Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu ung thư tiêu hóa không nên bỏ qua
Ung thư đường tiêu hóa là bệnh do sự xuất hiện của các khối u ác tính xuất phát từ trong lòng hoặc thành đường tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa được tạo thành bởi một hệ thống ống rỗng (thực quản, dạ dày, ruột non, ruột thừa, đại tràng, trực tràng và hậu môn) và một vài cơ quan đặc khác (chẳng hạn như tụy, gan và mật).
Ung thư có thể phát triển ở bất kỳ cơ quan bộ phận nào, tuy nhiên, nguy cơ cao nhất là thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn. Dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa có thể khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào cơ quan tiêu hóa mà khối u hình thành. Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa phổ biến là:
- Đầy hơi, khó tiêu
- Khó nuốt
- Đau bụng, đau thường tập trung vùng trên rốn với mức độ đau tăng dần
- Nôn, buồn nôn
- Nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa
- Sút cân
- Thiếu máu
- Đi ngoài phân đen, đi ngoài phân có máu
- Táo bón
- Tiêu chảy
2. Chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa như thế nào?
Tùy thuộc vào các triệu chứng nghi ngờ ung thư qua thăm khám lâm sàng, tiền sử bệnh cá nhân, gia đình… bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán phù hợp. Một số xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm tìm chất chỉ điểm ung thư có những giá trị nhất định trong hỗ trợ phát hiện bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể mà một số xét nghiệm máu có thể được chỉ định là CEA, CA 19 – 9, AFP…
- Nội soi: nội soi thực quản, dạ dày, đại trực tràng… có thể phát hiện những bất thường tại các cơ quan này, bao gồm cả polyp – một trong những yếu tố tăng nguy cơ ung thư ở nhiều người
- Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, X quang, CT, MRI là các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu có khả năng phát hiện những bất thường tại nhiều cơ quan. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.
- Sinh thiết mô bất thường là tiêu chuẩn vàng để đánh giá chính xác tình trạng bệnh, loại ung thư…
Thực tế, các triệu chứng ung thư đường tiêu hóa có biểu hiện rất đa dạng và dễ gây nhầm lẫn bởi các triệu chứng bệnh tương đồng với các bệnh lý tiêu hóa thông thường. Chính vì vậy, khám sàng lọc ung thư định kì sớm luôn được các bác sĩ khuyến khích đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc ung thư, hút thuốc lá, nghiện rượu bia… Để thuận tiện cho người bệnh, bệnh viện có xây dựng các gói khám sàng lọc ung thư khác nhau, bao gồm đầy đủ các xét nghiệm phù hợp với nhu cầu khám của từng đối tượng.