Chào bạn,
Tăng huyết áp là hiện tượng huyết áp bằng hoặc cao hơn 140/90 mmHg (mức bình thường là 120/80mmHg).
Di truyền là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp. Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy nếu trong gia đình, ông, bà, cha, mẹ có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp thì con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bên cạnh đó, có các nguy cơ không thể thay đổi khác dẫn đến cao huyết áp bao gồm: tuổi tác, giới tính, chủng tộc. Theo đó, tăng huyết áp xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi. Dưới 45, nam giới dễ mắc bệnh này hơn hẳn so với nữ giới. Từ 45 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh sẽ tương đồng giữa hai giới. Từ 65 tuổi trở lên, nữ giới lại bị bệnh nhiều hơn nam giới. Người Mỹ gốc Phi dễ bị tăng huyết áp hơn so với người bình thường.
Nếu cả bạn và bố của bạn đều mắc căn bệnh này thì con bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Để hạn chế nguy cơ này, điều cần cố gắng loại bỏ, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp có thể thay đổi bao gồm: Chế độ ăn uống không cân đối, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, các bệnh lý….
Cụ thể:
– Nên ăn nhiều loại hoa quả, rau củ, ngũ cốc nhiều chất xơ, thực phẩm ít chất béo
– Giảm tối đa lượng muối trong khẩu phần ăn
– Thường xuyên tập luyện, trung bình mỗi tuần khoảng 150 phút tập các bài tập đơn giản như đi bộ nhanh, yoga, đạp xe hoặc các bài tập aerobic…
– Từ bỏ thói quen không lành mạnh: hút thuốc lá, uống rượu quá mức…
– Sắp xếp công việc và thư giãn, kiểm soát căng thẳng, stress
– Điều trị sớm các bệnh lý về thận, nội tiết, bệnh về mạch máu và tim; nhiễm độc thai nghén, sử dụng thuốc chưa hợp lý.
Hi vọng những thông tin trên đây đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp do di truyền.