Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto: Hiểu đúng để kiểm soát kịp thời
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là một trong những rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất, thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài khiến nhiều người chủ quan. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp mà còn kéo theo hàng loạt triệu chứng toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.
1. Viêm tuyến giáp Hashimoto có những đặc điểm gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm trước cổ, giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết hoạt động chuyển hóa, tim mạch, thần kinh thông qua việc sản xuất hormon T3 và T4.
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, còn được gọi là Hashimoto’s thyroiditis, là một bệnh tự miễn. Trong đó, hệ miễn dịch của cơ thể nhận nhầm mô tuyến giáp là “kẻ xâm lược” và tiến hành tấn công. Sự phá hủy này khiến tuyến giáp giảm khả năng sản xuất hormone, dẫn đến tình trạng suy giáp.

Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, còn được gọi là Hashimoto’s thyroiditis, là một bệnh tự miễn
2. Dấu hiệu nhận biết
2.1. Dấu hiệu bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto ở toàn thân
Giai đoạn đầu của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto thường không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, theo thời gian, các rối loạn hormone sẽ gây nên nhiều biểu hiện toàn thân. Cơ thể luôn mệt mỏi, buồn ngủ, dễ cảm thấy lạnh dù trời không lạnh. Người bệnh có thể tăng cân bất thường dù ăn ít, tóc rụng nhiều, da khô, mặt phù tròn và nhợt nhạt. Các triệu chứng khác gồm khàn tiếng, táo bón, trầm cảm, lo âu, khó tập trung. Ở nữ giới, bệnh gây rong kinh, rối loạn kinh nguyệt kéo dài.
2.2. Biểu hiện tại tuyến giáp
Không phải bệnh nhân nào cũng có thay đổi rõ rệt tại vùng cổ. Tuy nhiên, ở một số người, tuyến giáp có thể to lên một cách bất thường, lan rộng ra cả hai thùy, có mật độ chắc, gây cảm giác vướng khi nuốt hoặc nói.
Một số trường hợp phát hiện trễ sẽ thấy tuyến giáp phát triển không đối xứng, có thể nổi lên các nốt hoặc khối rắn chắc, đè ép vào thực quản hoặc khí quản.
3. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh Hashimoto?
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng nữ giới có nguy cơ cao hơn rất nhiều so với nam giới, đặc biệt là trong độ tuổi từ 30 đến 60.
Ngoài ra, bệnh cũng phổ biến hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn khác như: Đái tháo đường type 1, viêm khớp dạng thấp, thiếu máu ác tính, xơ gan tự miễn, bệnh lupus, suy buồng trứng sớm,…
Một số yếu tố môi trường như phơi nhiễm phóng xạ hoặc điều trị ung thư bằng xạ trị vùng đầu cổ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
4. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng viêm tuyến giáp Hashimoto
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, tình trạng viêm tuyến giáp Hashimoto có thể là liên quan đến:
– Sự mất cân bằng hormone: Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh Hashimoto cao hơn nam giới khoảng 7 lần. Sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt trong giai đoạn mang thai, mãn kinh hoặc sau sinh có thể là yếu tố kích hoạt bệnh.

Sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt trong giai đoạn mang thai, mãn kinh hoặc sau sinh có thể là yếu tố kích hoạt bệnh
– Yếu tố di truyền: Người thân từng mắc bệnh tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn khác thì nguy cơ mắc Hashimoto của bạn sẽ cao hơn.
– Lượng iod trong cơ thể quá cao: Việc sử dụng iod vượt ngưỡng khuyến cáo có thể gây rối loạn tuyến giáp, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
– Môi trường và yếu tố độc hại: Tiếp xúc với phóng xạ hoặc các hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến mô tuyến giáp, tạo điều kiện cho các phản ứng tự miễn diễn ra mạnh mẽ hơn.
5. Biến chứng nguy hiểm của bệnh Hashimoto
Nếu không được điều trị hoặc kiểm soát kịp thời, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có thể dẫn đến nhiều biến chứng:
– Ảnh hưởng đến tim mạch: Tình trạng suy giáp kéo dài có thể gây rối loạn lipid máu, tăng cholesterol, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, cao huyết áp và suy tim.
– Gây vô sinh và rối loạn kinh nguyệt: Ở phụ nữ, hormon tuyến giáp có vai trò quan trọng trong chu kỳ rụng trứng và khả năng sinh sản. Khi hormone này bị thiếu hụt, nguy cơ vô sinh, thai lưu hoặc sảy thai sẽ tăng cao.
– Tác động đến tâm thần: Nhiều người bệnh có thể trải qua giai đoạn trầm cảm kéo dài, giảm trí nhớ, mất hứng thú trong sinh hoạt và làm việc.
– Biến chứng nguy hiểm ở thai phụ: Nếu mắc bệnh Hashimoto khi mang thai mà không kiểm soát tốt, thai phụ có thể đối mặt với nguy cơ thai nhẹ cân, dị tật bẩm sinh, hoặc trẻ sinh ra có thể bị chậm phát triển trí tuệ và thể chất.
– Phù niêm và hôn mê: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của suy giáp nặng, thường gặp ở người lớn tuổi, đòi hỏi phải cấp cứu ngay lập tức.
6. Cách chẩn đoán bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
– Xét nghiệm hormon tuyến giáp: Bác sĩ sẽ đo nồng độ hormon T3, T4 và TSH (hormone kích thích tuyến giáp). Trong bệnh Hashimoto, nồng độ T3, T4 thường thấp, còn TSH lại tăng cao nhằm cố gắng kích thích tuyến giáp hoạt động bù trừ.
– Xét nghiệm kháng thể tự miễn: Việc kiểm tra sự xuất hiện của kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp (anti-TPO) giúp xác định liệu hệ miễn dịch có đang tấn công tuyến giáp hay không. Đây là dấu ấn sinh học quan trọng để chẩn đoán bệnh Hashimoto.

Xét nghiệm hormon tuyến giáp
7. Điều trị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto như thế nào?
Hiện chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, tuy nhiên việc điều trị nhằm mục tiêu kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Nếu người bệnh chưa rơi vào tình trạng suy giáp, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi định kỳ mà chưa cần dùng thuốc, đồng thời kiểm tra nồng độ hormone thường xuyên để phát hiện sớm các thay đổi.
Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc chứa loại hormone tổng hợp tương tự T4. Liều lượng thuốc sẽ được điều chỉnh theo chỉ số TSH và triệu chứng lâm sàng.
Thông thường sau vài tuần điều trị, người bệnh sẽ cảm thấy cải thiện rõ rệt về sức khỏe, tuy nhiên để các chỉ số như TSH, cholesterol trở về mức bình thường, có thể cần từ 3 – 6 tháng.
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh lý tự miễn nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát hiệu quả nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Việc hiểu rõ triệu chứng, nguyên nhân và các biến chứng giúp người bệnh chủ động thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị. Đừng chờ đến khi tuyến giáp tổn thương nặng mới đi khám – vì lúc đó, sức khỏe đã phải đánh đổi bằng thời gian và chi phí lớn hơn rất nhiều.