Bệnh lao phổi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp xét nghiệm chẩn đoán lao phổi đã ra đời, giúp việc phát hiện bệnh trở nên nhanh chóng và chính xác hơn. Vậy đâu là những phương pháp xét nghiệm phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay? Cùng tìm hiểu ngay để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng!
Menu xem nhanh:
1. Bệnh lao phổi là gì?
Bệnh lao (Tuberculosis – TB) là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập và nhân lên trong cơ thể mà không bị kiểm soát, bệnh sẽ bùng phát.
Lao có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như: phổi (phổ biến nhất), màng phổi, màng não, xương khớp, hạch bạch huyết, hệ sinh dục – tiết niệu…
Đặc biệt, lao phổi chiếm 80 – 85% các trường hợp và là nguồn lây chính cho cộng đồng.

Khi vi khuẩn xâm nhập và nhân lên trong cơ thể mà không bị kiểm soát, bệnh sẽ bùng phát.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh lao phổi do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ, phát tán vi khuẩn ra không khí. Người hít phải giọt bắn chứa vi khuẩn có thể nhiễm bệnh:
– Vi khuẩn lao
– Kháng cồn, axit (ở nồng độ mà nhiều vi khuẩn khác bị tiêu diệt).
– Tồn tại nhiều tuần trong đờm, rác ẩm tối.
– Bị tiêu diệt ở 100°C trong 5 phút hoặc dưới ánh nắng mặt trời.
– Từ phổi, vi khuẩn có thể lan ra máu hoặc bạch huyết, gây bệnh tại các cơ quan khác.
3. Triệu chứng của bệnh
– Triệu chứng ho dai dẳng suốt thời gian dài.
– Cảm thấy đau tức ngực thường xuyên và có thể xuất hiện tình trạng khó thở.
– Mệt mỏi thường xuyên.
– Đổ mồ hôi đêm.
– Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều.
– Chán ăn, sụt cân.
– Các triệu chứng có thể khác nhau tùy theo cơ địa, nên cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn khi nghi ngờ bệnh.
4. Đường lây truyền của bệnh
– Lao phổi là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, khi người khỏe mạnh hít phải các giọt nước bọt chứa vi khuẩn lao do người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc khạc nhổ.
– Nguồn lây chính là người mắc lao phổi, lao thanh quản hoặc lao phế quản trong giai đoạn còn ho khạc ra vi khuẩn lao.
– Các hạt nước bọt nhỏ hoặc bụi có kích thước từ 1 – 5 micromet mang vi khuẩn lao dễ dàng xâm nhập vào phổi qua hít thở.
– Sau khi vào phổi, vi khuẩn có thể lan ra các cơ quan khác như hạch bạch huyết, xương, gan, thận… thông qua đường máu hoặc bạch huyết.
– Môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi và ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao tồn tại và phát triển.
– Nguy cơ lây nhiễm cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc với các chất thải chứa vi khuẩn lao.
– Hiếm gặp nhưng vi khuẩn lao cũng có thể truyền qua việc ăn thực phẩm hoặc tiêu thụ động vật nhiễm bệnh.
Một số lưu ý quan trọng
– Người bệnh chưa được điều trị sẽ có khả năng lây nhiễm rất cao cho cộng đồng.
– Khi được điều trị đúng phác đồ, nguy cơ lây bệnh giảm đáng kể.
– Bệnh lao ngoài phổi hầu như không có khả năng lây truyền sang người khác.

