Menu xem nhanh:
1. Nổi hạch dưới cằm là gì?
Hạch (hạch bạch huyết) là một tổ chức lympho đóng vai trò như hệ miễn dịch của cơ thể. Hạch phân bố ở hầu hết cơ thể, từ trong các phủ tạng, ổ bụng cho đến phần mềm dưới da. Nổi hạch dưới cằm là tình trạng hạch sưng có thể sờ thấy xuất hiện ở khu vực ngay cổ phía dưới cằm.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nổi hạch ở vị trí này. Có thể do các bệnh lý lành tính như viêm nhiễm vùng răng miệng, viêm mũi, viêm họng…. Đặc điểm của tình trạng hạch này thường là nhỏ, ấn vào có cảm giác hơi đau, chỉ xuất hiện vài ngày, di động tốt và sẽ tự khỏi khi tình trạng viêm của cơ thể không còn. Tuy nhiên, bạn cũng cần đặc biệt cảnh giác bởi nổi hạch ở cổ dưới cằm cũng có thể do một số bệnh ung thư, điển hình là ung thư vòm họng.
2. Nổi hạch dưới cằm có là dấu hiệu của ung thư vòm họng?
Theo các bác sĩ, nổi hạch ở vị trí này có thể là triệu chứng sớm xuất hiện đầu tiên ở nhiều bệnh nhân ung thư vòm họng. Bởi đây là vị trí di căn hạch thường gặp nhất ở người bệnh. Đặc điểm của hạch ác tính này là hạch có kích thước lớn dần theo thời gian, bờ không rõ ràng, di động kém dần sau dính chặt dưới cằm…
Ngoài triệu chứng nổi hạch dưới cằm, bệnh nhân ung thư vòm họng còn có nhiều biểu hiện bệnh khác như:
– Đau đầu: lúc đầu bệnh nhân có cảm giác đau đầu âm ỉ, đau không thành cơn sau đau tăng lên dữ dội và đau liên tục. Triệu chứng đau có thể lan từ nửa bên bệnh sang bên đối diện.
– Ngạt mũi: lúc đầu người bệnh chỉ bị ngạt mũi một bên, sau ngạt mũi liên tục, chảy máu mũi. Bệnh nhân cũng có thể gặp tình trạng mũi chảy mủ lẫn máu.
– Ù tai: ở giai đoạn đầu, bệnh nhân ù tai nhẹ sau ù tai liên tục, thính giác giảm.
– Liệt dây thần kinh sọ não: xảy ra khi khối u lan vào nền sọ, gây tổn thương các dây thần kinh sọ não.
3. Thăm khám và điều trị ra sao?
Khi bị nổi hạch dưới cằm vài ngày không khỏi, nhất là khi bạn không bị viêm nhiễm vùng tai, mũi, họng gì thì bạn không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để khám chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Trường hợp có những biểu hiện nghi ngờ ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán như nội soi tai mũi họng, sinh thiết chẩn đoán tế bào… Sau khi có kết luận bệnh thì tùy thuộc vào giai đoạn tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật hoặc lên phác đồ hóa trị xạ trị cho bệnh nhân.
Trên đây là những thông tin y khoa về hiện tượng nổi hạch dưới cằm. Nếu xuất hiện hạch ở vị trí này, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những lo âu nghi ngờ không cần thiết.