Các cách ngừa đột quỵ hiệu quả ai cũng nên biết

Tham vấn bác sĩ

Đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới hiện nay. Phòng ngừa đột quỵ là rất quan trọng để có thể ngăn những nguy hiểm đến tính mạng và hạn chế di chứng cho người bệnh. Thực tế những lưu ý nhỏ trong cách chăm sóc sức khỏe và duy trì thói quen lành mạnh hàng ngày đều là cách ngừa đột quỵ hiệu quả. 

1. Đột quỵ là gì và tại sao cần phòng ngừa đột quỵ từ sớm?

Đột quỵ là tình trạng một phần hoặc toàn bộ não bị hoại tử do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra. Biến cố này có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh hoặc để lại những di chứng nặng nề về vận động và ý thức. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa đột quỵ từ sớm là một việc vô cùng quan trọng nhằm:

1.1 Giảm nguy cơ xảy ra đột quỵ

Những yếu tố nguy cơ như cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì và tiền sử đột quỵ,… đều có thể trở thành tác nhân gây đột quỵ. Nhận biết và dự phòng sớm các yếu tố gây đột quỵ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh.

1.2 Tránh các di chứng nặng nề

Việc ngừa đột quỵ cũng đồng nghĩa với ngăn những hậu quả nghiêm trọng như rối loạn ngôn ngữ, suy giảm chức năng vận động, tàn tật, mất trí nhớ hay thậm chí tử vong… và giúp người bệnh duy trì một cuộc sống chất lượng hơn.

1.3 Tiết kiệm chi phí điều trị

Đột quỵ là một biến cố rất phức tạp, chi phí cấp cứu và điều trị đột quỵ cũng như phục hồi sau đột quỵ thường trở thành “gánh nặng” đối với bệnh nhân và gia đình. Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa đột quỵ càng sớm thì gánh nặng về chi phí càng giảm đi.

1.4 Tăng chất lượng cuộc sống

Phòng ngừa tai biến, đột quỵ từ sớm bằng cách thay đổi lối sống và dự phòng các yếu tố nguy cơ không chỉ giúp tránh các biến chứng nghiêm trọng, mà còn giúp bạn duy trì một cuộc sống chất lượng hơn. Với lối sống lành mạnh, bạn cũng có thể nâng cao sức khỏe tổng thể để tận hưởng cuộc sống.

Tại sao cần phòng ngừa đột quỵ não

Phòng ngừa đột quỵ não giúp giảm thiểu nguy hiểm đến tính mạng, tổn hại về sức khỏe, tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng cuộc sống.

2. Các cách ngừa đột quỵ hiệu quả

Có nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ, bao gồm: tuổi tác, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, thừa cân, béo phì, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, đái tháo đường,… Do vậy muốn phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, cần dự phòng tốt các yếu tố nguy cơ này bằng cách:

2.1 Theo dõi thường xuyên và giữ huyết áp ở mức lý tưởng

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn đột quỵ xuất huyết não. Tình trạng huyết áp tăng cao cũng gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch, làm tắc nghẽn mạch máu não, gây đột quỵ nhồi máu não.

Huyết áp ở mức lý tưởng là dưới 135/85 mmHg. Để đạt được điều này bạn cần giảm muối trong trong khẩu phần ăn. Lượng muối tiêu thụ mỗi ngày tùy thuộc từng thể trạng và tình trạng sức khỏe. Đồng thời, nên tránh các loại thực phẩm giàu tinh bột, cholesterol như bánh mì kẹp thịt, phô mai, kem. Bên cạnh đó nên bổ sung các thực phẩm tốt cho huyết áp như rau củ và trái cây (4 – 5 phần/ngày), cá (2 – 3 phần/tuần). Ngoài ra, nên thêm ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít chất béo vào khẩu phần ăn.

Nếu đã bị tăng huyết áp, người bệnh nên uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ.

