Kỹ thuật siêu âm đầu dò là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại và chuẩn xác ngày nay. Vậy cụ thể siêu âm đầu dò là gì và khi nào thì cần thực hiện siêu âm đầu dò?
Menu xem nhanh:
1. Siêu âm đầu dò là gì?
Siêu âm đầu dò có thể là siêu âm đầu dò hậu môn hoặc âm đạo tùy mục đích chẩn đoán và tình trạng bệnh nhân. Với siêu âm đầu dò âm đạo, bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật sử dụng sóng âm tần cao tiếp xúc qua ngõ âm đạo để hiện thị hình ảnh chuyên sâu, có độ chính xác cao. Bác sĩ chèn một đầu dò siêu âm khoảng 2 đến 3 inch vào ống âm đạo. Qua đó, bác sĩ đánh giá tử cung, buồng trứng và các thành phần tiểu khung.
Siêu âm đầu dò thường được chỉ định khi bác sĩ cần kiểm tra những bất thường về tử cung, buồng trứng, vòi trứng, cổ tử cung, và đánh giá tình hình rụng trứng, sự phát triển của trứng, độ dày niêm mạc tử cung…
Siêu âm đầu dò cũng thường chỉ định để để biết có thai trong giai đoạn đầu hay không bởi khi đó phôi thai vẫn còn rất nhỏ nên không hiển thị hình ảnh nếu siêu âm thành bụng. Kỹ thuật khám phụ khoa bằng siêu âm đầu dò được dùng để kiểm tra các cơ quan sinh dục, quan sát sự phát triển của trứng và tình hình rụng trứng, đánh giá độ dày của niêm mạc tử cung, chẩn đoán u xơ tử cung, các loại u buồng trứng, phát hiện các bệnh phụ khoa khác.
- Ưu điểm: giúp quan sát rõ hơn các cơ quan sinh dục, phát hiện các bệnh lý vùng tiểu khung mà đầu dò ngoài khó có thể quét đến.
- Hạn chế: không quan sát được các tầng cao hơn trong ổ bụng, không phải trường hợp nào cũng áp dụng được.
2. Khi nào nên sử dụng siêu âm đầu dò?
Như đã nêu trên, siêu âm đầu dò có thể là siêu âm đầu dò hậu môn hoặc âm đạo tùy mục đích chẩn đoán và tình trạng bệnh nhân.
- Siêu âm đầu dò hậu môn: dùng để phát hiện các bệnh lý ở trực tràng, vùng tiểu khung, tuyến tiền liệt…
- Siêu âm đầu dò âm đạo: chỉ định trong các trường hợp: mang thai giai đoạn sớm, theo dõi sự phát triển của thai, có dấu hiệu nghi ngờ mang thai ngoài tử cung; đánh giá các khối u ở tử cung, buồng trứng, tiểu khung; kiểm tra tình trạng ứ nước, ứ mủ vòi trứng, đo kích thước trứng từ đó đánh giá thời gian rụng trứng, phục vụ cho kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.
3. Trường hợp nào không nên dùng siêu âm đầu dò?
Siêu âm đầu dò là kỹ thuật phổ biến được áp dụng rộng rãi hiện nay. Siêu âm đầu dò thường được thực hiện bởi các bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Siêu âm đầu dò không gây đau hay ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được chỉ định siêu âm đầu dò. Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh, vị trí bị bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Không nên áp dụng phương pháp siêu âm này đối với:
- Trẻ em, phụ nữ chưa quan hệ tình dục hay màng trinh chưa rách, dị dạng đường sinh dục.
- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc đang bị viêm nhiễm cấp khu vực âm hộ, âm đạo.