Lao phổi là bệnh lây nhiễm nguy hiểm nhưng thực tế có rất ít bệnh nhân không biết mình bị mắc bệnh cho đến khi tiến triển nặng. Biết được những triệu chứng của bệnh lao phổi thường gặp là gì sẽ giúp bạn chủ động hơn trong thăm khám sớm.
Lao phổi là bệnh thường gặp nhất trong các thể lao, chiếm khoảng trên 80% ca mắc. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 130.000 người mới mắc bệnh lao và số ca phát hiện được chỉ khoảng 100.000 người. Lao phổi được coi là bệnh xã hội khi cứ một người mắc lao thì sẽ có khả năng lây bệnh cho khoảng 10 người khác, tiếp xúc với người bệnh càng lâu nguy cơ lây bệnh càng lớn. Nguyên nhân chính gây bệnh lao phổi là do vi khuẩn MTB (Mycobacterim tuberculosis). Ngoài ra, có hệ miễn dịch suy yếu (do bị nhiễm HIV, điều trị ung thư bằng hóa, xạ trị…), môi trường ô nhiễm, ẩm ướt, tiếp xúc với chất thải chứa vi khuẩn lao… cũng là những yếu tố nguy cơ cao.
Có thể bạn chưa biết : Lao phổi là gì
Menu xem nhanh:
1. Những triệu chứng của bệnh lao phổi
Những triệu chứng của bệnh lao phổi không khó để phát hiện nhưng nhiều người chủ quan nghĩ chỉ là các triệu chứng đường hô hấp thông thường nên đa số đều phát hiện bệnh muộn. Một số triệu chứng của bệnh lao phổi bạn không nên bỏ qua là:
- Ho: đây là triệu chứng của nhiều bệnh phổi khác nhau như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi… Tuy nhiên, nếu người bệnh ho trên 3 tuần mà không liên quan đến các bệnh lý trên phải nghĩ ngay tới lao phổi. Ở giai đoạn tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có biểu hiện ho ra máu. Đây là một trong những triệu chứng điển hình ở bệnh nhân lao phổi khi có tới 60% bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng này.
- Sốt: sốt có thể xuất hiện bất kì lúc nào nhưng tập trung nhiều về chiều và đêm. Bệnh nhân có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ tùy thuộc từng tình trạng bệnh mỗi người.
- Đau tức ngực khó thở xảy ra khi người bệnh ho nhiều, gây ức chế lên phế quản. Tình trạng sẽ càng trầm trọng hơn nếu bạn có tiền sử bị viêm phổi tái phát.
- Ra mồ hôi trộm là một trong những triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân lao phổi, thường xuất hiện về ban đêm.
- Chán ăn, mệt mỏi, sút cân, mất ngủ, tâm lý căng thẳng… là những triệu chứng bệnh toàn thân dễ bị người bệnh bỏ qua…
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lao phổi có thể gây ra một số biến chứng nặng như tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu. Những biến chứng này khiến cho quá trình điều trị lao phổi trở nên phức tạp hơn. Điều trị cho bệnh nhân lao phổi cần tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị, chủ yếu dùng thuốc hóa trị lao.
2. Phòng bệnh lao phổi như thế nào?
Khi có xuất hiện những nghi ngờ là triệu chứng của bệnh lao phổi, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi để khám và xét nghiệm. Nếu được chẩn đoán mắc lao cần điều trị dứt điểm và thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để phòng tránh lây nhiễm ra cộng đồng, bệnh nhân lao phổi phải mang khẩu trang y tế, không khạc nhổ lung tung, tránh tiếp xúc với nhiều người…
Để phòng chống bệnh lao, biện pháp hữu hiệu nhất là cho trẻ sơ sinh là đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng chống lao. Ngoài ra, mỗi người cần chú ý:
- Ăn uống khoa học, lành mạnh
- Tích cực luyện tập thể dục thể thao
- Không sử dụng các loại chất kích thích
- Vệ sinh nơi ở, làm việc sạch sẽ
- Khám sức khỏe định kì…