2.2 Duy trì cân nặng ổn định, giữ chỉ số khối cơ thể < 25

Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 cho thấy chúng ta có thể đã bị thừa cân, béo phì. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não. Các chuyên gia cho biết, để kiểm soát chỉ số BMI < 25, bạn không nên ăn quá 1.500 – 2.000 calo mỗi ngày. Mức calo nạp vào cơ thể tùy thuộc cân nặng và mức độ hoạt động của từng người. Để giảm cân hiệu quả và lành mạnh, nên tăng cường các hoạt động thể chất đều đặn như đi bộ, chơi golf hoặc tennis.

Cách ngừa đột quỵ não bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Bổ sung những thực phẩm lành mạnh, hạn chế muối, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong khẩu phần ăn là cách ngừa đột quỵ hiệu quả.

2.3 Cách ngừa đột quỵ bằng các hình thức luyện tập

Thay vì đi thang máy hoặc thụ động hoàn toàn, bạn nên thể tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải. Các hoạt động đơn giản như đi dạo sau bữa tối, tham gia câu lạc bộ thể dục, đi thang bộ ít nhất 5 ngày/tuần có thể giúp cơ thể dẻo dai hơn và phòng ngừa đột quỵ não. Bạn có thể chia nhỏ thành 10 – 15 phút/lần và 2 – 3 lần/ngày thay vì tập liên tục.

2.4 Hạn chế uống bia, rượu và các chất kích thích khác

Sử dụng rượu, bia với nồng độ cao sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, vỡ mạch máu não. Các chuyên gia khuyến cáo nếu uống rượu thì nên uống rượu vang đỏ với một lượng vừa phải (khoảng 1 ly nhỏ mỗi ngày). Rượu vang đỏ có chứa resveratrol – một hoạt chất giúp bảo vệ tim và não.

2.5 Kiểm soát các bệnh lý nền – Cách ngừa đột quỵ quan trọng

Tiểu đường, mỡ máu là những bệnh lý làm tăng nguy cơ tai biến. Việc kiểm soát chỉ số mỡ máu, đường huyết ổn định sẽ giúp ngăn nguy cơ này. Chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục và dùng thuốc điều trị theo đơn là rất quan trọng để giữ các chỉ số luôn ở mức ổn định.

2.6 Không hút thuốc lá

Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ não. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên từ bỏ hoặc hạn chế hút thuốc lá một cách tối đa. Có thể dùng các biện pháp cai nghiện nếu tình trạng nghiện thuốc lá quá nghiêm trọng.

Biện pháp ngăn đột quỵ xảy ra hoặc tái phát

Hạn chế hút thuốc lá là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

3. Phòng ngừa đột quỵ sớm – Ngăn những biến chứng khó lường

Các biến chứng thường gặp sau khi bị đột quỵ gồm:

– Phù nề não

– Viêm phổi do đồ ăn, nước uống đi vào phổi

– Đau tim liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch

– Trầm cảm do gặp khó khăn về vận động, ngôn ngữ

– Loét do tỳ đè sau thời gian nằm liệt giường kéo dài

– Động kinh, co giật

– Rối loạn thị giác, giảm hoặc mất thị lực

– Co cứng chi, yếu hoặc liệt

– Nghẽn mạch máu ở tĩnh mạch chân

– Nhiễm trùng đường tiết niệu

– Suy giảm nhận thức, trí nhớ

– Rối loạn ngôn ngữ

Phục hồi sau đột quỵ là quá trình lâu dài, cần kiên trì. Thông thường bệnh nhân đột quỵ sẽ phục hồi tốt trong 3 tháng đầu, chậm hơn ở 3 tháng tiếp theo. Nếu ngoài 6 tháng, khả năng phục hồi rất chậm. Bởi vậy, việc phòng ngừa đột quỵ càng trở nên quan trọng.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về đột quỵ và cách ngừa đột quỵ hiệu quả, giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Việc thăm khám định kỳ và khám khi có các triệu chứng cảnh báo là rất quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital