Cấp cứu:0901793122
English
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Thucuc | Hệ thống y tế TCI Hospital
Chăm sóc sức khoẻ trọn đời cho bạn
Tổng đài1900558892
Nuốt vướng do trào ngược dạ dày: Cách khắc phục hiệu quả

Nuốt vướng do trào ngược dạ dày: Cách khắc phục hiệu quả

Chia sẻ:

Nuốt vướng do trào ngược dạ dày là triệu chứng mà không ít người từng gặp phải. Đây là tình trạng khó chịu, ít được chú ý nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Hiểu rõ về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị và phòng ngừa sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng này và cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Trong những năm gần đây, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng dịch vị acid trong dạ dày (bao gồm acid hydrochloric, pepsin và đôi khi là dịch mật) trào ngược lên thực quản. Do thực quản không được cấu tạo để chịu đựng tính acid cao như dạ dày, nên khi bị trào ngược kéo dài sẽ gây ra viêm loét, kích ứng niêm mạc thực quản, dẫn đến các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và nuốt vướng. Trong đó, chứng nuốt vướng là tình trạng người bệnh cảm thấy khó nuốt, như có vật gì đó mắc lại ở cổ họng hoặc sau xương ức mỗi khi nuốt thức ăn hay thậm chí khi nuốt nước bọt.

Nuốt vướng do trào ngược dạ dày là triệu chứng quen thuộc với nhiều người bệnh
Nuốt vướng do trào ngược dạ dày là triệu chứng quen thuộc với nhiều người bệnh

2. Nuốt vướng do trào ngược dạ dày là gì?

Nuốt vướng là cảm giác khó khăn khi nuốt, có thể cảm nhận được thức ăn bị kẹt lại ở cổ họng, ngực hoặc thậm chí là không thể nuốt trôi như bình thường. Trong bối cảnh của bệnh trào ngược dạ dày, nuốt vướng thường là hậu quả của những tổn thương ở thực quản như viêm thực quản, hẹp thực quản, hoặc loét thực quản do acid dạ dày gây ra.

Nuốt vướng có thể xuất hiện sớm hoặc muộn trong quá trình bệnh, nhưng thường thấy ở những người đã bị trào ngược mạn tính mà không điều trị dứt điểm. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn uống và sinh hoạt, dễ dẫn đến sụt cân, suy nhược, và lo âu.

Mặc dù triệu chứng này có thể gây lo lắng và dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý nghiêm trọng khác như ung thư thực quản, nhưng thực chất, phần lớn các trường hợp là do biến chứng của trào ngược dạ dày.

3. Nguyên nhân gây nuốt vướng do trào ngược dạ dày

Có nhiều cơ chế khác nhau dẫn đến tình trạng nuốt vướng ở bệnh nhân bị GERD:

3.1. Viêm thực quản

Khi acid trào ngược thường xuyên lên thực quản, nó gây viêm niêm mạc, làm thực quản sưng tấy và kích ứng. Lớp niêm mạc bị tổn thương khiến quá trình nuốt trở nên đau rát, khó chịu, từ đó dẫn đến cảm giác nuốt vướng.

3.2. Hẹp thực quản

Đây là một biến chứng khá phổ biến của viêm thực quản mạn tính. Khi niêm mạc bị tổn thương liên tục, cơ thể phản ứng bằng cách tạo sẹo. Những mô sẹo này làm lòng thực quản hẹp lại, gây cản trở việc nuốt thức ăn hoặc nước. Người bệnh thường cảm thấy có gì đó “kẹt” trong cổ họng mỗi khi nuốt.

3.3 Co thắt thực quản

Trào ngược có thể gây rối loạn nhu động thực quản, khiến các cơ co thắt bất thường. Khi thực quản không đẩy thức ăn xuống dạ dày đúng cách, người bệnh sẽ cảm thấy nuốt khó hoặc nuốt vướng.

3.4. Bệnh trào ngược không điển hình

Trong một số trường hợp, người bệnh không có biểu hiện rõ ràng như ợ chua hay nóng rát, mà chỉ có cảm giác nuốt vướng, nghẹn cổ. Điều này dễ khiến người bệnh lầm tưởng mình mắc các bệnh lý khác như u thực quản, dẫn đến chẩn đoán sai.

Nuốt vướng do trào ngược có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh lý khác
Nuốt vướng do trào ngược có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh lý khác

4. Dấu hiệu nhận biết nuốt vướng do trào ngược dạ dày

Khi trào ngược gây nuốt vướng, người bệnh sẽ có cảm giác vướng nghẹn ở cổ họng hoặc sau xương ức khi nuốt. Nuốt đau, rát, nhất là khi nuốt thức ăn cứng hoặc nóng.. Bên cạnh đó, người bệnh thường bị ho khan kéo dài, khàn giọng, cảm giác đờm vướng trong cổ. Cùng với đó là tình trạng ợ chua, ợ nóng, đầy bụng, buồn nôn – đặc biệt sau khi ăn hoặc nằm xuống. Ngoài ra còn có thể có tình trạng sụt cân không rõ nguyên nhân, hoặc có cảm giác muốn nuốt nhiều lần nhưng không trôi.

