Chào bạn Hoài, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên khoa Nội thần kinh của Hệ thống Y tế Thu Cúc. Tôi xin phép được trả lời cho câu hỏi của bạn như sau:
Bệnh rỗng tủy (Syringomyelia) là bệnh mạn tính không thường gặp ở tủy sống, Tỷ lệ mắc: 8,4/100 000, thường ở độ tuổi 20-50 tuổi. Bệnh do hình thành trong tủy hốc chứa dịch tích lại phát triển dần gây đè ép, tổn thương tủy, gây ra các triệu chứng đau, yếu cơ, tê, mất cảm giác đau – nóng – lạnh, teo cơ…
=> Bệnh rỗng tủy thường được phát hiện tình cờ hoặc sau khi đi khám có các triệu chứng như đau mỏi cổ vai gáy kéo dài không đỡ kể cả thực hiện các biện pháp như xoa bóp, bấm huyệt, nghỉ ngơi, một số người không nhận biết được nóng lạnh ở bàn tay, cánh tay, chân không biết đau dù bị đứt chi, các phản xạ gân xương ở tay hoặc chân cũng có thể bị giảm, thậm chí không có phản xạ,… khi đó bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI cột sống cổ, cột sống thắt lưng từ để đánh giá cột sống, tủy sống và loại trừ các bệnh lý thần kinh khác cũng có biểu hiện tương tự.
Rỗng tủy có hai thể là nguyên phát và thứ phát. Rỗng tủy tiên phát được đề cập như rỗng tủy không xác định được nguyên nhân (vô căn). Đa số trường hợp được cho là thứ phát (rỗng tủy thứ phát) sau tắc nghẽn một phần khoang dưới nhện tủy sống. Nguyên nhân có thể bao gồm: bất thường bẩm sinh hay còn gọi là dị tật Chiari – đây là nguyên nhân phổ biến nhất của căn bệnh rỗng tủy thứ phát, ngoài ra còn có thể do sau viêm tủy sống thắt lưng, sau chấn thương, ….
=> Nếu phát hiện bị rỗng tủy, các bác sĩ sẽ chỉ định bạn thăm khám định kỳ thường xuyên 2 tháng/lần, chụp MRI 6 tháng/lần để đánh giá và bổ sung các loại vitamin nhóm B, sử dụng một số loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng đau mỏi, tê bì. Cần hạn chế công việc cần cúi ngửa nhiều, các công việc cần sự tinh tế ở bàn tay đặc biệt là tay phải. Bên cạnh đó, người bệnh cần tập các bài tập phục hồi chức năng tổn thương tủy sống. Nếu mức độ nặng gây thiếu hụt thần kinh nhiều các bác sĩ có thể phải chỉ định can thiệp ngoại khoa để hút dịch trong ống rỗng giúp giải phóng chèn ép tủy, làm ngừng sự diễn tiến của bệnh. Bởi vì rỗng tủy hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để.
Rất nhiều bệnh lý có diễn biến âm thầm, kéo dài và bất thường khác nhau ở mỗi cá thể. Vì vậy, việc phát hiện sớm là rất quan trọng, kể cả đối với những bệnh lý hiếm gặp như rỗng tủy, nhờ đó người bệnh sẽ có thái độ theo dõi và xử trí phù hợp nhằm bảo vệ tủy tránh bị tổn hại, bởi tổn thương tủy trong bệnh này là không hồi phục.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần chủ động đi thăm khám ngay khi có các triệu chứng:
– Đau mỏi kéo dài, không đỡ hoặc đỡ ít khi nghỉ ngơi, xoa bóp
– Tê bì, yếu cơ, giảm/mất cảm giác đau, nóng/lạnh, teo cơ
– Sau chấn thương, đặc biệt là vùng đầu và vùng cột sống,..