Chào bạn,
Kali có vai trò giúp vận chuyển các tín hiệu điện thế cho các tế bào trong cơ thể cũng như đóng vai trò then chốt cho các hoạt động của tế bào thần kinh và cơ, đặc biệt là tế bào cơ tim.
Thông thường, nồng độ kali trong máu là 3,6-5,2 millimoles trong một lít máu (mmol/l). Mức kali máu rất thấp (dưới 2,5 mmol/l) có thể đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức.
Thiếu kali thường gặp trong một số trường hợp:
– Bệnh lý thận
– Dùng thuốc lợi tiểu
– Tình trạng mất nước, mất điện giải nhiều trong rối loạn tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy,…)
– Đổ mồ hôi nhiều do sốt
– Luyện tập thể thao quá độ hoặc làm việc dưới trời nắng nóng kéo dài.
Một số dấu hiệu cảnh báo thiếu kali trong cơ thể thường gặp là:
– Mệt mỏi;
– Thường hay bị chuột rút;
– Mất ngủ;
– Trầm cảm;
Về chế độ ăn uống dành cho người thiếu Kali, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ưu tiên hấp thu kali từ nguồn thực phẩm chứa nhiều Kali hơn là uống thuốc bổ sung, vitamin hay thực phẩm chức năng.
Các loại thực phẩm giàu kali cần bổ sung với những trường hợp thiếu kali mà bạn có thể tham khảo gồm có:
– Trái cây và rau củ quả: như chuối, nước cam, táo, nho, rau cải, cà chua,…
– Sản phẩm sữa, chẳng hạn như sữa tươi và sữa chua
– Các loại cá: cá ngừ, cá bơn, cá tuyết, cá hồi và cá đá (Rock fish).
– Các loại đậu hạt: đậu ngự (lima), đậu cúc (pinto), đậu thận/tây (kidney), đậu nành, đậu đen, đậu lăng và đậu Hà Lan.
– Một số loại thực phẩm khác như: Gạo lứt và gạo đại; Cám ngũ cốc; Bánh mì ngũ cốc nguyên cám; Thịt gia súc, gia cầm; Các loại hạt, quả hạch;..
Bổ sung đủ lượng kali mỗi ngày từ nguồn thực phẩm chứa nhiều Kali sẽ giúp tinh thần luôn khỏe mạnh, sảng khoái và có thể ngăn ngừa một số bệnh mạn tính.
Mong rằng những thông tin trên sẽ hữu ích tới bạn. Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, bạn có thể liên hệ ngay tới hệ thống Y tế Thu Cúc qua tổng đài 1900 5588 92 để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Chúc bạn luôn vui khỏe!