Nguyên nhân gây sỏi mật là gì?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Sỏi mật là bệnh lý khá phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nguyên nhân gây sỏi mật là gì và triệu chứng của bệnh như thế nào?

1. Nguyên nhân gây sỏi mật là gì?

Có hai loại sỏi mật, là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố (hay còn gọi là sỏi mật bilirubin).

  • Nguyên nhân sỏi cholesterol: là do tuổi tác, ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, nhiều chất béo động vật, do phụ nữ sinh đẻ nhiều, biến chứng từ một số bệnh tiêu hóa như bệnh Crohn, cắt đoạn hồi tràng,… Các yếu tố thuận lợi tạo ra sỏi cholesterol là: Chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol; do dùng thuốc estrogen, ở các bệnh nhân: xơ gan, cắt dạ dày,…
Chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ là nguyên nhân gây sỏi mật

Chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ gây sỏi mật

  • Nguyên nhân sỏi sắc tố mật: là do tuổi tác, ăn thiếu chất béo và protein, ứ đọng dịch mật, mật nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng, xơ gan, bệnh tán huyết, thiếu máu hồng cầu liềm… Các yếu tố thuận lợi cho hình thành sỏi sắc tố mật là nhiễm khuẩn đường mật, xơ gan, nhiễm trùng, ký sinh trùng (giun, sán…), đặc biệt hay gặp ở bệnh nhân bị giun chui ống mật gây nhiễm khuẩn đường gan mật…

2. 80% các trường hợp sỏi mật không có triệu chứng

80% các trường hợp sỏi mật không có triệu chứng đặc biệt là sỏi túi mật. Người bệnh thường có một số dấu hiệu mơ hồ dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác như: chán ăn, mệt mỏi, chướng bụng,… 20% trường hợp còn lại có triệu chứng hoặc khi bệnh đã tiến triển với những dấu hiệu như:

Sỏi mật cần phát hiện sớm và điều trị hiệu quả

Sỏi mật cần phát hiện sớm và điều trị hiệu quả

– Đau bụng: Đau do sỏi mật thường khởi phát sau bữa ăn nhiều dầu mỡ, hoặc vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Vị trí đau ban đầu có thể hạ sườn phải, sau đó lan ra bả vai phải và ra sau lưng. Cơn đau có thể âm ỉ nhưng cũng có thể rất dữ dội, kéo dài vài giờ cho đến vài ngày.

– Sốt: Đau do sỏi mật thường kèm theo sốt do viêm đường mật, túi mật. Sốt có thể xảy ra trước, hoặc sau cơn đau, kéo dài vài giờ, có khi vài tuần, hàng tháng.

– Vàng da: Vàng da, vàng mắt xảy ra sau đau và sốt 1 – 2 ngày do sỏi gây tắc mật, kèm theo ngứa, nước tiểu vàng, phân bạc. Vàng da mất đi chậm hơn so với đau và sốt.

3. Cẩn thận với biến chứng do sỏi mật

– Sỏi có thể gây tắc nghẽn dịch mật thành từng đợt, nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường mật, túi mật (90% bệnh nhân bị sỏi đường mật nhập viện là do viêm đường mật, túi mật) cấp hoặc mạn tính, viêm tụy cấp, nặng hơn nữa là sốc do nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết… Nếu không xử lý cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Thăm khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Thăm khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả

– Sỏi gan có thể gây ứ mật trong gan, gây áp xe gan, xơ gan và cuối cùng dẫn đến suy gan làm giảm khả năng chuyển hóa trong cơ thể.

Việc duy nhất để phát hiện sỏi mật sớm và điều trị kịp thời là thăm khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần 1 năm để được chẩn đoán phát hiện ngay từ khi bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng. Từ những nguyên nhân gây sỏi mật, việc phòng ngừa trước hết cần loại bỏ những yếu tố nguy cơ, lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital