Khi có vết thương trên cơ thể, thời gian tiêm ngừa uốn ván hiệu quả nhất là trong vòng 24 tiếng. Tiêm càng muộn, tác dụng bảo vệ càng kém. Đối với tiêm chủng chủ động, việc tiêm phòng được khuyến cáo cho mọi đối tượng với liệu trình cơ bản gồm 3 – 4 mũi phụ thuộc vào từng quốc gia và mũi nhắc lại mỗi 10 năm.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh uốn ván
1.1. Định nghĩa
Uốn ván là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính nặng nề và có tỷ lệ tử vong cao do độc tố mạnh của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Khi một người bị nhiễm khuẩn, độc tố protein mạnh tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, tổn thương não và hệ thần kinh trung ương dẫn đến cứng cơ, gây tử vong nhanh.
Tỷ lệ tử vong do uốn ván là rất cao, đặc biệt lên tới 95% ở trẻ sơ sinh. Bệnh phân bổ khắp mọi nơi và bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những đối tượng sống ở vùng nông thôn không tham gia tiêm chủng.
1.2. Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh chủ yếu là trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani, có lông quanh thân, di động tương đối tại môi trường yếm khí. Clostridium tetani thường tạo ra các nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc nha bào ở một đầu của tế bào trực khuẩn, có hình dùi trống. Vi khuẩn uốn ván chết ở 56 độ C nhưng nha bào uốn ván thường bền vững, có khả năng gây bệnh sau 5 năm tồn tại trong đất. Các dung dịch sát trùng như formalin hay phenol có thể diệt nha bào sau 8 – 10 tiếng, ngoài ra nha bào sẽ chết sau khi đun sôi 30 phút.
Thông thường, nha bào xâm nhập vào cơ thể thông qua:
– Vết thương sâu nhiễm bụi bẩn, phân người hoặc súc vật.
– Vết rách, bỏng.
– Vết thương nặng nhẹ.
– Vết tiêm chích nhiễm bẩn.
– Thực hiện phẫu thuật, nạo thai trong điều kiện thiếu vệ sinh.
– Một bộ phận cơ thể hoạt tử.
Đối với trẻ sơ sinh, nha bào uốn ván có thể xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh nếu sử dụng dụng cụ bẩn để cắt rốn hoặc không chăm sóc rốn trẻ sạch sẽ, băng đầu rốn không vô khuẩn.
1.3. Dấu hiệu nhận biết
Sau khi có vết thương, khoảng 15% trường hợp phát bệnh trong 3 ngày và 10% phát bệnh sau 14 ngày. Nhìn chung, thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài 3 – 21 ngày và thời gian càng ngắn thì bệnh càng nặng.
Triệu chứng đầu tiên của bệnh là cứng hàm, bao gồm mỏi hàm, khó nói, nhai, nuốt vướng, khó há miệng, khi đè lưỡi ấn hàm thì hàm càng cắn chặt hơn. Triệu chứng này xảy ra đối với tất cả các ca bệnh, sau đó từ từ tiến đến phần còn lại của cơ thể như:
– Co cứng cơ nhai và các cơ khác ở mặt.
– Co cứng cơ gáy, lưng, bụng, đôi khi là vùng có vết thương.
– Cong ưỡn người, thẳng cứng như tấm ván.
– Cong người sang bên, gập ra phía trước.
– Co giật khi bị kích thích bởi va chạm, tiếng ồn, ánh sáng,…
Đối với trẻ sơ sinh bị uốn ván sẽ có biểu hiện:
– Bỏ bú.
– Quấy khóc.
– Miệng chúm chím.
– Co giật, co cứng, uốn cong người, đầu ngả ra sau, khép chặt hai tay kèm sốt và rối loạn tiêu hóa.
– Đổ mồ hôi.
– Nhịp tim nhanh, gấp.
2. Tìm hiểu về vacxin và thời gian tiêm ngừa uốn ván hiệu quả
2.1. Vacxin uốn ván
Vacxin uốn ván là một loại vacxin vô hoạt được sử dụng để ngăn ngừa uốn ván. Vacxin có thể được sử dụng cho mọi đối tượng theo phác đồ cơ bản gồm 3 – 4 mũi phụ thuộc vào từng quốc gia và mũi nhắc lại mỗi 10 năm. Nguyên nhân cần thực hiện mũi nhắc lại định kỳ bởi vacxin uốn ván không tạo hệ miễn dịch bền vững để chống lại căn bệnh này.
