Hóa trị là một phương pháp được sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân ung thư, phác đồ hóa trị được xây dựng sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn tiến triển, kích thước khối u, thể trạng sức khỏe… Bên cạnh đó hóa trị có thể được kết hợp với phương pháp điều trị khác để hình thành nên phác đồ đa mô thức cá thể hóa, gia tăng cơ hội vượt qua bệnh, hạn chế tái phát trong tương lai. Nắm được các thông tin quan trọng về điều trị ung thư bằng hóa chất sẽ giúp người bệnh chủ động trong điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Điều trị ung thư sử dụng hóa chất là gì & Mục đích điều trị
Điều trị ung thư sử dụng hóa chất hay còn được biết đến là hóa trị là một phương pháp sử dụng các loại thuốc đưa vào cơ thể nhằm mục đích phá hủy tế bào ung thư, ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển, xâm lấn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, kích thước khối u, mức độ xâm lấn, giới tính, tuổi tác mà hóa trị sẽ được chỉ định sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp nhằm các mục đích khác nhau ở mỗi người bệnh, đó là:
– Tiêu diệt các tế bào ung thư đang sinh sôi nhanh chóng và bất thường trong cơ thể – Hóa trị tấn công.
– Duy trì kết quả điều trị tích cực, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng hóa trị với liều thuốc thấp hơn với mục đích kéo dài gian khỏi bệnh – Hóa trị duy trì.
– Hóa trị củng cố giúp giữ được thành quả điều trị trước đó, duy trì sự ổn định của bệnh
– Tác động trực tiếp vào các tế bào ung thư khiến kích thước khối u giảm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tiến hành các bước điều trị tiếp theo như là phẫu thuật hoặc xạ trị. Hình thức sử dụng hóa chất này còn được biết đến là hóa trị tân bổ trợ
– Giảm nhẹ các triệu chứng đau gây ra bởi ung thư, chủ yếu sử dụng để điều trị bệnh khi ở giai đoạn cuối – Hóa trị triệu chứng..
– Điều trị bổ trợ sau phẫu thuật nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ bệnh tái phát trong tương lai, hay còn gọi là hóa trị bổ trợ.
2. Giải đáp những câu hỏi về hóa trị liệu sử dụng trong điều trị ung thư
2.1 Thời gian điều trị ung thư bằng hóa chất kéo dài bao lâu?
Thời gian người bệnh sử dụng hóa trị phụ thuộc vào loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, mục tiêu điều trị, loại hóa chất, khả năng đáp ứng với phác đồ hóa chất. Với cơ chế gây độc tế bào, tác dụng lên toàn thân, vậy nên phác đồ hóa trị sẽ diễn ra theo chu kỳ, người bệnh sử dụng thuốc sau đó sẽ có thời gian nghỉ để cơ thể tái tạo lại các tế bào khỏe mạnh.
Vậy nên khi tiến hành thực hiện hóa trị điều trị ung thư người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ, không nên bỏ ngang việc điều trị, cố gắng củng cố sức khỏe để có thể theo kịp tiến trình điều trị để tăng hiệu quả.
2.2 Các hình thức sử dụng hóa chất trong điều trị ung thư
Thuốc hóa trị được đưa vào cơ thể người bệnh ung thư theo 2 con đường chính là đường uống hoặc tiêm truyền.
– Thông qua đường uống nghĩa là bệnh nhân sử dụng thuốc đường uống, thuốc sẽ được cơ thể hấp thụ thông qua quá trình tiêu hóa ở dạ dày.
– Thông qua đường truyền tĩnh mạch, thuốc sẽ được tiêm truyền vào cơ thể từ vài phút đến vài giờ.
– Thông qua đường tiêm dưới da, thuốc sẽ được bác sĩ sử dụng kim kiêm ngắn để truyền thuốc vào phần dưới da đảm bảo không đi sâu vào lớp cơ của người bệnh.
– Thông qua tiêm bắp, bác sĩ sẽ sử dụng kim kích thước lớn đưa thuốc sâu vào da, nhằm mục đích giúp thuốc ngấm sâu vào trong các tổ chức cơ.
– Thông qua nội động mạch nghĩa là thuốc sẽ được tiêm vào động mạch của người bệnh để trực tiếp đưa đến vùng có tế bào ung thư.
– Hóa trị tại chỗ nghĩa là bệnh nhân sử dụng thuốc hóa trị dạng kem bôi trực tiếp lên khu vực bị tổn thương.
2.3 Một số tác dụng phụ trong điều trị ung thư bằng hóa chất
Các loại thuốc hóa trị hoạt động dựa trên cơ chế gây độc tế bào, nghĩa là bên cạnh tác động lên quá trình phân chia nhanh chóng của các tế bào ung thư, thì thuốc cũng có ảnh hưởng nhất định đến các tế bào lành tính. Vậy nên hóa trị điều trị ung thư có gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Và những ảnh hưởng gây ra bởi tác dụng phụ cũng sẽ xảy ra với tần suất và mức độ tùy vào mỗi người bệnh. Thông thường tác dụng sẽ hết sau một thời gian ngừng thuốc, nếu trong trường hợp bệnh nhân cảm thấy các tác dụng phụ này kéo dài gây ảnh hưởng nhiều, thì nên ghi lại chi tiết và thông báo lại cho bác sĩ để được điều chỉnh.
– Thuốc tác động lên toàn thân khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, cân nặng giảm.
– Bệnh nhân có thể bị thiếu máu, dễ nhiễm trùng hoặc bầm tím do cơ thể bị giảm tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu.
– Người bệnh cảm thấy chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, loét niêm mạc miệng.
– Hóa trị tác động lên da và tóc gây sạm da và rụng tóc bởi những bộ phận này cũng có tốc độ phát triển nhanh nên dễ bị thuốc hóa trị làm ảnh hưởng đến.
– Thuốc còn có thể gây ra những tác động lên hệ thần kinh gây tê bì đầu ngón tay, hay tác động đến cơ quan sinh quản làm thay đổi nồng độ hormone…
3. Một số lưu ý khi thực hiện phác đồ hóa trị liệu
– Khi tiếp nhận điều trị hóa chất, người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ theo đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ để tăng hiệu quả và khả năng phát huy công dụng của thuốc. Thăm khám sức khỏe định kỳ theo lộ trình điều trị với bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn để đánh giá được hiệu quả của phác đồ, khả năng kiểm soát khối u…
– Trong quá trình điều trị bệnh nhân ung thư nên cố gắng ăn nhiều nhất có thể, bổ sung nhiều dinh dưỡng cho cơ thể để giúp duy trì sức khỏe ổn định đáp ứng với các liệu trình hóa chất, phục hồi nhanh các tế bào lành tính…
– Luôn giữ tâm thế thoải mái, tích cực bằng cách trò chuyện nhiều hơn với bạn bè, đọc sách, nghe nhạc, thể dục thể thao nhẹ nhàng…
– Khi gặp các tác dụng phụ người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết để được tư vấn, hướng dẫn cách kiểm soát hoặc thay đổi thuốc nếu cần thiết.
– Quá trình hóa trị có thể ảnh hưởng đến bạch cầu do đó bệnh nhân cần giữ vệ sinh sạch sẽ, môi trường nghỉ ngơi thông thoáng để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm trùng.
Hóa trị liệu được sử dụng trong điều trị ung thư là một trong những phương pháp hữu hiệu, được xem như là vũ khí để tiêu diệt tế bào ung thư. Chính vì vậy khi có chỉ định điều trị hóa chất bệnh nhân không nên chần chừ bởi có thể làm mất thời điểm vàng để kiểm soát tế bào ung thư.