Chào bạn Mùi
Với câu hỏi đo lưu huyết não và điện não đồ có tác dụng gì và chúng khác nhau như nào, tôi xin phép được trả lời như sau:
Xét về mặt định nghĩa:
– Đo lưu huyết não hay còn gọi là ghi lưu huyết não. Đây là phương pháp kiểm tra và đánh giá trạng thái tuần hoàn não (tình trạng dòng máu lưu thông lên não). Việc ghi lại lưu huyết não đồ sẽ giúp bác sĩ đánh giá được huyết động của não và trạng thái thay đổi chức năng của mạch máu não.
Trong đó: Huyết động của não: là lưu lượng tuần hoàn qua các bán cầu não, tốc độ và cường độ của dòng máu lên não. Còn trạng thái thay đổi chức năng của mạch máu não là tình trạng trương lực mạch.
– Điện não đồ (EEG) là phương pháp ghi lại các hoạt động điện sinh học của tế bào não riêng biệt hay một tập hợp tế bào não dẫn truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua vỏ não và da đầu. Từ đó phản ánh chức năng sinh lý, bệnh lý ở một vùng bán cầu hoặc toàn bộ não liên quan với các triệu chứng lâm sàng giúp bổ sung cho chẩn đoán và theo dõi bệnh.
Mục đích:
– Đo lưu huyết não giúp tầm soát, phát hiện nhiều vấn đề ở mạch máu não như:
Rối loạn tuần hoàn máu não
Đột quỵ do thiếu máu não, …
Khi nghi ngờ hoặc người bệnh có các biểu hiện thiểu năng tuần hoàn não như:
Chóng mặt
Nhức đầu
Dị cảm
Rối loạn về giấc ngủ
Rối loạn về sự chú ý
Rối loạn về tri giác
Rối loạn về trí nhớ
– Đo điện não đồ giúp phát hiện các rối loạn chức năng của não bộ trong các bệnh lý thần kinh sau:
Chẩn đoán và theo dõi động kinh hay các rối loạn co giật khác
Hỗ trợ chẩn đoán chết não
Đánh giá mức độ thức tỉnh trong gây mê
Còn sử dụng để theo dõi chức năng não trong các bệnh lý khác như:
U não
Chấn thương đầu
Rối loạn chức năng não
Viêm não
Đột quỵ
Sa sút trí tuệ
Khi nghi ngờ hoặc người bệnh có dấu hiệu của bệnh lý về não bộ như:
Chóng mặt
Nhức đầu
Dị cảm
Rối loạn về giấc ngủ
Rối loạn về sự chú ý
Rối loạn về tri giác
Rối loạn về trí nhớ
Đối tượng áp dụng:
– Đo lưu huyết não hoàn toàn an toàn cho người bệnh, không gây nguy hại, có thể đo nhiều lần trong thời gian dài và có thể thực hiện trong trường hợp bệnh nhân đang ở trạng thái nặng như: hôn mê, sốt cao, tăng áp lực sọ, thậm chí ngay cả trong quá trình tiến hành phẫu thuật.
– Điện não đồ là phương pháp kiểm tra không xâm lấn, thời gian đo điện não đồ chỉ diễn ra trong khoảng 20 phút, đơn giản, nhẹ nhàng, nhanh gọn, an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Hai phương pháp này có thể thay thế hoặc bổ trợ cho nhau tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh lý và thể trạng của người bệnh. Bên cạnh đó, để chẩn đoán chính xác các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định phối hợp thêm một số phương pháp khác như:
– Chụp Xquang cột sống cổ thẳng nghiêng
– Chụp cắt lớp vi tính MSCT
– Chụp cộng hưởng tử MRI
Điều này sẽ giúp việc chẩn đoán các bệnh lý thần kinh (não bộ) và mạch máu được chính xác nhất, loại trừ được các bệnh lý có liên quan. Từ đó mới có thể đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bạn.