Menu xem nhanh:
Mối liên quan giữa loãng xương và sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu thường xảy ra ở nhóm tuổi trên 50 (độ tuổi thường bị loãng xương). Tại sao lại có mối liên hệ giữa sỏi thận và loãng xương? Đó là vì những lý do sau:
Tiêu xương
Tiêu xương chính là sự chuyển hóa canxi từ xương vào máu rồi thải vào nước tiểu khiến cho nồng độ canxi trong nước tiểu tăng cao. Sự ứ đọng canxi trong nước tiểu dễ dàng tạo thành sỏi và đó chính là lý do tại sao sỏi tiết niệu có mối liên hệ với loãng xương.
Người bị sỏi tiết niệu kiêng canxi quá mức
Những người bị sỏi thận thực hiện chế độ ăn uống quá nghèo canxi kéo dài có thể dẫn đến loãng xương.
Trị loãng xương bằng bổ sung quá nhiều canxi
Những người bị loãng xương, điều trị loãng xương bằng cách bổ sung canxi quá nhiều, không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến tăng nồng độ canxi trong nước tiểu, cũng dẫn đến hình thành sỏi tiết niệu.
Điều trị loãng xương như thế nào để không gây tăng nguy cơ sỏi tiết niệu
Quá trình điều trị loãng xương sẽ không gây sỏi tiết niệu nếu không gây tăng đậm độ canxi trong nước tiểu. Để điều trị loãng xương mà không gây tăng nguy cơ sỏi tiết niệu thì cần lưu ý những điều sau:
Nên uống nhiều nước mỗi ngày (2-2,5 lít nước/ngày)
Trong quá trình điều trị loãng xương nên uống nhiều nước mỗi ngày. Lượng nước nên chia đều vào các thời gian trong ngày, không nên uống dồn một lượng nước lớn cốt đủ lượng nước. Trước khi đi ngủ, nếu tình trạng tiểu đêm không gây mất ngủ thì nên uống một cốc nước trước khi đi ngủ.
Không quá lạm dụng sữa
Mặc dù sữa là đồ uống giàu canxi, được khuyên dùng cho người loãng xương, nhưng không nên quá lạm dụng, nhưng đồng thời cũng không nên lo ngại nguy cơ tạo sỏi mà bỏ thức uống này, có thể uống một cốc sữa mỗi ngày.
Nên bổ sung canxi dưới dạng thức ăn
Thức ăn có chứa canxi sẽ giảm nguy cơ hình thành sỏi thận hơn so với uống canxi vì trong các thực phẩm chúng ta ăn vào đều chứa oxalat, vậy nên việc bổ sung vừa đủ canxi dưới dạng thức ăn thì canxi sẽ kết hợp với oxalat tại ruột và đi ra ngoài cơ thể theo đường hóa phân, tránh được nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu.
Người bị sỏi tiết niệu không nên tự ý điều trị loãng xương
Người bệnh sỏi tiết niệu khi phát hiện tình trạng loãng xương không nên tự điều trị bằng cách uống các thuốc bổ sung canxi, mà phải đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa. Việc chỉ định điều trị loãng xương ở những trường hợp này phụ thuộc vào từng người, không thể áp dụng đơn thuốc của người này cho người khác được.
Đi khám sức khỏe định kỳ
Những người đang điều trị loãng xương cần chú ý tới các triệu chứng bất thường như đau lưng, đái ra máu, tiểu dắt, tiểu buốt… nếu có những bất thường này bạn cần đi khám ngay.
Tuy nhiên, đa số trường hợp mắc sỏi tiết niệu không có triệu chứng, vì vậy bạn cần đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần và làm các biện pháp thăm khám phù hợp để phát hiện sớm sỏi.