Lao phổi là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp
5. Các phương chẩn đoán lao phổi phổ biến hiện nay
Để phát hiện bệnh lao phổi, các bác sĩ sử dụng một số xét nghiệm phổ biến, nhằm xác định xem người bệnh có nhiễm vi khuẩn lao hay không, bao gồm xét nghiệm qua da, xét nghiệm máu và các phương pháp hình ảnh.
5.1. Xét nghiệm vi khuẩn lao qua da (Test tuberculin)
– Người bệnh sẽ được tiêm tuberculin dưới da ở mặt trong cánh tay.
– Sau 48 – 72 giờ, bác sĩ kiểm tra phản ứng sưng tại chỗ tiêm.
– Kết quả dương tính: Có thể bị nhiễm lao tiềm ẩn hoặc đang mắc bệnh lao. Những người đã tiêm ngừa lao có thể có kết quả dương tính mà không nhiễm bệnh.
– Kết quả âm tính: Không phản ứng với xét nghiệm, tuy nhiên vẫn có thể nhiễm lao nhưng không phát triển thành bệnh.
5.2. Xét nghiệm vi khuẩn lao qua đường huyết
– Dùng mẫu máu để kiểm tra khả năng nhận biết của hệ miễn dịch đối với vi khuẩn lao.
– Kết quả dương tính: Chứng tỏ có thể nhiễm lao tiềm ẩn hoặc đang mắc bệnh lao đang hoạt động.
5.3. Chụp X quang ngực bệnh lao phổi
– Là phương pháp cơ bản để đánh giá tổn thương phổi, đặc biệt ở những người nghi ngờ mắc lao phổi.
– Kết quả X quang: Thường cho thấy các đốm mờ đục ở phổi, đặc biệt là ở phần đỉnh và phần sau của thùy trên và phần trên thùy dưới.
5.4. Chụp CT ngực
– Được sử dụng khi cần phát hiện các tổn thương nhỏ mà X quang không thể phát hiện, hoặc khi cần đánh giá biến chứng bệnh lao phổi.
6. Thời gian điều trị lao phổi bao lâu thì khỏi? Di chứng để lại là gì?
6.1. Thời gian chữa trị bệnh lao phổi kéo dài bao lâu?
Điều trị bệnh lao kéo dài ít nhất 6 tháng, vì vi khuẩn lao phát triển rất chậm và cần thời gian dài để tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mắc lao phổi kháng thuốc, tức là vi khuẩn lao kháng lại thuốc điều trị thông thường, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn nhiều, thường từ 1 đến 2 năm, tùy vào mức độ kháng thuốc.
Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị để đảm bảo vi khuẩn lao bị tiêu diệt hoàn toàn và tránh tình trạng kháng thuốc, điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian điều trị và giảm nguy cơ tái phát.
6.2. Di chứng sau khi điều trị bệnh lao phổi là gì?
Sau khi điều trị bệnh lao phổi, người bệnh có thể gặp một số di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, bao gồm:
– Tràn khí màng phổi: Đây là tình trạng có khí trong khoang màng phổi, có thể gây đau ngực và khó thở.
– Giãn phế quản: Là tình trạng phế quản bị giãn rộng, có thể dẫn đến ho kéo dài, khó thở và dễ mắc các bệnh viêm phổi tái phát.
– Sẹo phổi: Sau quá trình điều trị, các mô phổi có thể bị tổn thương, hình thành sẹo, làm giảm khả năng phục hồi của phổi.
– Tăng tốc độ suy giảm chức năng phổi: Việc bị tổn thương mô phổi trong quá trình điều trị có thể khiến chức năng phổi giảm dần theo thời gian.
– Tăng nguy cơ mắc bệnh COPD: Những người điều trị lao phổi có nguy cơ cao bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) trong tương lai.
– Viêm phế quản mãn tính: Viêm phế quản kéo dài có thể trở thành mãn tính, dẫn đến khó thở và ho kéo dài.
– Suy hô hấp: Các tổn thương phổi nghiêm trọng có thể dẫn đến suy hô hấp, khi phổi không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
– Những di chứng này có thể trở nên nghiêm trọng nếu quá trình điều trị lao phổi không được thực hiện đúng cách hoặc kéo dài, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bệnh nhân.

Sau khi điều trị lao phổi, người bệnh có thể gặp một số di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài
Chẩn đoán bệnh lao phổi chính xác đóng vai trò then chốt trong việc điều trị hiệu quả và ngăn ngừa lây lan bệnh ra cộng đồng. Việc lựa chọn phương pháp xét nghiệm phù hợp, hiện đại sẽ giúp quá trình phát hiện bệnh nhanh chóng và chính xác hơn. Hãy chủ động thăm khám định kỳ và thực hiện xét nghiệm khi có dấu hiệu nghi ngờ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.