Mách bạn 13 yếu tố nguy cơ gây ung thư gan
Ung thư gan là một trong những bệnh K có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam, thường diễn tiến âm thầm và chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Điều đáng nói là, bên cạnh những nguyên nhân phổ biến như viêm gan B, xơ gan hay nghiện rượu, vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư gan mà nhiều người không ngờ tới. Chính sự chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc lối sống tưởng chừng vô hại lại đang âm thầm “nuôi dưỡng” mầm bệnh trong cơ thể từng ngày.
1. 13 yếu tố nguy cơ gây ung thư gan
1.1. Giới tính
Ung thư biểu mô tế bào gan thường phổ biến ở nam hơn nhiều so với nữ. Tuy vậy, ung thư biểu mô tế bào xơ dẹt (là một phân nhóm của HCC) thì lại thường hay phổ biến hơn ở phụ nữ.
1.2. Chủng tộc/dân tộc
Tại các nước như Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Á và người dân tại đảo Thái Bình Dương có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất, tiếp theo là những người gốc Tây Ban Nha/người La tinh, người Mỹ gốc Ấn/thổ dân Alaska…

1.3. Viêm gan virus mãn tính
Trên phạm vi toàn cầu, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư gan chính là tình trạng nhiễm virus viêm gan B (HBV) hoặc virus viêm gan C (HCV) mạn tính. Khi tồn tại lâu dài trong cơ thể mà không được kiểm soát, các loại virus này gây tổn thương gan liên tục, làm xuất hiện sẹo gan (xơ gan) – nền tảng dẫn tới sự phát triển của ung thư. Đây cũng là lý do khiến ung thư gan trở thành một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nhiều khu vực trên thế giới.
Cơ chế lây truyền của HBV và HCV tương đối giống nhau. Cả hai đều có thể truyền từ người sang người thông qua:
– Dùng chung kim tiêm hoặc vật dụng có dính máu (dao cạo, bấm móng tay…).
– Truyền máu hoặc các sản phẩm máu chưa được sàng lọc kỹ (hiện rất hiếm ở các quốc gia có hệ thống y tế phát triển).
– Truyền từ mẹ sang con.
Tại nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á, trẻ em có thể bị nhiễm viêm gan B từ sớm do sống chung và tiếp xúc lâu dài với các thành viên trong gia đình mang virus.
1.4. Xơ gan
Xơ gan là tình trạng gan bị tổn thương mạn tính, trong đó các tế bào gan khỏe mạnh bị phá hủy và dần được thay thế bằng mô sẹo. Sự hình thành mô sẹo này cản trở quá trình tái tạo và làm suy giảm nghiêm trọng chức năng gan theo thời gian.
Đây là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Nhiều nghiên cứu cho thấy, phần lớn bệnh nhân ung thư gan đều có nền tảng xơ gan từ trước, dù không phải tất cả các trường hợp đều như vậy. Xơ gan – dù do virus, rượu hay các bệnh lý chuyển hóa – đều làm tăng nguy cơ đột biến tế bào gan và dẫn đến hình thành khối u ác tính.
1.5. Bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ nhưng lại không phải do rượu là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở những người bị thừa cân hoặc béo phì. Bệnh xảy ra khi chất béo tích tụ quá mức trong tế bào gan mà không liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn.

1.6. Xơ gan ứ mật nguyên phát
Một số loại bệnh có thể tự miễn ảnh hưởng đến gan cũng có khả năng gây ra bệnh xơ gan. Ví dụ, trong xơ gan ứ mật dạng nguyên phát, các ống mật trong gan sẽ bị tổn thương và thậm chí khi bị phá hủy có thể dẫn đến xơ gan. Những người mắc căn bệnh này có nguy cơ cao mắc ung thư gan.
1.7. Các bệnh chuyển hóa di truyền
Một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng ở gan nếu không được kiểm soát kịp thời.
1.8. Nghiện rượu mạn tính
Rượu là thủ phạm hàng đầu gây xơ gan ở các quốc gia phương Tây. Lạm dụng rượu trong thời gian dài làm hủy hoại tế bào gan, dẫn đến viêm, sẹo hóa và xơ gan – nền tảng cho ung thư gan phát triển. Nguy cơ đặc biệt tăng cao nếu người uống rượu đồng thời có nhiễm HBV hoặc HCV.
1.9. Hút thuốc lá
Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn tác động xấu đến gan. Những người đang hoặc đã từng hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn so với người chưa từng hút. Chất độc từ khói thuốc làm tăng gánh nặng chuyển hóa cho gan, dẫn đến tổn thương tế bào gan và tăng khả năng đột biến ung thư.
1.10. Béo phì
Thừa cân – béo phì là yếu tố nguy cơ ngày càng phổ biến của ung thư gan, đặc biệt là trong bối cảnh hiện đại ít vận động. Béo phì có liên quan rất mật thiết với căn bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, một tình trạng có thể tiến triển thành viêm gan mạn tính, xơ gan và cuối cùng là ung thư gan.
1.11. Bệnh tiểu đường type 2
Người mắc tiểu đường type 2 có nguy cơ cao hơn bình thường phát triển ung thư gan, nhất là khi kết hợp với béo phì và gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, các rối loạn chuyển hóa liên quan đến insulin cũng gây ảnh hưởng xấu đến chức năng gan lâu dài.
1.12. Aflatoxin – độc tố từ nấm mốc thực phẩm
Aflatoxin là chất sinh ung thư mạnh, được sản sinh bởi nấm mốc có trong các loại thực phẩm như ngô, gạo, lạc, đậu tương nếu bảo quản kém (ẩm mốc, không thoáng khí). Mặc dù có thể gặp ở mọi vùng khí hậu, aflatoxin xuất hiện phổ biến hơn ở các nước nhiệt đới, nóng ẩm.
Việc tiêu thụ thực phẩm chứa aflatoxin trong thời gian dài có thể gây tổn thương DNA tế bào gan. Nếu người đó đồng thời nhiễm viêm gan B hoặc C, nguy cơ mắc ung thư gan sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

1.13. Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Một số hóa chất công nghiệp có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan, đặc biệt là các loại u mạch máu ác tính và ung thư tế bào gan:
– Vinyl chloride: dùng trong sản xuất nhựa PVC.
– Thorium dioxide: từng được sử dụng trong chụp X-quang, sau này đã bị loại bỏ vì nguy cơ gây ung thư.
Hiểu rõ những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan mà nhiều người không ngờ tới chính là bước quan trọng trong việc phòng bệnh chủ động. Việc ăn thực phẩm mốc, dùng thuốc bừa bãi, tiếp xúc với hóa chất độc hại hay thức khuya kéo dài… đều là những thói quen tưởng chừng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan. Thay vì chỉ lo lắng khi đã có triệu chứng, hãy chủ động thay đổi lối sống, tiêm phòng viêm gan và kiểm tra sức khỏe định kỳ – đó chính là cách bảo vệ lá gan và sức khỏe tổng thể một cách bền vững.