Chào chị,
Tình trạng hoa mắt, chóng mặt có thể bắt gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau như viêm dây thần kinh tiền đình, chóng mặt kịch phát lành tính, đau đầu vận mạch, Schwannoma tiền đình… Mỗi loại bệnh lý trên đều có tính chất gây chóng mặt, hoa mắt, và có một số bệnh cần phải chụp hình ảnh não mới có thể phát hiện được.
Suy giảm trí nhớ và kém tập trung thường thuộc về các nhóm bệnh suy giảm nhận thức, thậm chí nếu tình trạng chóng mặt, hoa mắt kéo dài lâu cũng sẽ gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ và mất tập trung. Tuy nhiên, cần phải làm test chức năng nhận thức để đo lường mức độ suy giảm và lĩnh vực chức năng nhận thức nào bị suy giảm ( trí nhớ, sự chú ý, ngôn ngữ, thị giác không gian, chức năng điều hành) và làm xét nghiệm trên nhiều phương diện khác để tìm ra nguyên nhân mới có hướng điều trị hiệu quả.
Đối với người trẻ, nếu tình trạng chóng mặt, hoa mắt, giảm trí nhớ, mất tập trung chưa quá nặng thì vẫn có thể cải thiện bằng một số biện pháp như:
– Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp thúc đẩy hệ tuần hoàn, hô hấp, tăng cường oxy và dinh dưỡng
– Hạn chế nguy cơ căng thẳng, stress, có thể ngồi thiền hoặc tập yoga để cải thiện tâm trạng
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng, nhất là các loại chất béo tốt omega-3 và thực phẩm nhiều vitamin B.
– Rèn luyện trí nhớ thường xuyên với các trò chơi trí tuệ mỗi 15 – 30 phút mỗi ngày thay vì lên mạng xã hội.