U ở gan là một trong những biểu hiện đầu tiên và phổ biến nhất của ung thư gan. Tuy nhiên, không phải tất cả các khối u ở gan đều là ung thư. U gan gồm nhiều loại khác nhau, chúng có thể lành tình và gần như không gây biến chứng. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về các tổn thương dạng u được phát hiện tại gan.
Menu xem nhanh:
1. U lành tính ở gan
1.1. U mạch máu – U ở gan thường gặp
Đây là loại u gan lành tính thường gặp nhất ở cả nam giới và nữ giới.
– Giải phẫu bệnh lý: U mạch máu gan có kích thước dao động từ 10 – 15cm. Kích thước u ở nữ thường lớn ở ở nam. U có thể đơn ổ hoặc đa ổ, nằm ở bề mặt hoặc ở trung tâm. U mạch máu gan xốp mềm, có những mạch máu màu đen hoặc có thể xuất hiện huyết khối. Khối u này bao gồm các mạch máu lớn lót tế bào nội mô dẹt trường thành, bao xung quanh là mô đệm liên kết thưa..
Phần lớn trường hợp u mạch máu gan có dạng đơn độc. Một số ít trường hợp có kết hợp các nốt tăng sinh tế bào gan hoặc các u mạch máu ngoài gan. Trường hợp u mạch máu xâm nhiễm lan tỏa toàn bộ gan thường hiếm gặp.
– Tiến triển và điều trị: Kích thước u mạch máu gan thông thường sẽ tăng theo thời gian. Tuy nhiên biến chứng vỡ mạch máu gan là rất hiếm gặp. Phần lớn các trường hợp u mạch máu trong gan không cần điều trị. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phẫu thuật trong trường hợp u mạch máu gan phức tạp.
1.2. U tế bào gan lành
Tăng sản nốt khu trú – U ở gan lành tính
– Giải phẫu bệnh lý: Tăng sản nốt khu trú (Focal Nodular Hyperplasia – FNH) có kích thước trung bình khoảng 3cm. Đây thường là tổn thương đơn độc, khu trú ở thùy phải của gan. FNH điển hình bao gồm các nốt tăng sản của mô chủ được bao bọc hoàn toàn hoặc không hoàn toàn bởi mô sợi liên kết.
– Lâm sàng: Khoảng hơn 70% trường hợp tăng sản nốt được phát hiện tình cờ. Nó thường không gây ra triệu chứng, một vài trường hợp bị đau vùng gan hoặc gan to; trong khi sinh hóa gan, AFP, CEA, Ca 19.9 bình thường.
Tăng sản nốt là tổn thương u ở gan hoàn toàn lành tính. Dưới 10% trường hợp thay đổi kích thước cần theo dõi trong thời gian dài. Nguy cơ chảy máu và tiến triển ác tình gần như không có. FNH chủ yếu được chẩn đoán xác định nhờ vào các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT, cộng hưởng từ MRI. Trên lâm sàng, khi FNH không chẩn đoán được bằng xét nghiệm sinh hóa máu và chẩn đoán hình ảnh thì bắt buộc sử dụng giải phẫu bệnh.
– Điều trị: Hầu hết trường hợp được điều trị bảo tồn kết hợp ngừng uống thuốc tránh thai (với người bệnh đang dùng thuốc tránh thai). Phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu có tình trạng chảy máu, dấu hiệu lâm sàng và chẩn đoán chắc chắn.
U tuyến tế bào gan lành
Đây là tổn thương rất hiếm gặp, được đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào gan, thường có dạng nốt có vỏ bao. U tuyến tế bào gan (Hepatocellular Adenoma – HA) ít gặp hơn tăng sản nốt khu trú (tỷ lệ 1/10). HA chủ yếu gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hoặc phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai kéo dài nhiều năm (trên 9 năm).
– Giải phẫu bệnh lý: U tế bào gan có mặt cắt mềm màu vàng, có vỏ bao, trung tâm xuất huyết. Tổ chức này là sự tăng sinh nhiều lớp tế bào gan; không có tế bào không điển hình, không có khoảng cửa, không có ống mật và mô liên kết sợi. Vùng ngoại vi HA có thể xuất hiện sự xâm nhiễm mỡ. Tế bào bên trong khối u có thể có các mức độ loạn sản khác nhau.
