim cho người bị suy giảm tiểu cầu hay rối loạn đông máu vì có thể bị chảy máu sau khi tiêm ở bắp.
– Cần cân nhắc khi thực hiện tiếp các liều vắc xin chữa ho gà nếu có xuất hiện một số triệu chứng như: Sốt cao trên 40 độ C trong vòng 48 giờ sau tiêm; trụy mạch hoặc có sốc…
– Trẻ nhỏ có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị suy giảm miễn dịch thì đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vắc xin sẽ bị giảm đáng kể.
Tuy vắc xin này được kiểm nghiệm và có tính an toàn cao, tuy nhiên do mỗi cơ địa sẽ gặp những tác dụng phụ nhất định nhưng thường ở mức độ nhẹ như:
– Đau nhức tại vị trí tiêm, quấy khóc, dễ kích động. Những dấu hiệu này có thể kéo dài từ 48 – 72 giờ và dần thuyên giảm và không cần can thiệp.
– Một số trường hợp có thể xuất hiện phát ban, mề đay ngoài da, co giật kèm theo sốt.
– Sốt cao từ 38 đến 40 độ C trong vòng 48 giờ sau tiêm.
– Xuất hiện một số phản ứng toàn thân: Biếng ăn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, quấy khóc kéo dài…
Chính vì vậy, sau khi tiêm cha mẹ nên cho trẻ theo dõi sức khỏe tại cơ sở tiêm chứng ít nhất 30 phút để theo dõi và xử lý kịp thời các biến chứng.
Sau khi về nhà cần tiếp tục theo dõi trẻ trong vòng 24 giờ về trạng thái, nhiệt độ và các biểu hiện trên da… của trẻ. Lưu ý, không nên chạm, đè vào chỗ tiêm, không chườm hay đắp bất kỳ vật gì vào vị trí tiêm. Nếu có những biểu hiện bất thường như sốt cao trên 39 độ, co giật, khó thở, phát ban… thì nên cho trẻ tới cơ sở y tế sớm nhất để điều trị kịp thời.
Để đảm bảo vắc xin đạt được hiệu quả tốt nhất, cha mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các thông tin và thực hiện tiêm phòng ngừa theo đúng phác đồ được chỉ định. Cha mẹ có thể cho trẻ thực hiện khám và kiểm tra sức khỏe trước để giảm tối đa những rủi ro khi tiêm phòng. Nếu còn thắc mắc nào về hoạt động tiêm Hexaxim, bạn hãy liên hệ ngay tới Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để nhận giải đáp sớm nhất!