Theo thời gian, nhiều người bắt đầu cảm thấy các triệu chứng đau và cứng khớp. Đôi lúc, khớp cổ tay, đầu gối hoặc vai của người bệnh bị đau, cử động khó khăn, thậm chí có thể sưng lên. Nếu gặp phải tình trạng này, rất có thể bạn đã mắc bệnh viêm khớp gối.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viêm khớp gối
Khớp gối là nơi tiếp giáp của xương đùi, xương bánh chè và xương ống chân. Giữa các đầu xương có một lớp đệm sụn bao phủ. Phần sụn này là một mô trơn có bề mặt mịn, giúp các khớp cử động trơn tru. Tại phần sụn khớp này còn có mô hoạt dịch có vai trò sản sinh dung dịch bôi trơn khớp và cung cấp dưỡng chất cho sụn.
Viêm khớp gối là tình trạng xương sụn khớp bị mòn đi, trở nên thô ráp, thiếu chất bôi trơn. Khi đó, sụn khớp bị suy giảm chức năng hấp thụ các chấn động khiến các khớp xương sẽ cọ xát vào nhau chặt hơn, ma sát nhiều. Điều này khiến người bệnh có cảm giác đau ở các khớp xương, khó cử động. Vì đau khớp là dấu hiệu đặc trưng của bệnh nên nhiều người còn gọi bệnh viêm khớp là bệnh đau khớp gối.
Cùng với việc cử động khó khăn, người bệnh cũng có thể nghe thấy tiếng kêu ở phần khớp gối khi gập hoặc duỗi chân. Đôi khi phần khớp còn có cảm giác sưng tấy, ấn vào có cảm giác nóng sau khi mới ngủ dậy.
2. Các yếu tố gây bệnh đau khớp gối
Nhìn chung, bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp, nhưng bệnh phổ biến hơn với những người trong độ tuổi 60. Bên cạnh đó, có một số yếu tố khác có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh:
– Người lao động chân tay, thường xuyên phải khuân vác nặng, thường xuyên phải đứng lâu (trên 2 giờ/ngày) hoặc đi nhiều (>3km/ngày).
– Theo thống kê, nữ giới là đối tượng dễ mắc các bệnh xương khớp hơn nam giới.
– Người thừa cân và có lối sống ít vận động cũng rất dễ mắc bệnh viêm khớp gối. Nguyên nhân bởi khớp đầu gối và mắt cá chân phải chịu áp lực lớn do trọng lượng cơ thể gây ra.
– Yếu tố di truyền cũng được xem là một nguyên nhân không phổ biến nhưng cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.
– Người thường xuyên stress sẽ sinh ra hóa chất gây căng thẳng thần kinh, khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, ảnh hưởng cơ xương, gia tăng nguy cơ đau khớp, viêm khớp.
– Người là vận động viên thể thao, đặc biệt nếu đã từng trải qua chấn thương đầu gối sẽ dễ bị mắc bệnh đau khớp. Một số chấn thương đầu gối dễ gây bệnh viêm khớp bao gồm: rách hoặc đứt dây chằng chéo trước, vỡ xương, vỡ sụn khớp,…
3. Lưu ý khi điều trị bệnh viêm khớp
Nguyên tắc cơ bản của việc điều trị là tìm hiểu và xác định rõ nguyên nhân để điều trị triệt để. Tuy vậy, lão hóa là một quá trình tự nhiên của cơ thể, do đó việc điều trị bệnh viêm khớp vì tuổi tác chỉ mang tính chất làm nhẹ các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Với các nguyên nhân còn lại, tùy tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
3.1. Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp gối
– Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm: Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không cần chỉ định của bác sĩ để giảm đau hoặc làm giảm tình trạng sưng tấy. Tuy nhiên, việc này chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng nhất thời chứ không có tác dụng điều trị triệt để bệnh. Bên cạnh đó việc sử dụng thuốc không theo chỉ định có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, bạn nên thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp tại các cơ sở y tế để được điều trị phù hợp.
– Tiêm thuốc: Trong một số trường hợp tình trạng viêm sụn khớp nặng, khó điều trị bằng thuốc uống, bác sĩ có thể chỉ định tiêm một số loại thuốc chống viêm mạnh hoặc bổ sung các hoạt chất bôi trơn khớp gối.
– Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Khi khớp gối bị viêm, chúng ta cần tránh tạo áp lực lên khu vực này. Do đó, người bệnh có thể sử dụng nẹp gối để có thể hỗ trợ khớp gối trong quá trình điều trị.
– Vật lý trị liệu: Phương pháp này có thể giúp tăng cường cơ bắp và tăng tính linh hoạt trong khớp. Trị liệu sẽ giúp người bệnh giảm cảm giác đau, dễ dàng hơn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
– Phẫu thuật: Khi tình trạng bệnh diễn tiến nặng và các phương pháp khác không đem lại hiệu quả, phẫu thuật là một lựa chọn tốt để điều trị bệnh. Vì là một thủ thuật có xâm lấn nên người bệnh cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để thực hiện phẫu thuật khớp gối.
3.2. Chế độ sinh hoạt cho người bệnh viêm khớp gối
– Giảm cân ở mức ít nếu cần thiết. Việc giảm trọng lượng cơ thể sẽ làm giảm áp lực lên khớp gối, giúp giảm đau khớp gối.
– Tập thể dục: Nên tăng cường thực hiện các các bài tập cơ bắp xung quanh đầu gối nhằm giữ các khớp ổn định và giảm đau. Bài tập thể dục cũng sẽ giúp khớp gối linh hoạt, dẻo dai hơn.
– Thực hiện chế độ dinh dưỡng có lợi cho việc điều trị bệnh: Người mắc bệnh viêm khớp nên ăn cá, ngũ cốc, các loại rau xanh họ cải, các loại quả mạnh,… Gừng, tỏi, nghệ có tác dụng chống viêm rất tốt nên bạn cũng cần bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày.
– Duy trì tư thế đúng trong sinh hoạt và lao động, tránh việc lao động quá sức.
Khớp gối là cơ quan có vai trò quan trọng trong cơ thể, vừa nâng đỡ trọng lượng cơ thể vừa hỗ trợ quá trình vận động. Do đó, nếu có dấu hiệu viêm khớp, bạn cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời, tránh những hệ quả tiêu cực về sau.