– Yếu tố lâm sàng và tiến triển: 70% trường hợp HA là đơn độc và 30% có tổn thương đa ổ. Khoảng 50% trường hợp có triệu chứng đau bụng hoặc gan lớn (có thể do xuất huyết trong u). Ở những người bệnh ngưng sử dụng thuốc tránh thai ghi nhận được sự thoái triển của HA. Nguy cơ tăng kích thước u thường gặp ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai và có thể tiến triển ung thư gan. Trường hợp tổn thương đa ổ có thể làm tăng nguy cơ ác tính. Loại u này có thể liên quan đến bệnh tăng dự trữ glycogen.
– Điều trị: Những người bệnh có dùng thuốc tránh thai và kích thước u dưới 4cm được khuyến cáo bảo tồn và theo dõi chặt chẽ bằng siêu âm. Trường hợp u tiến triển có thể can thiệp phẫu thuật.
Nốt tăng sinh tái tạo
Tổ chức u ở gan này được hình thành do những rối loạn cấu trúc của nốt tăng sinh tế bào gan có hoặc không có tăng sinh mô sợi ở mức độ nhẹ.
– Dịch tễ học: Hầu hết nốt tăng sinh tái tạo (Nodular regenerative hyperplasia – NRH) không được chẩn đoán bằng lâm sàng. Những người trên 60 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cao nhất. Tuy nhiên một số trường hợp NRH có thể thấy ở trẻ nhỏ.
– Giải phẫu bệnh lý: Nốt tăng sinh tái tạo là cấu trúc hỗn hợp của tăng sinh tế bào gan xen kẽ với những cùng teo tế bào gan hoặc tăng sản tế bào gan (không có tăng sản mô sợi liên kết). Tổn thương thường thấy ở xung quanh khoảng cửa và rốn gan. Khối u thông thường có đường kính từ 1 – 10mm. Khoảng 60 – 70% trường hợp phát hiện vết sẹo xơ hình sao ở trung tâm. NRH thường có sự gia tăng tiểu thùy gan với sự tăng sinh của ống mật và vách sợi mạch.
– Yếu tố lâm sàng và tiến triển: Phần lớn NRH không có triệu chứng. Do đó, nó thường được phát hiện tình cờ ở những người bệnh có bệnh lý khác về gan hoặc các bệnh về tăng sinh hạch phản ứng. Chảy máu thực quản do tăng áp tĩnh mạch cửa là triệu chứng điển hình của NRH. Dưới 50% trường hợp có triệu chứng gan to và lách to.
– Điều trị: NRH thường không cần điều trị do tiến triển chậm và hầu hết không có triệu chứng. Tuy nhiên một số trường hợp biến chứng chảy máu do tăng áp tĩnh mạch cửa cần can thiệp điều trị.
2. U ác tính ở gan
2.1. U tế bào gan ác tính nguyên phát (HCC) – U ở gan nguy hiểm
U tế bào gan ác tính nguyên phát còn được gọi là ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát. Đây là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất toàn cầu.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy khoảng 80% trường hợp HCC trên nền xơ gan. Do đó, tất cả các tổn thương gan mạn tính, xơ gan được xem là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư tế bào gan nguyên phát. Các tác nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc HCC là virus viêm gan B, virus viêm gan C và rượu.
2.2. U trung mô ác tính nguyên phát
U trung mô ác tính nguyên phát của gan ít phổ biến hơn ung thư nguyên phát có nguồn từ biểu mô. Trong đó, thường gặp hơn là sarcoma mạch máu, sarcoma phôi không biệt hóa và u nội mô mạch máu dạng biểu mô. Các loại u khác rất hiếm gặp bao gồm: sarcoma cơ vân, sarcoma cơ trơn, sarcoma sợi và u mô bào sợi ác tính.
3. U di căn đến gan – Ung thư gan thứ phát
Gan là cơ quan chịu ảnh hưởng lớn tức các ung thư di căn, phổ biến nhất là bệnh lý ung thư đường tiêu hóa, vú và phổi. Tỷ lệ ung thư gan nguyên phát (chủ yếu là HCC) đang gia tăng đáng kể trên toàn thế giới. Đồng thời ung thư gan thứ phát cũng là bệnh lý thường gặp. Ở nhiều quốc gia tỷ lệ ung thư di căn đến gan cao hơn so với ung thư nguyên phát.
Trên đây là các loại u ở gan thường gặp và đặc điểm cụ thể của từng loại. Thăm khám gan mật định kỳ là việc làm cần thiết, giúp tầm soát phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bất thường tại gan trong đó các khối u. U gan giai đoạn sớm có thể điều trị loại bỏ bằng giải pháp công nghệ cao đốt sóng cao tần với ưu điểm nhanh chóng, ít xâm lấn, mau hồi phục.