Chào bạn Phương,
Như ta đã biết tính chất của cơ là co và giãn. Co cơ nhiều người hay gọi là “chuột rút” đây là sự co cứng các bó cơ khi có sự kích thích của môi trường và chịu ảnh hưởng của hệ thần kinh.
Nguyên nhân co cứng cơ có thể do nhiều yếu tố như:
– Sử dụng cơ quá mức, mất nước, căng cơ hoặc giữ nguyên một tư thế trong một thời gian dài có thể gây ra sự co cứng cơ..
– Co cơ do một số bệnh lý làm hẹp các động mạch đưa máu đến chân (xơ cứng động mạch ở các chi) khiến không cung cấp máu đầy đủ, gây đau như kiểu chuột rút ở chân và bàn chân khi bạn đang tập thể dục.
– Thiếu các chất khoáng như kali, canxi hoặc magie trong chế độ ăn uống của bạn có thể góp phần gây co cứng cơ. Thuốc lợi tiểu (thường được kê toa khi bị tăng huyết áp) cũng có thể làm giảm hấp thu các khoáng chất này.
– Nhiều trường hợp bệnh nhân bị co cơ không rõ nguyên nhân.
– Co cứng cơ do di chứng của một số bệnh lý gây ra, điển hình như: tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống – tủy sống, xơ cứng rải rác, thiểu năng vận động do não. Ở bệnh nhân này thường biểu hiện co cứng kèm liệt các cơ tự chủ do các cấu trúc dẫn truyền thần kinh điều phối hai biểu hiện trên nằm gần nhau trong hệ thần kinh trung ương.
Co cứng cơ thường không gây nguy hại đến tính mạng người bệnh, nhưng các di chứng co cứng cơ mà người bệnh phải đối mặt đó là:
– Cứng khớp: Các khớp thường được cố định ở trạng thái cơ bị co cứng, dẫn đến những thay đổi trong mô liên kết, giảm chiều dài của cơ và gân liên kết. Sự cố định kéo dài tạo điều kiện cho sự phát triển các sợi mô liên kết vùng khớp. Chính vì vậy, khớp bị cố định do cơ bị co kéo trong thời gian dài dẫn đến sự hình thành xơ liên kết, tiêu sợi cơ, và mất khả năng phát triển của khớp.
– Co cứng cơ liên tục: nếu co cứng không được điều trị, các co cứng khác có thể xảy ra. Cơ thể mất cân bằng kiểm soát co cơ, dẫn đến co thắt cơ liên tục, càng làm giảm sự kiểm soát của cơ thể lên cơ bị co cứng. Khớp sẽ ở trạng thái uốn cong theo tình trạng co cơ.
– Yếu cơ: sự mất cân bằng giữa cơ chủ vận và cơ đối vận có thể xảy ra do rối loạn thần kinh, tổn thương tủy sống, và do thói quen lâu ngày. Sự sụt giảm khối lượng cơ dần dẫn đến mất lực cơ và cuối cùng là teo cơ. Sự co thắt liên tục của cơ chủ vận với sức đề kháng tối thiểu của cơ đối vận càng làm cho nhóm cơ này yếu đi.
Những điều cần lưu ý khi bị co cứng cơ:
– Nếu bị co cứng cơ khi đang vận động, bạn cần ngừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Sau đó xoa bóp các cơ một cách nhẹ nhàng, có thể xoa một chút dầu nóng lên vùng da đang bị co cơ rồi mới xoa bóp.
– Nếu bị co cứng cơ ở cẳng chân, nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược, kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao, hướng về phía đầu gối.
– Nếu bị co cứng cơ ở bắp đùi, có thể nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia ấn đầu gối xuống.
– Nếu bị co cứng cơ xương sườn, cần hít thở sâu để thư giãn cơ hoành và cần xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực.
– Nên đi thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra và có hướng xử trí hiệu quả, đặc biệt là trong trường hợp co cứng cơ có biểu hiện do yếu tố bệnh lý gây ra.