Ợ chua là một trong những triệu chứng phổ biến khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề. Mặc dù không gây nguy hiểm ngay lập tức, ợ chua có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Vậy nguyên nhân đằng sau triệu chứng ợ chua là gì và cách chẩn đoán cũng như khắc phục ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Lý giải: Triệu chứng ợ chua là gì?
Ợ chua là cảm giác nóng rát xuất hiện ở ngực hoặc phần trên của bụng, thường lan lên cổ họng. Triệu chứng này đi kèm với vị đắng hoặc chua trong miệng do axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Mặc dù ợ chua có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tình trạng này thường phổ biến hơn ở người lớn và những người có lối sống thiếu khoa học.
2. Nguyên nhân đằng sau triệu chứng ợ chua
Có nhiều yếu tố gây ra ợ chua, từ các thói quen sinh hoạt không lành mạnh đến những bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa.
2.1. Triệu chứng ợ chua: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng ợ chua. Khi cơ vòng thực quản dưới (LES) bị suy yếu hoặc không đóng kín sau khi thức ăn xuống dạ dày, axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát, khó chịu và ợ chua.
2.2. Một số bệnh lý khác gây ra triệu chứng ợ chua
– Viêm dạ dày: Viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc tác động từ thức ăn khiến dạ dày tiết axit nhiều hơn, gây ra ợ chua.
– Loét dạ dày tá tràng: Khi lớp niêm mạc dạ dày bị ăn mòn, axit dễ trào lên thực quản.
– Viêm thực quản: Viêm nhiễm làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây đau và ợ chua.
– Thoát vị hoành: Một phần dạ dày trồi lên qua cơ hoành khiến axit dạ dày trào lên dễ dàng hơn.
– Suy cơ thắt thực quản dưới và rối loạn nhu động thực quản cũng gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và dẫn đến triệu chứng này.
2.3. Ăn quá no hoặc ăn quá nhanh
Khi bạn ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh, dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến tình trạng trào ngược axit, gây ợ chua.
Ngoài ra, thói quen ăn uống không khoa học, như ăn thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, socola, hoặc uống nhiều cà phê, rượu bia cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ợ chua. Những thực phẩm này kích thích dạ dày sản xuất nhiều axit, dẫn đến trào ngược.
Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến thừa cân hoặc béo phì, từ đó gây ra nguy cơ bị ợ chua cao hơn. Lý do là vì lớp mỡ quanh bụng tạo áp lực lên dạ dày, khiến axit dễ dàng bị đẩy lên thực quản.
2.4. Mang thai
Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn cuối thai kỳ, thường gặp triệu chứng ợ chua. Sự phát triển của thai nhi tạo áp lực lên dạ dày, đồng thời hormone progesterone tăng cao làm cơ vòng thực quản dưới giãn ra, gây ra trào ngược.
2.5. Sử dụng một số loại thuốc gây ra triệu chứng ợ chua
Các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần cũng có thể làm tăng nguy cơ ợ chua do tác dụng phụ làm suy yếu cơ vòng thực quản hoặc kích thích dạ dày tiết nhiều axit.
2.6. Căng thẳng
Tình trạng căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm giảm khả năng co bóp của dạ dày và khiến axit trào ngược lên thực quản.
3. Chẩn đoán triệu chứng ợ chua
Để xác định nguyên nhân gây ợ chua và loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng, người bệnh cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu. Trong đó, một số phương pháp phổ biến như nội soi tiêu hóa, đo pH thực quản 24h, đo áp lực nhu động thực quản (HRM),…
3.1. Nội soi dạ dày thực quản (đường tiêu hóa trên)
Nội soi tiêu hóa là phương pháp quan trọng và hiệu quả để kiểm tra tình trạng của dạ dày, thực quản và tá tràng. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi mềm, có gắn camera, đưa vào qua miệng để quan sát hình ảnh bên trong. Nội soi giúp phát hiện các dấu hiệu viêm loét, tổn thương hoặc ung thư ở dạ dày, thực quản.
3.2. Chẩn đoán triệu chứng ợ chua bằng đo pH thực quản 24h
Đo pH thực quản 24h là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất để xác định mức độ trào ngược axit. Phương pháp này sử dụng một ống nhỏ được đưa vào thực quản qua mũi, kết nối với một thiết bị theo dõi. Thiết bị sẽ ghi nhận độ pH của thực quản trong suốt 24 giờ, từ đó xác định tần suất và mức độ axit trào ngược. Đây là công cụ quan trọng giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của trào ngược và xác định phương pháp điều trị phù hợp.
3.3. Đo áp lực nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM)
Đo áp lực nhu động thực quản (HRM) là phương pháp dùng để đo áp lực và khả năng co bóp của cơ vòng thực quản. Thông qua đo HRM, bác sĩ có thể xác định chức năng của cơ vòng thực quản dưới, giúp đánh giá nguyên nhân gây trào ngược, từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
4. Lưu ý các cách điều trị chứng ợ chua hiệu quả
Có nhiều phương pháp để điều trị và giảm bớt trào ngược dạ dày và các nguyên nhân khác dẫn đến ợ chua như thay đổi lối sống cho đến sử dụng thuốc và can thiệp y khoa.
4.1. Thay đổi và duy trì lâu dài chế độ ăn uống và sinh hoạt
– Ăn uống khoa học và lành mạnh hơn: Hạn chế các thực phẩm có thể kích thích sản xuất axit dạ dày như cà phê, rượu, đồ cay nóng, và thức ăn chứa nhiều dầu mỡ.
– Bác sĩ thường khuyến nghị ăn ít nhưng chia nhỏ bữa: Thay vì ăn no trong một lần, hãy chia nhỏ bữa ăn để dạ dày không bị quá tải.
– Ngoài ra, bạn không nằm ngay sau khi ăn: Nằm ngay sau khi ăn khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản, bởi vậy hãy chờ ít nhất 2-3 giờ sau bữa ăn.
– Nên tăng cường vận động: Tập luyện thể thao và duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm áp lực lên dạ dày, hạn chế trào ngược.
4.2. Uống thuốc
Thuốc điều trị ợ chua bao gồm thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc kháng histamin H2. Những loại thuốc này giúp giảm sản xuất axit và giảm triệu chứng ợ chua hiệu quả. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc mà cần đi thăm khám, tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ, đặc biệt không nên tự ý điều trị tại nhà.
Trong một số trường hợp không thể điều trị bằng thuốc một cách hiệu quả, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cân nhắc làm một số phẫu thuật để điều trị.
Nếu ợ chua xuất hiện với tần suất thấp và nguyên nhân do thói quen ăn uống, sinh hoạt thì cách tốt nhất là nên điều chỉnh thói quen của mình. Tuy nhiên nếu tình trạng ợ chua xuất hiện nhiều lần gây khó chịu, bạn cần đi thăm khám để được chẩn đoán đúng bệnh và có phương án điều trị triệu chứng ợ chua kịp thời.