Viêm khớp cùng chậu chữa trị thế nào?

Viêm khớp cùng chậu không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể làm giảm khả năng vận động, gây teo cơ, thậm chí tàn phế.

1. Tình trạng viêm khớp cùng chậu là gì?

Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm ở một hoặc cả hai khớp xương cùng, đoạn kết nối xương sống với xương chậu ở gần hông. Bệnh là nguyên nhân gây nên chứng viêm cột sống dính khớp.

Viêm khớp vùng chậu là một trong những nguyên nhân gây đau lưng dưới, mông hoặc đùi. Tuy nhiên, có khá nhiều bệnh gây đau ở vị trí này như đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp cột sống… Do đó, người bệnh cần thăm khám để kiểm tra chính xác bệnh.

Không chỉ gây đau ở lưng dưới, người bệnh còn có thể đau ở mông, hông, đùi và kéo dài xuống một hoặc hai chân. Cơn đau làm giới hạn các động tác cúi, ngửa, xoay người. Đặc biệt, khi làm việc nặng hoặc leo cầu thang, cơn đau càng trở nên trầm trọng hơn.

viem-khop

Viêm khớp vùng chậu là một trong những nguyên nhân gây đau lưng dưới, mông hoặc đùi.

2. Nguyên nhân mắc viêm khớp cùng chậu

2.1. Do chấn thương

Một số tác động bên ngoài như tai nạn xe cộ hay té ngã, có thể làm tổn thương khớp cùng chậu, gây nên tình trạng viêm.

2.2. Do viêm khớp

Viêm khớp xương mãn tính có thể xảy ra ở vùng khớp cùng chậu. Bệnh có thể gây viêm cột sống dính khớp, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cột sống.

2.3. Mang thai

Khi mang thai, các khớp cùng chậu phải mở rộng và kéo dài để thích ứng với cơ thể. Bên cạnh đó, trọng lượng gia tăng và sự thay đổi dáng đi có thể làm tăng áp lực lên các khớp, dẫn đến hao mòn khớp không bình thường.

2.4. Nhiễm trùng

Nguyên nhân nhiễm trùng thường hiếm gặp hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các khớp cùng chậu cũng có thể bị nhiễm trùng gây viêm.

3. Biểu hiện cụ thể của viêm khớp cùng chậu

Những biểu hiện của bệnh viêm khớp cùng chậu thường xuất hiện nhiều ở vùng lưng dưới. Các cơn đau ở hông, mông và chạy dọc xuống chân. Khi người bệnh thực hiện các hoạt động như leo cầu thang, chạy bộ, đi bước dài, đứng lâu trong một tư thế, cơn đau càng tăng về cường độ. Đôi khi đau khớp có thể kèm theo sốt nhẹ.

dau-viem-khop

Các cơn đau do viêm khớp chậu xuất hiện ở hông, mông và chạy dọc xuống chân.

Bệnh viêm khớp cùng chậu có thể trở thành mãn tính nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nguy hiểm hơn, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

4. Biến chứng nguy hiểm do viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp xương chậu có thể dẫn tới một số biến chứng như:

4.1. Suy giảm khả năng vận động

Khi mắc bệnh lâu năm, người bệnh sẽ gặp nhiều tổn thương hơn do tình trạng viêm dễ trở nặng và lan rộng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh, gia tăng nguy cơ teo cơ và suy giảm khả năng vận động.

4.2. Liệt chi

Với những trường hợp tổn thương nghiêm trọng các dây thần kinh, người bệnh có thể bị dính khớp, thậm chí biến dạng khớp. Khi đó, bệnh nhân sẽ khó di chuyển và vận động bình thường. Tê cứng chi, khó xoay người, teo cơ dẫn tới liệt chi là biến chứng rất nguy hiểm. 

4.3. Ảnh hưởng khả năng sinh sản

Nếu bị bệnh trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ có nguy cơ mắc viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản hoặc có thể dẫn tới mang thai ngoài tử cung.

4.4. Giảm chất lượng cuộc sống

Những cơn đau khớp kéo dài nhiều năm khiến bệnh nhân vô cùng khó khăn trong sinh hoạt và lao động. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải chi trả một khoản chi phí không nhỏ để phục vụ điều trị bệnh.

5. Điều trị đau viêm khớp cùng chậu

Việc điều trị viêm khớp cùng chậu phụ thuộc vào các triệu chứng cũng như những nguyên nhân gây bệnh. 

viem-khop-chau

Người bệnh nên đi khám sức khỏe tại bệnh viện để phát hiện chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Theo đó, các biện pháp chữa bệnh bao gồm:

5.1. Dùng thuốc

Tùy vào nguyên nhân gây đau trong viêm khớp cùng chậu, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một nhóm hay phối hợp nhiều nhóm thuốc sau:

– Thuốc giảm đau.

– Thuốc giãn cơ: Giúp làm giảm co thắt cơ liên quan đến khớp xương chậu.

– Thuốc ức chế TNF: Các chất ức chế hoại tử khối u (TNF) như etanercept (Enbrel), infliximab (Remicade) và adalimumab (Humira) sẽ giúp giảm bệnh viêm khớp liên quan đến viêm cột sống dính khớp.

5.2. Vật lý trị liệu

Bác sĩ hoặc các chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài vận động và kéo giãn cơ để duy trì sự linh hoạt của khớp. Đồng thời, người bệnh tăng cường các bài tập để ổn định cơ quanh khớp cùng chậu.

5.3. Phẫu thuật và thủ thuật khác

Nếu các phương pháp nêu trên không làm giảm cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện:

– Tiêm khớp bằng Corticosteroid: Giúp giảm viêm và giảm đau.

– Sử dụng tần số vô tuyến: Năng lượng từ tần số vô tuyến có thể gây tổn thương vĩnh viễn hoặc phá hủy một phần mô thần kinh gây ra cơn đau khớp.

– Kích thích điện: Bác sĩ sẽ cấy máy kích điện vào xương cùng để giúp giảm đau do viêm khớp.

– Phẫu thuật hợp nhất: Mặc dù hiếm khi được sử dụng trong điều trị viêm khớp cùng chậu, nhưng việc hợp nhất hai xương với nhau có thể làm giảm bớt cơn đau cho người bệnh. 

6. Biện pháp phòng bệnh

Khớp cùng chậu có nhiệm vụ gánh trọng lượng phần trên cơ thể khi người bệnh đi đứng. Áp lực này khá lớn và có thể là nguyên nhân khiến cho khớp chậu dễ bị tổn thương.

Hiện tại, vẫn chưa có biện pháp cụ thể để ngăn ngừa bệnh viêm khớp cùng chậu. Người bệnh có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng khó chịu bằng các phương pháp:

– Mặc bảo hộ đầy đủ khi chơi thể thao hoặc điều khiển phương tiện giao thông. 

– Điều trị triệt để các bệnh về đường tiết niệu, tiêu hóa, bệnh mạn tính… 

– Phụ nữ mang thai cần theo dõi sức khỏe thường xuyên và sát sao hơn.

– Chú ý khi thực hiện các hoạt động có thể gây đau như chạy, leo cầu thang. 

– Thường xuyên vận động, tập luyện, thư giãn gân cốt để tăng sự dẻo dai cho xương khớp. 

– Xây dựng thực đơn, chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.

– Ngủ đủ giấc, tránh stress nhằm duy trì sức khỏe tổng thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital