Dấu hiệu nhận biết cận thị, khám mắt cận thị như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay là cận thị, tật này có ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ em. Cần phải đi khám mắt cận thị để nhanh chóng điều trị, tránh bệnh nặng hơn và nhiều biến chứng.

1.Cận thị và những điều cần biết

1.1. Thế nào là tật cận thị?

Cận thị là tật khúc xạ khiến cho hình ảnh nhìn thấy bị mờ do ảnh đã rơi vào phía trước võng mạc. Hiện tượng này xảy ra là do trục nhãn cầu bị dài ra và khiến cho ánh sáng bị hội tụ ở trước võng mạc thay vì chính giữa võng mạc. Tật cận thị khiến cho người mắc nhìn những hình ảnh ở gần rõ còn ở xa thì mờ.

Có hai nguyên nhân chính của cận thị là yếu tố di truyền và yếu tố do môi trường. Yếu tố di truyền là ngay từ khi sinh ra trẻ đã mắc cận thị do trục nhãn cầu bị dài ra một cách bẩm sinh. Những người bị cận thị do môi trường là sau một thời gian dài làm việc học tập trong môi trường có ánh sáng không thuận lợi, khoảng cách nhìn quá gần cũng khiến cho mắt mắc phải tật cận thị.

khám mắt cận thị

Người lớn và trẻ em đều có thể bị cận thị

Lứa tuổi hay mắc cận thị nhất là ở tuổi học đường vì trẻ thường mải đọc trong môi trường tối và không có ý thức về điều kiện ánh sáng xung quanh mình. Cũng có khi do trẻ xem điện thoại, chơi điện tử quá lâu cũng khiến cho mắt trở nên kém hơn và mắc cận thị.

1.2. Độ cận thị là gì?

Gắn liền với khái niệm cận thị là độ cận thị. Vậy độ cận thị là gì? Mức độ cận nặng hay nhẹ sẽ được xác định dựa trên độ cận thị. Bác sĩ sẽ đưa ra thông số để kết luận độ cận thị sau khi đã đo mắt bằng máy.
Đơn vị dùng để chỉ độ cận khi đeo kính hoặc số kính cận là Điốp, kí hiệu là -D trên kính. Độ cận càng cao thì số kính có đi ốp càng cao, tương đương độ dày của kính càng nhiều. Nói cách khác đi ốp chính là đơn vị đo độ cong của thấu kính cận.

1.3. Các dấu hiệu và nguyên nhân cận thị

– Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau nhức đầu, mỏi mắt và chảy nước mắt nhiều.

– Có cảm giác nhạy cảm với ánh sáng, hay bị chói mắt do điều tiết của mắt kém, thường xuyên nheo mắt và hay dụi mắt.

– Hay phải nhìn gần, dí sát mắt vào vật thể hoặc sách vở để đọc, khó nhìn xa hoặc không thể nhìn ra xa được.

Đây chính là những dấu hiệu cơ bản của những người mắc tật cận thị. Với người lớn, việc phát hiện khá đơn giản. Nhưng đối với trẻ em, thường phụ huynh sẽ cần phải quan sát nhiều mới biết trẻ đã mắc cận thị do trẻ không nói khi gặp triệu chứng hoặc trẻ khó diễn đạt những tình trạng mà mình đang mắc phải.

Những nguyên nhân gây ra tật cận thị đó là:

– Do gia đình di truyền sang. Nếu bố hoặc mẹ hoặc cả hai bị cận thị thì con cái có khả năng cao cũng sẽ bị cận thị do nhận những di truyền thị lực từ bố mẹ.

– Thói quen sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ không điều độ cũng có thể là nguyên nhân gây ra cận thị.

– Làm việc, học tập không đúng tư thế như ngồi gù lưng, nằm đọc sách, xem điện thoại cũng là nguyên nhân chính của tật cận thị.

khám mắt cận thị

Làm việc trong môi trường không thích hợp có thể gây nên tình trạng cận thị

 

– Thường xuyên làm việc trước màn hình máy tính và trẻ em thì ngồi xem TV liên tục trên 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày với khoảng cách gần đều có khả năng cao mắc cận thị.

2. Cách khám mắt bị cận thị và điều trị như thế nào?

Để biết được mắt có bị cận thị hay không cần phải thực hiện một số biện pháp kiểm tra mắt để đo độ cận thị. Có thể tự đo độ cận ở nhà nếu có các dụng cụ để kiểm tra, hoặc đến các phòng khám, cơ sở y tế để bác sĩ giúp mình kiểm tra. Sau khi xác định độ cận, dù tại nhà hay đến chuyên khoa mắt thì việc điều trị cận thị vẫn cần bạn phải đến gặp bác sĩ để có thể cắt những loại mắt kính phù hợp và được tư vấn cách chăm sóc mắt cận.

