Đau rát ngực là triệu chứng mà nhiều người gặp phải nhưng lại dễ gây nhầm lẫn giữa các bệnh lý tiêu hóa và tim mạch. Trong số đó, trào ngược dạ dày là một nguyên nhân phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Vậy, bị đau rát ngực có thực sự liên quan đến trào ngược dạ dày không? Làm thế nào để phân biệt với các bệnh lý về tim mạch, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết.
Menu xem nhanh:
1. Bị đau rát ngực có phải do trào ngược dạ dày (GERD)?
1.1 Cơ chế trào ngược dạ dày GERD gây đau rát ngực
Trào ngược dạ dày xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới hoạt động kém, khiến axit và dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Hiện tượng này không chỉ gây nóng rát thượng vị mà còn lan tỏa cảm giác đau rát lên vùng ngực.
Những người bị đau rát ngực do trào ngược dạ dày thường cảm nhận:
– Cơn đau xuất hiện sau bữa ăn hoặc khi nằm ngay sau khi ăn.
– Kèm theo triệu chứng ợ nóng, ợ chua, khó chịu ở cổ họng.
– Cảm giác nóng rát lan từ vùng thượng vị lên vùng ngực.
1.2 Những dấu hiệu cần lưu ý
Không phải mọi trường hợp bị đau rát ngực đều là do trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến các triệu chứng đi kèm để nhận biết:
– Có vị chua hoặc đắng trong khoang miệng.
– Ho kéo dài, khàn tiếng hoặc đau họng không rõ nguyên nhân.
– Tăng triệu chứng khi nằm hoặc cúi xuống.
Nếu cơn đau xuất hiện liên tục, kèm theo khó thở hoặc cảm giác bóp nghẹt, bạn cần đi khám để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng hơn.
2. Phân biệt đau rát ngực do trào ngược dạ dày và bệnh tim mạch
2.1 Đặc điểm của bị đau rát ngực do trào ngược dạ dày
Để nhận biết tình trạng đau rát ngực có phải do trào ngược dạ dày, bạn có thể dựa vào những đặc điểm sau:
– Thời gian xuất hiện: Thường xảy ra sau bữa ăn lớn, ăn đồ chua, cay hoặc uống nhiều cà phê.
– Tính chất cơn đau: Đau âm ỉ, nóng rát hơn là cảm giác đau nhói.
– Tư thế tác động: Cơn đau tăng lên khi nằm ngửa, giảm khi ngồi thẳng.
– Kèm theo triệu chứng tiêu hóa: Như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn.
2.2 Đặc điểm của tình trạng bị đau rát ngực do bệnh tim mạch
Ngược lại, đau rát ngực do bệnh tim mạch, đặc biệt là cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim, có những đặc điểm khác biệt:
– Thời gian xuất hiện: Thường không liên quan đến bữa ăn, xuất hiện sau hoạt động gắng sức, căng thẳng hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.
– Tính chất cơn đau: Đau nhói, bóp nghẹt hoặc cảm giác nặng trĩu ở ngực.
– Vị trí lan tỏa: Cơn đau có thể lan ra cánh tay trái, hàm, cổ hoặc lưng.
– Triệu chứng kèm theo: Khó thở, đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, buồn nôn.
3. Làm thế nào để chẩn đoán & phân biệt chính xác?
3.1 Các phương pháp chẩn đoán trào ngược gây đau rát ngực
Đối với người nghi ngờ bị đau rát ngực do trào ngược dạ dày, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp sau:
Nội soi thực quản – dạ dày
Đây là phương pháp phổ biến để xác định nguyên nhân đau rát ngực liên quan đến trào ngược dạ dày. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống soi mềm có gắn camera để quan sát trực tiếp niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng. Kỹ thuật này giúp phát hiện:
– Tổn thương ở thực quản như viêm loét do axit dạ dày.
– Bằng chứng về trào ngược có tổn thương ở niêm mạc thực quản.
Đo pH thực quản
Phương pháp này đo nồng độ axit trong thực quản liên tục trong vòng 24 giờ, qua đó đánh giá tần suất và mức độ axit trào ngược. Bệnh nhân sẽ được đặt một ống nhỏ qua mũi xuống thực quản, kết nối với một thiết bị ghi dữ liệu.
Đây là phương pháp lý tưởng để xác định mức độ nghiêm trọng của trào ngược dạ dày. Đồng thời phân biệt được trào ngược và các bệnh lý gây triệu chứng lầm tưởng là trào ngược. Phát hiện được trào ngược mà không có tổn thương ở niêm mạc thực quản mà phương pháp nội soi không thể đánh giá được.
Đo áp lực cơ vòng thực quản
Bằng cách sử dụng thiết bị đo áp lực, bác sĩ có thể đánh giá chức năng của cơ vòng thực quản dưới. Khi cơ vòng này hoạt động kém, axit từ dạ dày sẽ dễ dàng trào ngược lên thực quản, gây đau rát ngực.
3.2 Các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh lý tim mạch cần thiết
Nếu nghi ngờ đau rát ngực liên quan đến bệnh tim mạch, các xét nghiệm sau thường được chỉ định:
– Điện tâm đồ (ECG): ECG là công cụ chẩn đoán nhanh chóng và hiệu quả để phát hiện nhồi máu cơ tim hoặc các rối loạn nhịp tim. Kết quả bất thường có thể giúp bác sĩ nhận biết ngay lập tức nguyên nhân gây đau ngực.
– Siêu âm tim: Là phương pháp giúp kiểm tra cấu trúc và chức năng của tim, phát hiện các vấn đề như bệnh van tim, suy tim hoặc hẹp động mạch.
– Xét nghiệm máu: Xét nghiệm đo các chỉ số tim mạch như Troponin, CK-MB hoặc Myoglobin giúp xác định tổn thương tế bào tim. Nếu các chỉ số này tăng cao, nguy cơ nhồi máu cơ tim là rất lớn.
– Chụp mạch vành: Đây là phương pháp hình ảnh chuyên sâu giúp kiểm tra mức độ tắc nghẽn hoặc tổn thương trong động mạch vành – nguyên nhân phổ biến gây đau ngực nghiêm trọng.
Triệu chứng bị đau rát ngực có thể do trào ngược dạ dày hoặc các bệnh lý tim mạch gây ra. Việc nhận biết và phân biệt rõ ràng giữa hai nguyên nhân này là rất quan trọng để có phương pháp xử lý phù hợp. Nếu bạn gặp phải tình trạng này thường xuyên, đừng chủ quan mà hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.