Biến chứng sau tiêm phòng uốn ván là cực kỳ hiếm, ngoài ra bản thân căn bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với vacxin. Một vài tác dụng phụ nhẹ có thể bắt gặp sau khi tiêm phòng gồm:
– Sốt.
– Trẻ quấy khóc.
– Sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm.
– Mệt mỏi.
– Đau đầu.
– Nhức mỏi.
Ngoài ra, vẫn tồn tại một số tác dụng phụ hiếm gặp gồm:
– Co giật.
– Khó thở.
– Tim đập nhanh.
Một số trường hợp không khuyến khích tiêm phòng gồm:
– Có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các thành phần trong vacxin.
– Mắc hội chứng Guillain – Barre.
2.2. Thời gian tiêm ngừa uốn ván hiệu quả khi cơ thể có vết thương
Khi xuất hiện vết thương trên cơ thể, bạn cần rửa sạch, sát trùng và để hở vết thương. Tuyệt đối không bịt kín vết thương tạo thành đường hầm cũng như không đắp bất kỳ cái gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm trùng. Nếu vết trầy xước dính cát, bụi bẩn hay đâm vào đinh, sắt,… bạn cần xử lý sạch ngay để làm chậm quá trình xâm nhập của vi khuẩn, sau đó đến các cơ sở y tế để khám và điều trị phòng uốn ván kịp thời.
Thời gian tốt nhất để tiêm phòng uốn ván hiệu quả khi cơ thể có vết thương là trong vòng 24 giờ. Điều này không có nghĩa quá 24 giờ bạn không thể tiêm vacxin, tuy nhiên nếu tiêm càng muộn thì tác dụng bảo vệ càng kém đi.
2.3. Thời gian tiêm ngừa uốn ván phù hợp trong tiêm chủng chủ động
Đối với tiêm chủng chủ động, việc tiêm phòng được khuyến cáo cho mọi đối tượng từ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên và người trưởng thành với liệu trình cơ bản gồm 3 – 4 mũi phụ thuộc vào từng quốc gia và mũi nhắc lại mỗi 10 năm.
Trẻ em
Ở trẻ em, vacxin uốn ván được sử dụng dưới dạng vacxin phối hợp giúp phòng ngừa thêm các bệnh lý khác như bạch hầu, ho gà,… và giảm số mũi tiêm, giảm đau cho trẻ. Quan trọng nhất là trẻ cần được tiêm đầy đủ vacxin để duy trì tình trạng miễn dịch, cụ thể:
– Trẻ 2 – 4 tháng cần tiêm 3 mũi vacxin 5in1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm não do HIB) hoặc 6in1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm não do HIB và viêm gan B).
– Trẻ 18 tháng sẽ tiêm mũi nhắc lại vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván.
– Sau mỗi 5 – 10 năm trẻ cần tiêm nhắc lại.
Người lớn
Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở (dưới 35 tuổi) cần thực hiện tiêm vacxin để đề phòng bệnh uốn ván cho cả mẹ và bé. Sau khi tiêm phòng, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền sang thai nhi để bảo vệ trẻ hiệu quả nhất cũng như bảo vệ mẹ trong quá trình sinh đẻ.
Bên cạnh đó một số đối tượng nguy cơ cao sau cần thực hiện tiêm vacxin 3 liều trong 6 tháng, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 5 – 10 năm để phòng bệnh hiệu quả:
– Những người làm việc tại các trang trại, nông trường chăn nuôi gia súc gia cầm.
– Người làm vườn.
– Người dọn vệ sinh.
– Công nhân xây dựng.
– Bộ đội.
– Thanh niên xung phong.
Người trưởng thành chưa bao giờ tiêm uốn ván cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết.
Hi vọng những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc của bạn về căn bệnh uốn ván cũng như thời điểm tiêm phòng thích hợp nhất. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào về tiêm chủng hay các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để nhận câu trả lời nhé.