2.1. Khám mắt cận thị bằng cách đo độ cận

Có hai cách để đo cận thị là tự đo ở nhà hoặc đến phòng khám, cửa hàng kính, bệnh viện có chuyên khoa mắt,…

Cách tự đo mắt cận tại nhà là bạn cần có những dụng cụ và điều kiện tiến hành như:

– Bảng đo thị lực mắt: bảng đo thị lực Landolt (vòng tròn hở), bảng chữ E Armaignac, bảng chữ cái L’F O I E, bảng đo thị lực hình cho trẻ em hoặc những người không biết chữ

– Khoảng cách từ điểm nhìn cho đến bảng đo: 5 mét

– Một người chỉ các điểm trên bảng đo

– Một miếng che mắt 1 bên

Độ cận thị sẽ dựa vào điểm cực cận và cực viễn của mắt. Khi hình ảnh ở trong 2 điểm này, mắt người sẽ nhìn rõ nhất. Những người mắt càng tốt sẽ có điểm cực viễn càng xa. Do đó cách tính độ cận sẽ như sau:

Cận -1 điốp tương đương với điểm cực viễn là 2m, cận -1.5 điốp tương đương cực viễn là 1m, 2 đi ốp là 0,5m.

Ngoài cách tự đo mắt bằng phương pháp thủ công, còn có cách đo độ cận bằng máy. Theo đó cần tiến hành qua 2 bước như sau:

Bước 1: Dùng máy điện tử để đo mắt

Đây là quá trình đánh giá tình trạng của mắt. Những kí hiệu thường thấy đó là:

– OD hoặc R thể hiện việc đo thị lực mắt phải

– OS hoặc L đo thị lực mắt trái

– S là số độ của kính với “-” là cận thị và “+” là viễn thị. Cần đo nhiều lần để lấy số đo trung bình xác định độ cận

– S.E là số độ của kính được kiến nghị dùng

– PD là khoảng cách 2 đồng tử (đơn vị đo mm)

Sau bước đầu tiên có thể xác định người bệnh có bị cận hay không. Nếu xác định bệnh nhân đã bị cận thị cần chuyển sang bước thăm khám tiếp theo.

Bước 2: Đo mắt với kính mẫu.

Đây là bước bác sĩ gắn những miếng kính mẫu vào để người bệnh đeo thử, nếu quá trình đeo thử bạn không cảm thấy khó chịu, nhìn rõ hơn mọi vật khi di chuyển thì đó chính là độ kính thích hợp với bạn. Sau khi xác định được số kính mẫu thì sẽ tiến hành lấy số liệu đó để cắt kính thật cho người cận thị.

2.2. Cách điều trị sau khi khám mắt cận thị

Khi nhận thấy những dấu hiệu kể trên của tật cận thị, người bệnh cần phải sớm đi thăm khám để xác định độ cận thị của mình, đồng thời khám với bác sĩ nhãn khoa để được xác định những vấn đề khác liên quan đến bệnh lý mắt và điều trị kịp thời.

khám mắt cận thị

Cần đi khám để được xác định độ cận và đeo kính sớm

Khi đã xác định mắc cận thị, người bệnh cần nhanh chóng cắt kính phù hợp với độ cận của mình để đeo hàng ngày. Việc đeo kính cận kịp thời khi mắc cận thị sẽ giúp cho người bệnh tránh được các biến chứng như lác hoặc nhược thị…

Ngoải ra, khi đã mắc cận thị, người bệnh cần lưu ý chăm sóc, bảo vệ đôi mắt mình cẩn thận:

– Luôn học tập, làm việc trong điều kiện ánh sáng đủ.

– Để mắt có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau 2-3 tiếng làm việc liên tục.

– Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, TV, máy tính.

– Không dùng điện thoại, máy tính, máy tính bảng trong bóng tối, khi nằm ngủ.

– Chú ý chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng với các loại vitamin, nhất là vitamin A giúp bồi bổ mắt.

– Đi khám mắt cận thị định kỳ để kiểm tra xem mắt có bị lên số không và điều chỉnh độ kính thích hợp.

Trên đây là những thông tin về cách để khám mắt cận thị, hy vọng những người đang có dấu hiệu của bệnh cận thi có thể nhanh chóng đi khám và điều trị tật khúc xạ này sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital