Mùa mưa bão tiềm ẩn nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên mỗi người cần chủ động phòng tránh. Trong đó, tiêm vacxin là cách bảo vệ sức khỏe khỏi sự tấn công của các virus, vi khuẩn gây bệnh. Vậy nên tiêm vacxin nào để phòng bệnh truyền nhiễm mùa mưa bão?
Menu xem nhanh:
1. Những bệnh truyền nhiễm dễ xảy ra trong mùa mưa bão
Trong và sau mưa bão, lũ lụt thì có vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,…theo dòng nước tràn ra nhiều nơi gây ô nhiễm nặng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và tấn công sức khỏe con người. Tốc độ lây lan của bệnh truyền nhiễm được đánh giá là nhanh và nguy hiểm nếu người dân chủ quan và không có những biện pháp phòng tránh. Một số dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa bão đó là:
– Cúm.
– Bệnh tả.
– Thương hàn.`
– Sốt xuất huyết.
– Sốt rét.
Như đã nói ở trên, nếu không chủ động đề phòng thì ai cũng có khả năng nhiễm bệnh. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ nhiễm bệnh vì hệ miễn dịch còn non nớt. Khi các virus, vi khuẩn tấn công mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, khả năng học tập và chất lượng cuộc sống của trẻ.
2. Phòng bệnh truyền nhiễm mùa mưa bão nên tiêm vacxin nào?
2.1. Vacxin bệnh tả
Tỷ lệ mắc bệnh tả tăng cao mỗi khi vào mùa mưa bão. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa khi uống phải nước hoặc ăn thức ăn có nhiễm vi khuẩn tả. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn vượt qua hàng rào bảo vệ và tiến sâu vào tá tràng và ruột non để sinh sản và phát triển. Ở ruột non, vi khuẩn bám chặt vào thành ruột, đến tận đáy các nhung mao của ruột và bắt đầu sản xuất ra độc tố.
Khoảng 75% người nhiễm vi khuẩn tả không có triệu chứng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh dẫn đến các biến chứng như:
– Sốc mất nước.
– Trụy tim mạch.
– Suy thận.
– Tử vong.
Để bảo vệ bản thân cũng như đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng thì sử dụng vacxin là biện pháp hiệu quả được khuyến nghị. Hiện nay, vacxin mORCVAX được sử dụng rộng rãi cho cả trẻ em (từ 2 tuổi trở lên) và người lớn. Đây là loại vắc xin bất hoạt, được chỉ định dùng đường uống để phòng ngừa bệnh tả do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây nên.
Lịch cơ bản với 2 liều uống. Liều sau cách liều trước tối thiểu 2 tuần (tức 14 ngày). Sau khi hoàn tất liều cơ bản thì cần uống liều nhắc lại sau 2 năm hoặc trước mỗi mùa dịch tả diễn ra.
2.2. Trước mùa bão nên tiêm vacxin nào? – Vacxin cúm
Cúm là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, bùng nổ tỷ lệ mắc bệnh mỗi khi vào thời điểm mưa bão. Bởi lúc này không khí ẩm lạnh tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để virus cúm tồn tại lâu hơn trong môi trường tự nhiên. Điều này càng tăng cao khả năng lây lan bệnh.
Bệnh có nguy cơ biến chứng ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có sẵn bệnh nền. Đồng thời còn làm tăng nguy cơ đồng nhiễm các virus, vi khuẩn nguy hiểm khác và làm nặng thêm tình trạng bệnh nền có sẵn. ‘
Cách phòng bệnh hiệu quả chính là chủ động tiêm vacxin cúm càng sớm càng tốt. Vacxin khi truyền vào cơ thể sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus gây bệnh. Sau 2 – 3 tuần kể từ khi tiêm phòng thì kháng thể sẽ xuất hiện. Trong trường hợp chẳng may tiếp xúc với mầm bệnh thì kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus. Khả năng nhiễm bệnh lúc này sẽ không cao và nếu có mắc bệnh thì mức độ nghiêm trọng cũng khó có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần, song song đó là các chủng virus cúm biến đổi liên tục qua mỗi năm. Vì thế, vắc xin phòng cúm luôn được cập nhật hàng năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành. Tiêm phòng cúm nhắc lại hàng năm là cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi sự tấn công của các chủng virus.
2.3. Vacxin phòng bệnh thương hàn
Ngoài 2 loại trên thì còn nên tiêm vacxin nào để phòng bệnh truyền nhiễm mùa mưa bão nữa không?
Nguồn nước bị ô nhiễm là hệ quả sau mỗi mùa mưa bão đi qua. Điều này tạo điều kiện thuận lợi lây lan mầm bệnh thương hàn trong cộng đồng. Bệnh có thể gây các triệu chứng tăng dần từ nhẹ đến nặng:
– Sốt liên tục.
– Ớn lạnh.
– Đau đầu.
– Mệt mỏi.
– Chán ăn.
– Bụng chướng.
– Buồn nôn.
– Tiêu chảy xen kẽ táo bón.
– Phát ban đỏ.
– Li bì, mê sảng.
Bệnh thương hàn được đánh giá là một bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm và không được chủ quan. Nếu bị nhiễm bệnh mà không được điều trị kịp thời thì sẽ phải đối mặt với các biến chứng rất nghiêm trọng như:
– Biến chứng về đường tiêu hóa: thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa.
– Biến chứng về tim mạch: viêm cơ tim, trụy tim mạch.
– Biến chứng gan mật: áp xe gan, viêm gan, viêm túi mật.
– Biến chứng thần kinh: viêm màng não mủ, viêm màng não thanh dịch.
– Các biến chứng khác hiếm gặp hơn: viêm cầu thận, viêm phổi, viêm xương,…
Để phòng bệnh hiệu quả và an toàn, tiêm vacxin là việc làm cần thiết. Vacxin phòng thương hàn Typhim Vi được sử dụng rộng rãi cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn. Với lịch tiêm cơ bản là 1 mũi và tiêm nhắc lại 3 năm/lần.
2.4. Nên tiêm vacxin nào để tránh bệnh truyền nhiễm? – Vacxin phòng viêm gan A
Bệnh viêm gan A có cơ hội lây lan ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, bị ô nhiễm. Thường xảy ra sau thời điểm mưa bão, ngập lụt. Khả năng nhiễm phải mầm bệnh khi uống phải nước bị ô nhiễm, tiếp xúc với người mắc bệnh.
Rất nhiều trường hợp bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị bệnh bởi không nhận biết được triệu chứng. Thậm chí có trường hợp nhiễm viêm gan A mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Mỗi người cần chủ động tiêm phòng viêm gan A từ sớm. Trẻ em từ 1 tuổi có thể tiến hành tiêm vacxin viêm gan A với 2 mũi cơ bản, mũi sau cách mũi trước 6-12 tháng.
3. Kết hợp nhiều biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm
Ngoài việc tiêm vacxin phòng bệnh truyền nhiễm thì cần kết hợp thêm các biện pháp khác như:
– Lựa chọn và chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh. Nên ăn chín và uống nước đun sôi.
– Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi nấu nướng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Vệ sinh cá nhân hàng ngày, đặc biệt rửa sạch và lau khô từng kẽ ngón chân, ngón tay sau khi bạn tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
– Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể và thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các chai, lọ, lốp ô tô…để không cho muỗi đẻ trứng.
– Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và can thiệp kịp thời.
Trên đây là thông tin gửi tới bạn về việc nên tiêm vacxin nào để phòng bệnh truyền nhiễm mùa mưa bão. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào có thể liên hệ ngay qua tổng đài để được giải đáp kỹ lưỡng nhé.