Chào bạn,
Chúng ta đều biết, viêm gan B là một căn bệnh rất nguy hiểm với khả năng lây nhiễm rất cao, gây hại cho con người.
Thông thường, nếu xét nghiệm HBsAg (kháng nguyên bề mặt) dương tính thì có nghĩa là có sự tồn tại của virus HBV trong cơ thể, tức là bệnh nhân đã mắc bệnh viêm gan B. Tuy nhiên tùy từng trường hợp và phải dựa vào các xét nghiệm bổ sung mới có thể xác định có cần dùng thuốc điều trị viêm gan B hay không.
Trong trường hợp này, cần dựa vào chỉ số HBeAg (hay còn gọi là kháng nguyên nội sinh) và các triệu chứng lâm sàng để xác định.
Cụ thể:
– HBeAg (+):
+ Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng như vàng mắt, vàng da, mệt mỏi chán ăn…, chỉ số ALT tăng gấp đôi thì khi đó bệnh nhân cần phải dùng thuốc.
+ Trường hợp không có dấu hiệu lâm sàng có nghĩa là trường hợp “dung nạp được miễn dịch” chưa cần dùng thuốc nhưng cần theo dõi vì virus có thể kích hoạt và gây bệnh bất cứ lúc nào. Nếu thấy xuất hiện các biểu hiện lâm sàng như trên thì khám ngay để kịp thời dùng thuốc.
– HBeAg (-):
+ Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu lâm sàng thì chứng tỏ virus không sinh sôi. Đây là trường hợp người lành mang mầm bệnh, vì thế không cần dùng thuốc.
– Nếu có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng thì chứng tỏ người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn. Virus từng được kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt (viêm gan B thể bất hoạt). Trường hợp này chưa cần dùng thuốc vì virus chưa tái hoạt động trở lại, dùng thuốc sẽ không có lợi. Nhưng phải theo dõi và đi khám thường xuyên để can thiệp ngay khi cần thiết.
Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm gan B như Interferon, Lamivudin, Adefovir, entecavi, telbivudin, Tenofovir…nhằm tăng cường khả năng miễn dịch, giúp chống lại virus và làm giảm tải lượng virus nhưng mỗi loại thuốc có một ưu, nhược điểm khác nhau. Bạn không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị viêm gan B. Mọi loại thuốc được sử dụng đều phải dựa trên quá trình thăm khám và được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên môn để đem lại hiệu quả thực sự, tránh gây những tác dụng phụ không mong muốn.