Viêm cột sống dính khớp là gì, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh, … sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp viêm cột sống dính khớp là gì?
Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm mạn tính, đặc trưng của bệnh là sự vôi hóa cột sống, theo thời gian gây dính khớp, cột sống mất khả năng di động và có thể gây ra tư thế bất thường (người gập về phía trước). Trong trường hợp bệnh tác động tới xương sườn có thể khiến bệnh nhân khó thở.
Tỷ lệ viêm cột sống dính khớp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Những năm đầu sau sau tuổi thành niên thường là thời điểm bệnh khởi phát. Bên cạnh xương, tình trạng viêm có thể xuất hiện ở các bộ phận khác, hay gặp nhất là ở mắt.
2. Triệu chứng của viêm cột sống dính khớp cần lưu ý
Triệu chứng thường gặp khi bị viêm cột sống dính khớp bao gồm:
– Đau, cứng ở khu vực hông và lưng dưới (nhất là khi mới ngủ dậy, sau thời gian dài không vận động).
– Đi kèm dấu hiệu đau cổ, mệt mỏi.
– Một số trường hợp đau đến mức mất ngủ.
Viêm cột sống dính khớp gây tác động nhiều nhất ở các khu vực sau:
– Vùng thấp của cột sống
– Điểm bám của các gân và dây chằng vào xương, chủ yếu ở phần xương cột sống
– Phần sụn kết nối giữa xương ức và các xương sườn
– Các khớp vùng hông, vùng vai
Ngoài ra, bệnh còn có những biểu hiện ở các bộ phận ngoài xương, chẳng hạn như:
– Xuất hiện dấu hiệu mắt bị đỏ, đau mỏi mắt
– Nhạy cảm với ánh sáng một cách nghiêm trọng
– Nhìn mờ
Ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần lập tức đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, ngăn bệnh tiến triển nặng.
3. Giải đáp: Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp bằng cách nào?
3.1. Thăm khám lâm sàng
Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán là khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện:
– Kiểm tra khả năng vận động của cột sống theo nhiều hướng khác nhau
– Xác định các vị trí đau bằng cách ấn tay, di chuyển chi dưới theo các hướng, vị trí khác nhau.
– Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện thở sâu để kiểm tra khả năng di động của lồng ngực.
3.2. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh
Giai đoạn sớm của viêm cột sống dính khớp có thể không biểu hiện rõ ràng trên phim chụp X-quang. Tuy nhiên, đây vẫn là kỹ thuật được sử dụng phổ biến để kiểm tra, nhận biết dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi các khớp, xương.
Chụp cộng hưởng từ MRI: đây là kỹ thuật đem lại hình ảnh xương và phần mềm chi tiết hơn, giúp tìm ra dấu hiệu của bệnh sớm hơn.
3.3. Một số xét nghiệm khác
Viêm cột sống dính khớp hiện chưa có xét nghiệm đặc hiệu để phát hiện. Xét nghiệm máu cho phép phát hiện tình trạng viêm tuy nhiên không thể xác định nguyên nhân gây ra.
Xét nghiệm di truyền cung cấp thông tin người bệnh có mang gen HLA-B27 hay không. Tuy nhiên trên thực tế đa số người mang gen này không xuất hiện bệnh và dù không mang gen vẫn có thể mắc bệnh. Do đó, việc xét nghiệm di truyền chỉ mang tính đóng góp vào việc chẩn đoán tình trạng viêm cột sống dính khớp.
4. Phương pháp điều trị
4.1. Mục tiêu điều trị viêm cột sống dính khớp là gì?
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh viêm cột sống dính khớp. Mục tiêu điều trị tập trung vào các mục tiêu sau:
– Giảm đau, chống viêm, giúp người bệnh dễ chịu hơn
– Ngăn ngừa cứng khớp, đặc biệt cứng khớp ở tư thế bất thường
– Khắc phục tình trạng dính khớp nếu đã xảy ra, giảm thiểu nguy cơ tàn phế
– Cải thiện khả năng vận động, đi lại, tăng sự linh hoạt cho xương
4.2. Các phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp là gì?
Sau khi thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Điều trị không dùng thuốc
Vận động đều đặn là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị với căn bệnh viêm hệ thống này. Chế độ tập luyện phù hợp sẽ giúp cải thiện triệu chứng sưng đau, cứng khớp và cột sống đồng thời hỗ trợ duy trì tính linh hoạt của khớp. Bên cạnh đó, còn nâng cao sức khỏe tinh thần cho người bệnh, từ đó kết quả điều trị khả quan hơn.
Những bài tập phù hợp với người bệnh viêm cột sống dính khớp phổ biến có thể kể đến bao gồm:
– Một số bài tập yoga (tư thế con mèo, con bò, cây cầu)
– Các bài tập kéo giãn, co duỗi cơ
– Thể dục nhịp điệu
– Đạp xe
– Bơi
– Đi bộ
Bệnh nhân có thể tự tập tại nhà hoặc đến các trung tâm để nhận được sự giúp đỡ từ chuyên gia vật lý trị liệu, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm. Các chuyên gia sẽ tư vấn động tác, tư thế và cường độ luyện tập hợp lý, giúp bệnh thuyên giảm.
Một số lưu ý cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp như sau:
– Tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc tập luyện, bộ môn trước khi bắt đầu.
– Nên bắt đầu tập nhẹ nhàng, cường độ thấp sau đó tăng dần thời gian để cơ thể thích nghi.
– Cố gắng tập thể dục đều đặn, kiên trì đúng với kế hoạch.
– Lập tức ngưng tập luyện khi có dấu hiệu đau nhức bất thường ở vùng lưng, thắt lưng.
– Báo với bác sĩ điều trị nếu cơn đau nghiêm trọng xuất hiện.
Điều trị bằng thuốc
Tùy theo từng trường hợp viêm mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp. Nhìn chung, một số loại thuốc phổ biến trong điều trị căn bệnh này là:
– Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) như meloxicam, etoricoxib, celecoxib…
Nhóm thuốc này đem lại hiệu quả trong việc giảm đau, cải thiện chứng cứng khớp và đốt sống do viêm. Tuy nhiên, cần uống đúng liều lượng trong đơn vì thuốc có thể gây tác dụng phụ lên dạ dày, tim mạch và thận.
– Thuốc corticosteroids dạng tiêm tại chỗ, chủ yếu dành cho các trường hợp sau:
Viêm điểm bám gân
Viêm khớp ngoại biên
– Nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) có thể kể đến sulfasalazine, methotrexate… thường dành cho người bệnh có triệu chứng viêm khớp ngoại biên.
– Thuốc sinh học (chế phẩm sinh học) gồm hai loại chính sau đây:
Thuốc kháng TNFα dành cho các thể bệnh hoạt động dai dẳng, có thể kết hợp với thuốc đường uống
Thuốc ức chế Interleukin – 17 dùng ở dạng tiêm
Nguyên nhân gây bệnh viêm cột sống dính khớp vẫn là một ẩn số nên không có cách nào ngăn ngừa bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn uống lành mạnh sẽ giúp trì hoãn bệnh tiến triển, đồng thời phòng ngừa nhiều bệnh xương khớp khác.