Gợi ý cách dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến màng hoạt dịch của khớp gây ra triệu chứng sưng đau. Theo thời gian sẽ bào mòn xương và gây biến dạng khớp. Nếu không được điều trị phù hợp, sẽ gây hạn chế vận động thậm chí tàn phế. Cùng theo dõi bài viết sau để hiểu hơn về cách phòng bệnh viêm khớp dạng thấp và phương pháp điều trị.

1. Thông tin tổng quan về viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn dịch. Đây là tình trạng lớp hoạt dịch của khớp bị hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công. Hậu quả khiến sụn và xương trong cơ thể bị phá vỡ, dẫn đến triệu chứng sưng và đau khớp. Hiện chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh, một số yếu tố nguy cơ của bệnh lý này là:

Tuổi tác

Tình trạng viêm khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên thường phổ biến ở độ tuổi từ 40-60 tuổi.

Tiền sử gia đình

Nếu có người thần mặc bệnh viêm khớp dạng thấp, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.

Giới tính

Phụ nữ có khả năng bị viêm khớp dạng thấp nhiều hơn gấp 2-3 lần so với nam giới. Tuy nhiên khi mắc bệnh, nam giới thường gặp các triệu chứng nặng nề hơn.

Hút thuốc lá

Hút thuốc cả chủ động và thụ động đều là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này. Đặc biệt nếu trong gia đình có người mắc bệnh.

Tiếp xúc với chất độc hại

Một số chất phơi nhiễm bao gồm amiang và silica được chứng minh tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp.

Thừa cân, béo phì

Những người có cân nặng vượt chuẩn, chỉ số BMI ở ngưỡng thừa cân hoặc béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn người bình thường.

2. Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của viêm khớp dạng thấp

Bệnh có 4 giai đoạn chính, triệu chứng của bệnh sẽ thay đổi qua từng giai đoạn. Ở mỗi cấp độ, sẽ có mục tiêu và phương pháp điều trị khác nhau.

2.1. Giai đoạn 1

Ở giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng sẽ thường là đau khớp, cứng khớp hoặc sưng đỏ vùng khớp bị viêm. Tình trạng viêm bên trong khớp đồng thời làm các mô sưng lên. Tuy chưa có tổn thương xương nhưng màng hoạt dịch khớp đã bắt đầu tổn thương.

Viêm khớp dạng thấp gây ra các tình trạng sưng viêm, đau, cứng khớp, ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt

Viêm khớp dạng thấp gây ra các tình trạng sưng viêm, đau, cứng khớp, ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt

2.2. Giai đoạn 2

Bước sang giai đoạn 2, màng hoạt dịch viêm nặng hơn khiến sụn khớp tổn thương nặng nề. Sụn là mô bao phủ phần cuối của xương tại vị trí khớp. Khi sụn tổn thương, người bệnh sẽ đau dữ dội và khả năng vận động bắt đầu hạn chế.

2.3. Giai đoạn 3

Khi tiến triển đến giai đoạn 3, tình trạng bệnh đã thực sự nghiêm trọng. Tại thời điểm này, tổn thương không chỉ dừng ở sụn mà đã ảnh hưởng đến cả xương. Khi lớp sụn giữa các xương bị bào mòn, xương cọ xát liên tục với nhau khiến tình trạng sưng, đau nặng nề hơn. Một số người cơ suy yếu và mất hẳn khả năng vận động. Đó là lúc xương đã tổn thương thậm chí biến dạng.

2.4. Giai đoạn 4

Tiến triển sang giai đoạn cuối, các khớp đã ngừng hẳn hoạt động. Tình trạng đau, sưng, cứng khớp diễn ra liên tục, mức độ đau cũng tăng lên rất nhiều. Nhiều trường hợp không thể vận động, đi lại. Nghiêm trọng nhất là các khớp có thể bị hỏng và gây ra biến chứng dính khớp. Ở giai đoạn 4, việc điều trị đối mặt với nhiều khó khăn, khả năng chữa khỏi và hồi phục cũng có nhiều hạn chế.

3. Tìm hiểu cách dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp

Mặc dù chưa có biện pháp dự phòng bệnh lý này hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ mà tất cả chúng ta có thể thay đổi giúp trì hoãn sự khởi phát của bệnh. Thực hiện các biện pháp dự phòng sau đây cũng dành cho người đang bị viêm khớp dạng thấp. Những biện pháp sau có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm thiểu tác động của bệnh đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được dự phòng bằng những phương pháp sau:

3.1. Dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách bỏ thuốc lá

Theo nhiều nghiên cứu, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Cụ thể những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tăng gấp đôi so với người không sử dụng thuốc lá. Với những người đã bị bệnh, việc hút thuốc khiến bệnh trở nặng nhanh hơn.

3.2. Dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách duy trì cân nặng hợp lý

Những người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Do đó, hãy giảm cân và duy trì cân nặng ở mức hợp lý:

Ăn uống lành mạnh, đủ chất, chế độ dinh dưỡng cân bằng

– Tăng cường ăn rau, củ và trái cây tươi trong thực đơn hàng ngày.

– Tăng cường bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, đây là nguồn thực phẩm dồi dào dinh dưỡng.

– Ưu tiên protein từ cá, gà và các loại thịt trắng, hạn chế thịt đỏ.

– Lựa chọn dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu, … để chế biến

– Hạn chế ăn các món nhiều gia vị và chất béo không tốt

– Tăng cường ăn các thực phẩm tốt cho hệ xương khớp

Tập luyện và duy trì vận động mỗi ngày

Tập thể dục đều đặn là cách phòng ngừa nhiều bệnh trong đó có viêm khớp dạng thấp. Bạn có thể đi bộ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội, tập aerobic, cầu lông, … Khi đã bị bệnh, việc tập luyện phù hợp cũng làm giảm đáng kể tình trạng mất xương đồng thời giúp giảm triệu chứng đau, sưng, viêm. Tuy nhiên, người bệnh nên tập các môn nhẹ nhàng, vừa sức để tránh bệnh tiến triển nặng. Tốt nhất nên xin tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để bảo đảm an toàn.

Dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách tập thể dục

Người bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn có thể tập luyện, miễn là không quá gắng sức

3.3. Hạn chế tiếp xúc với chất độc, các chất ô nhiễm môi trường

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiếp xúc với chất độc hại hay môi trường ô nhiễm cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì thế hãy tránh xa amiang và silica để bảo vệ cơ thể. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với các chất nguy hiểm đó, bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ.

3.4. Thăm khám và điều trị kịp thời

Ngay khi có bất kì triệu chứng nào của bệnh viêm khớp dạng thấp, hãy đến chuyên khoa Cơ xương khớp để thăm khám. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ làm giảm triệu chứng, làm chậm sự phát triển của bệnh đồng thời ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách thăm khám và điều trị sớm

Hãy tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ Cơ xương khớp tư vấn phác đồ điều trị phù hợp

Viêm khớp dạng thấp hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn nhưng dự phòng bệnh là điều hoàn toàn có thể. Hi vọng qua bài viết, độc giả đã có thêm nhiều thông tin hữu ích để hiểu hơn về bệnh từ đó có cách chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital