Glocom cườm nước là một loại bệnh lý tổn thương thần kinh thị giác trong mắt, tiến triển mạn tính. Bệnh lý này được ví như kẻ cướp thị giác “thầm lặng” và là nguyên nhân gây mù thứ hai trên thế giới chỉ sau đục thủy tinh thể. Tổn thương thần kinh thị giác do Glocom gây ra thường không có khả năng hồi phục, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời đóng vai trò rất quan trọng.
Menu xem nhanh:
1. Glocom là bệnh như thế nào?
1.1. Mức độ nguy hiểm của bệnh glocom cườm nước
Bệnh Glocom (cườm nước) là bệnh lý gây tổn thương không hồi phục thần kinh thị giác. Nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thị lực và thậm chí là mù lòa. Đặc biệt, Glocom rất khó phát hiện vì thông thường nó không có nhiều biểu hiện lâm sàng khi còn ở giai đoạn sớm (ngoại trừ Glocom góc đóng). Phần lớn người bệnh phát hiện và đi khám khi đã bước vào giai đoạn muộn, lúc này tiên lượng phục hồi thị lực rất kém.
So với bệnh về thủy tinh thể, bệnh cườm nước không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Mọi can thiệp điều trị hiện tại chỉ giúp cho họ hạn chế sự tiến triển của bệnh, bảo tồn thị lực hiện tại chứ không thể lấy lại thị lực ban đầu.
1.2. Đối tượng dễ mắc bệnh glocom cườm nước
Bất kì lứa tuổi nào đều có thể bị Glocom cườm nước, tuy nhiên căn bệnh này thường gặp nhiều nhất với những người trên 40 tuổi. Khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng lớn, đặc biệt với những người có tiền sử bệnh lý như: Cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch…
Theo thống kê, không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh Glocom giữa các đối tượng nam và nữ. Người thường xuyên bị stress, căng thẳng sẽ có khả năng khiến cho bệnh lý này tiến triển nhanh hơn, dẫn tới các cơn glocom cấp tính.
Người mắc các tật khúc xạ về mắt nặng hoặc gặp chấn thương mắt cũng cần đi khám mắt định kỳ để giúp phòng ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
2. Phân loại bệnh cườm nước
Bệnh Glocom cườm nước có nhiều thể, trong đó phổ biến nhất là: Glocom góc mở và Glocom góc đóng. Dù ở thể bệnh nào thì nó đều gây nên các thương tổn cho dây thần kinh thị giác và không thể hồi phục được. Thể Glocom góc mở thường phổ biến hơn ở người châu Âu, trong khi đó, Glocom góc đóng thường gặp ở người châu Á. Hai thể bệnh này có những triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
2.1. Glocom góc đóng (còn gọi là bệnh Thiên đầu thống)
Glocom góc đóng là bệnh lý cản trở hệ thống dẫn lưu thủy dịch trong mắt, cơ chế có thể do nghẽn đồng tử hoặc nghẽn góc tiền phòng. Lúc này, mắt sẽ bị gia tăng áp suất một cách đột ngột gây đau nhức dữ dội cho người bệnh. Thể bệnh này dễ phát hiện hơn vì xuất hiện triệu chứng đau nhức điển hình, đau hơn khi bệnh nhân cúi đầu hoặc ở trong buồng tối, thường xảy ra đột ngột khiến cho bệnh nhân phải đi khám bác sĩ ngay.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác của thể Glocom góc đóng có thể kể đến như: Nhức mắt, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu (thậm chí là đau dữ dội), thị lực suy giảm, khi nhìn vào nguồn sáng thấy có xuất hiện quầng sáng xung quanh, đồng tử giãn ra, đôi khi còn đi kèm đau bụng…
2.2. Glocom góc mở
Glocom góc mở là bệnh lý cản trở sự lưu thông thủy dịch ở trong mắt, cơ chế thường do xơ hoá vùng bè khiến cho áp suất trong mắt bị tăng cao. Thể Glocom góc mở sẽ khó nhận biết được triệu chứng bệnh bởi nó diễn biến từ từ, triệu chứng âm thầm và không gây đau đớn. Triệu chứng thường không đặc hiệu, mỏi mắt, đôi khi nhìn mờ.
Thần kinh thị giác của người bệnh cũng sẽ bị tổn thương dần dần, âm thầm và khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Khi thị lực của người bệnh bị suy giảm nặng mới phát hiện ra thì đã muộn, khó cứu chữa.
3. Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh cườm nước?
Khi thấy mắt có các triệu chứng bất thường, bạn không nên tự điều trị tại nhà. Lúc này, hãy đến các cơ sở y tế để được khám mắt, tư vấn và điều trị kịp thời. Bệnh lý Glocom cườm nước có thể được phát hiện sớm khi bạn thực hiện khám tổng quát mắt với các kiểm tra sau:
– Kiểm tra thị lực: Quá trình kiểm tra này sẽ giúp bạn đo khả năng nhìn ở những khoảng cách khác nhau.
– Kiểm tra thị trường chu biên: Với bước khám này, bạn sẽ được kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi. Nếu phát hiện tình trạng bị mất tầm nhìn ngoại vi ở mức độ nhất định thì đó là dấu hiệu nhận biết bạn có thể mắc bệnh tăng nhãn áp.
– Kiểm tra cấu trúc ở trong mắt: Bạn sẽ được soi đáy mắt bằng kính soi đáy mắt gián tiếp. Bác sĩ sẽ lần lượt kiểm tra võng mạc tới hệ thống dây thần kinh thị giác nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường của mắt.
– Đo nhãn áp: Bác sĩ dùng 1 dụng cụ đặc biệt để đo áp suất ở bên trong mắt bạn.
– Đo độ dày của giác mạc: Bác sĩ thực hiện kiểm tra giác mạc nhằm phát hiện các vấn đề về mắt.
4. Cách phòng ngừa bệnh Glocom cườm nước
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp cụ thể nào có thể giúp chúng ta phòng ngừa được bệnh Glocom. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời có thể giúp bạn bảo vệ được thị lực tốt, hạn chế sự tiến triển của bệnh gây nên mù lòa. Bạn có thể dự phòng được bệnh lý này bằng các ghi nhớ các điều sau đây:
– Tất cả mọi người, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh Glocom nên đi khám mắt định kỳ 1 năm/ lần để kiểm tra, phát hiện sớm tình trạng bệnh.
– Kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân như: tiểu đường, cao huyết áp,…
– Không sử dụng thuốc bừa bãi, đặc biệt là các loại thuốc có chứa thành phần corticoid.
– Không thực hiện các động tác cúi đầu quá nhiều vào buổi tối.
– Không làm việc ở trong điều kiện bị thiếu ánh sáng.
– Hạn chế tình trạng căng thẳng kéo dài và tránh sử dụng chất kích thích.
– Khi thấy mắt có các dấu hiệu bất thường, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được thăm khám.
Trên đây là một vài thông tin tổng quan để giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý Glocom cườm nước. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng quên liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được giải đáp tận tình nhé!