Chẩn đoán xác định ung thư cổ tử cung là một bước quan trọng trong xây dựng phác đồ điều trị bệnh. Có nhiều phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bệnh trong đó có xét nghiệm ung thư cổ tử cung.
Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu cảnh báo cần kiểm tra ung thư cổ tử cung
Thông thường ung thư cổ tử cung sẽ không gây ra những triệu chứng điển hình khi ở giai đoạn sớm. Người bệnh chủ yếu nhận thấy sự thay đổi bất thường của cơ thể khi khối u phát triển kích thước lớn và đã có tác động đến những cơ quan lân cận. Tuy nhiên cũng không nên bỏ qua những dấu hiệu bất thường là tín hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung, bao gồm:
– Xuất huyết âm đạo bất thường: Ra máu sau quan hệ tình dục, chảy máu âm đạo sau mãn kinh, kinh nguyệt dài hơn bình thường, kinh nguyệt không ổn định có hiện tượng rong kinh…
– Khí hư âm đạo bất thường gồm mùi khó chịu, màu vàng, dịch nhầy có máu
– Đau vùng chậu, đau tức vùng bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục.
Để xác định chính xác bản thân mắc ung thư cổ tử cung hay các bệnh lý phụ khoa khác, người bệnh cần nhanh chóng đi thăm khám để xác định chính xác tình trạng, từ đó có phương hướng điều trị kịp thời. Thăm khám và phát hiện bệnh trong giai đoạn càng sớm người bệnh sẽ càng gia tăng cơ hội điều trị an toàn, hiệu quả.
2. Chi tiết các phương pháp chẩn đoán ung thư cổ tử cung
2.1 Thăm khám lâm sàng
Trước khi thực hiện các xét nghiệm ung thư cổ tử cung để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng để khai thác các thông tin của người bệnh. Người bệnh cung cấp các thông tin về triệu chứng, tình trạng sức khỏe, sau đó bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra âm đạo bằng mỏ vịt. Quá trình kiểm tra nếu có những bất thường sẽ chỉ định những xét nghiệm ung thư cổ tử cung chuyên sâu.
2.2 Chẩn đoán bằng xét nghiệm ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm phết tế bào ung thư cổ tử cung – Pap Smear
Một trong những phương pháp xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán bệnh lý ung thư cổ tử cung là xét nghiệm tế bào học Pap Smear. Xét nghiệm này giúp phát hiện những tổn thương tiền ung thư, được sử dụng trong sàng lọc ung phát hiện sớm ung thư.
Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung và xét nghiệm phân tích tìm tế bào bất thường. Nếu kết quả xét nghiệm có bất thường, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán chính xác ung thư cổ tử cung (giai đoạn, mức độ xâm lấn, kích thước khối u, mức độ biệt hóa…)
Xét nghiệm Thinprep
Là một dạng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung nhưng được cải tiến hơn so với xét nghiệm Pap Smear. Với phương pháp này, mẫu tế bào sau khi được thu thập bằng chổi tế bào chuyên dụng, sau đó sẽ được cho vào một lọ dung dịch chất lỏng, và chuyển đến phòng thí nghiệm để thực hiện phân tích và chẩn đoán.
Xét nghiệm HPV
HPV test là một xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung tân tiến, cho phép phát hiện DNA của virus HPV sớm, đặc biệt phát hiện nhanh chóng 2 chủng virus HPV 16 và 18 – Chủng virus nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.
HPV test cũng cần lấy mẫu tế bào trực tiếp tại cổ tử cung. Bác sĩ sẽ lấy mẫu bằng cách sử dụng que chuyên dụng quấn bông gòn đưa vào cổ tử cung qua âm đạo. Phương pháp này sẽ không chẩn đoán khẳng định chị em phụ nữ có mắc ung thư cổ tử cung hay không mà được sử dụng để phát hiện virus gây bệnh đang tồn tại. Chính vì vậy, xét nghiệm HPV DNA thường được thực hiện đồng thời cùng xét nghiệm Pap Smear hoặc Thinprep.
2.3 Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán ung thư cổ tử cung khác
Soi cổ tử cung
Khi kết quả các xét nghiệm trên cho thấy có tế bào bất thường, HPV dương tính thì soi tử cung sẽ được chỉ định sử dụng. Mục đích là để kiểm tra những bất thường này thông qua quá trình sử dụng một camera có gắn đèn ở đầu ống soi để quan sát được tổng quan bên trong âm đạo và cổ tử cung
Sinh thiết tế bào cổ tử cung
Sinh thiết là một phương pháp lấy mẫu mô nhỏ ở cổ tử cung để kiểm tra, phân tích, phát hiện các tế bào ung thư. Quá trình sinh thiết thường được làm ở nhiều vị trí của cổ tử cung. Người bệnh có thể được sinh thiết ung thư cổ tử cung bằng cách: Nội soi sinh thiết tế bào cổ tử cung, sinh thiết chóp cổ tử cung, nạo nội mạc cổ tử cung. Kết quả thu được từ sinh thiết có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và quyết định phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung.
Chẩn đoán hình ảnh
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh được thực hiện để xác định cụ thể mức độ di căn của tế bào ung thư, kích thước các khối u giúp cho việc lên kế hoạch điều trị gồm có:
– Chụp CT: Nhằm mục đích đánh giá mức độ lan rộng của tế bào ung thư cổ tử cung.
– Chụp MRI: Giúp đánh giá tình trạng các mô mềm tốt hơn các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
– Chụp X-quang ngực: Kiểm tra ung thư cổ tử cung đã di căn đến phổi hay chưa.
– Chụp PET, chụp PET/CT: Kiểm tra, xác định tình trạng di căn của ung thư cổ tử cung
3. Cách giúp phát hiện ung thư cổ tử cung sớm
Ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện trong giai đoạn tiền ung thư, giai đoạn đầu thì người bệnh có cơ hội được loại bỏ tế bào ác tính triệt để, có kết quả điều trị tốt, tỷ lệ sống cao. Vậy nên cách tốt nhất là chị em phụ nữ nên thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường. Trong đó xét nghiệm ung thư cổ tử cung là một phương pháp sàng lọc bệnh hiệu quả, mang đến giá trị cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, chị em phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung ngay từ khi còn trẻ bởi bệnh lý ác tính này đang ngày càng trẻ hóa.
– Tất cả chị em phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản cần chủ động tầm soát, thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung.
– Nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 21 tuổi trở lên khi đã có quan hệ tình dục.