5. Chẩn đoán tình trạng nuốt vướng do trào ngược

Để xác định chính xác nguyên nhân gây nuốt vướng, bác sĩ thường chỉ định các phương pháp sau:

– Nội soi thực quản – dạ dày: Đây là phương pháp phổ biến nhất để quan sát trực tiếp tình trạng niêm mạc thực quản, xác định có viêm loét, hẹp hay không.

– Chụp X-quang thực quản với thuốc cản quang: Phương pháp này giúp phát hiện hẹp thực quản hoặc bất thường nhu động.

– Đo pH thực quản 24 giờ: Kỹ thuật này xác định tần suất và mức độ trào ngược acid từ dạ dày lên thực quản.

– Đo áp lực thực quản: Giúp kiểm tra chức năng co bóp của thực quản và cơ vòng thực quản dưới.

6. Điều trị nuốt vướng do trào ngược dạ dày

Tùy theo mức độ tổn thương thực quản và biểu hiện của bệnh, điều trị có thể bao gồm:

6.1. Dùng thuốc

Một số loại thuốc thường được chỉ định bới bác sĩ sau khi có kết quả chẩn đoán bị trào ngược. Đó là thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp giảm tiết acid, giúp lành tổn thương thực quản. Cùng với đó là thuốc kháng H2: Hỗ trợ giảm acid. Thuốc bảo vệ niêm mạc: Sucralfate, alginate giúp bao phủ và bảo vệ niêm mạc thực quản. Thuốc điều hòa nhu động giúp thực quản và dạ dày co bóp tốt hơn.

6.2. Can thiệp nếu có hẹp thực quản

Trong trường hợp có hẹp thực quản rõ rệt gây nuốt khó nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định nong thực quản bằng bóng qua nội soi. Hoặc có thể cần đến phẫu thuật nếu hẹp nặng hoặc tái phát liên tục.

6.3. Điều chỉnh lối sống

Tránh ăn quá no, không nằm ngay sau khi ăn.

Tránh các thực phẩm kích thích trào ngược như: cà phê, bia rượu, đồ chiên rán, chua cay.

Ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn.

Nâng cao đầu giường khi ngủ.

Giảm cân nếu đang thừa cân.

Thăm khám sớm và thực hiện đo pH thực quản 24h là giải pháp chẩn đoán trào ngược hiệu quả
Thăm khám sớm và thực hiện đo pH thực quản 24h là giải pháp chẩn đoán trào ngược hiệu quả

7. Phòng ngừa nuốt vướng do trào ngược

Cách tốt nhất để phòng ngừa nuốt vướng là kiểm soát tốt bệnh trào ngược dạ dày ngay từ đầu. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích:

Tái khám định kỳ nếu đã từng bị GERD, kể cả khi triệu chứng đã giảm.

Tuân thủ điều trị đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý ngưng thuốc.

Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng quá mức – vì stress cũng có thể làm nặng thêm bệnh trào ngược.

Tập thể dục nhẹ nhàng, nâng cao sức khỏe tiêu hóa tổng thể.

Không hút thuốc lá – vì nicotine làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới.

8. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Bạn nên đi khám càng sớm càng tốt nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:

Nuốt nghẹn nặng, nuốt đau kéo dài trên 1 tuần.

Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Có cảm giác thức ăn kẹt trong cổ họng hoặc ngực.

Ho ra máu, nôn ra máu, đau ngực dữ dội.

Triệu chứng không cải thiện sau khi đã điều trị bằng thuốc.

Nuốt vướng do trào ngược dạ dày không phải là một triệu chứng hiếm gặp, nhưng lại rất dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý nguy hiểm khác. Hiểu rõ về nguyên nhân, cơ chế, cách điều trị và phòng ngừa là chìa khóa giúp người bệnh thoát khỏi cảm giác khó chịu và nguy cơ biến chứng lâu dài. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng nuốt vướng kéo dài kèm theo các dấu hiệu trào ngược, đừng chần chừ mà hãy đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Liên hệ ngay: 0936388288 để được tư vấn chi tiết!

Slider – Banner Nội soi Tiêu hóa
Bài viết liên quan
Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày ăn táo được không?

Tìm hiểu: Trào ngược dạ dày ăn táo được không?

Trào ngược dạ dày là một trong những tình trạng phổ biến nhất liên quan đến tiêu hóa hiện nay. Trong hành trình kiểm soát bệnh, việc ăn uống đóng vai trò cốt lõi. Trong số rất nhiều loại trái cây, táo thường được coi như một lựa chọn tốt cho sức khỏe. Nhưng với […]
1900558892
zaloChat