Gây tỷ lệ tàn tật hàng đầu trên thế giới, đột quỵ là biến cố xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho một phần não bị giảm hoặc mất hoàn toàn. Cùng tìm hiểu các dạng bệnh thông qua phân loại đột quỵ não và hướng dẫn cách phòng tránh hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Phân loại đột quỵ não
Đột quỵ não có thể được phân loại thành 2 loại chính là:
– Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ: Đây là cơn đột quỵ do tắc nghẽn động mạch hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là tĩnh mạch. Khoảng 85% các ca đột quỵ là do thiếu máu não cục bộ, nguồn máu cung cấp lên não bị gián đoạn, các tế bào não không được cung cấp dinh dưỡng, oxy.
– Đột quỵ xuất huyết não: Đây là cơn đột quỵ xảy ra do chảy máu não – Mạch máu não bị vỡ khiến chảy máu não hoặc xung quanh não. Có khoảng 15% các trường hợp mắc đột quỵ xuất huyết não.
2. Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ là gì?
Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn làm suy yếu lưu lượng máu đến một phần của não. Các tế bào và mô não bắt đầu chết trong vài phút do thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ được chia thành 2 nhóm:
– Đột quỵ do huyết khối: Những hiện tượng này là do cục máu đông phát triển trong các mạch máu bên trong não.
– Đột quỵ do tắc mạch: Nguyên nhân là do cục máu đông hoặc mảnh vụn, mảng bám phát triển ở nơi khác trong cơ thể, sau đó di chuyển đến một trong các mạch máu trong não qua đường máu.
2.1 Phân loại đột quỵ nhồi máu não – Đột quỵ do huyết khối
Như đã đề cập phía trên, đột quỵ do huyết khối là do cục máu đông phát triển trong các động mạch cung cấp máu cho não. Loại đột quỵ này thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người có tình trạng cholesterol cao và bị xơ vữa động mạch (sự tích tụ chất béo và lipid bên trong thành mạch máu) hoặc bệnh tiểu đường.
Đôi khi, các triệu chứng của đột quỵ do huyết khối có thể xảy ra đột ngột và thường xuyên trong khi ngủ hoặc vào sáng sớm. Ở một số trường hợp, triệu chứng của đột quỵ do huyết khối có thể xảy ra dần dần trong vài giờ hoặc thậm chí là vài ngày.
Đột quỵ do huyết khối có thể bắt đầu bằng một hoặc nhiều cơn thiếu máu não thoáng qua TIA hay còn được biết đến là cơn đột quỵ nhẹ. TIA có thể kéo dài trong vài phút hoặc tối đa trong 24 giờ và thường là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra. Mặc dù là cơn đột quỵ nhẹ và thoáng qua, nhưng các triệu chứng do TIA gây ra cũng tương tự như các triệu chứng do đột quỵ thông thường gây ra.
2.2 Phân loại đột quỵ nhồi máu não – Đột quỵ tắc mạch
Đột quỵ do tắc mạch thường do cục máu đông hình thành ở các nơi khác trong cơ thể và di chuyển theo dòng máu đến não. Đột quỵ do tắc mạch thường do bệnh tim hoặc phẫu thuật tim và xảy ra nhanh chóng và không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Khoảng 15% số ca đột quỵ do tắc mạch xảy ra ở những người bị rung tâm nhĩ (một loại nhịp tim bất thường trong đó các buồng trên của tim đập không hiệu quả).
3. Đột quỵ xuất huyết là gì?
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị vỡ, và chảy máu. Khi động mạch chảy máu vào não, các tế bào và mô não không nhận được oxy và chất dinh dưỡng. Ngoài ra, áp lực tích tụ ở các mô xung quanh, gây kích ứng và sưng tấy, có thể dẫn đến tổn thương não nặng hơn. Đột quỵ xuất huyết não hay chảy máu não được chia thành 2 loại chính, bao gồm:
– Xuất huyết nội sọ: Chảy máu từ các mạch máu trong não.
– Xuất huyết dưới nhện: Chảy máu xảy ra trong khoang dưới nhện (khoảng trống giữa não và màng bao phủ não).
3.1 Đột quỵ do xuất huyết nội sọ
Đột quỵ xuất huyết nội sọ thường do huyết áp tăng cao. Tình trạng xuất huyết xảy ra đột ngột và nhanh chóng. Người bệnh thường không có dấu hiệu cảnh báo và chảy máu có thể nghiêm trọng đến mức gây hôn mê hoặc tử vong.
3.2 Đột quỵ do xuất huyết dưới màng nhện
Đột quỵ do xuất huyết dưới nhện xảy ra khi chảy máu ở giữa não và màng não trong khoang dưới nhện. Loại xuất huyết này thường do chứng phình động mạch hoặc dị dạng động tĩnh mạch.
– Chứng phình động mạch là một vùng bị suy yếu, phồng lên trên thành động mạch và có nguy cơ bị vỡ. Phình động mạch có thể là bẩm sinh hoặc có thể phát triển sau này trong cuộc sống do các yếu tố như huyết áp cao hoặc xơ vữa động mạch.
– Dị dạng động tĩnh mạch là một rối loạn bẩm sinh bao gồm một mạng lưới động mạch và tĩnh mạch rối loạn. Nguyên nhân vẫn chưa được xác định, nhưng đôi khi nó là do di truyền hoặc một phần của một số hội chứng nhất định.
4. Đột quỵ tái phát là gì?
Đột quỵ tái phát xảy ra khoảng 1 trong 4 người đột quỵ não trong vòng 5 năm sau lần đầu bị đột quỵ. Nguy cơ tái phát cao nhất là ngay sau cơn đột quỵ, và giảm dần theo thời gian. Khoảng 3% số người bị đột quỵ sẽ bị đột quỵ lần thứ hai trong vòng 30 ngày kể từ lần bị đột quỵ đầu tiên và khoảng 1/3 bị đột quỵ lần thứ hai trong vòng 2 năm. Khả năng bị tàn tật nặng và tử vong tăng lên theo từng cơn đột quỵ tái phát.
5. Hướng dẫn phòng tránh đột quỵ não hiệu quả
Đột quỵ não là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, và tỷ lệ gây tàn tật xếp hàng đầu. Do vậy dự phòng căn bệnh này là giải pháp giúp người dân giảm tỷ lệ mắc, tránh gặp các biến chứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này và thậm chí là mất đi tính mạng. Cách phòng ngừa hiệu quả hiện nay là thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não, từ đó bạn có thể chủ động kiểm soát chúng.
Ở mỗi đối tượng được xác định có yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn cách để kiểm soát và theo dõi sao cho hiệu quả, giảm thiểu khả năng bị đột quỵ não. Bạn có thể cần dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, lối sống, kiểm soát cân nặng…
Trên đây là các thông tin chi tiết về cách phân loại đột quỵ não và cách phòng tránh hiệu quả, hy vọng bạn đọc có thêm kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này, trang bị cho bản thân thêm khiên phòng vệ vững chắc cho bản thân và gia đình.