Trẻ viêm tiểu phế quản cấp có phải nhập viện điều trị không? Đáp án phụ thuộc vào tình trạng mắc bệnh nhẹ hay nặng của bé. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp chi tiết thắc mắc trên, đồng thời cung cấp tới bố mẹ nhiều thông tin hữu ích về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm tiểu phế quản phổ biến hơn ở trẻ dưới 2 tuổi
Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ là tình trạng các phế quản của bé có kích thước dưới 2mm (tiểu phế quản) bị viêm nhiễm cấp tính, do virus gây ra. Trẻ em có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với virus trong không khí hoặc thông qua giọt bắn của người bệnh lúc ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể trẻ, virus sẽ tấn công các phế quản, dẫn đến tình trạng phù nề, thoái hóa và hoại tử tế bào niêm mạc phế quản. Đồng thời, virus cũng làm tăng tiết dịch và độ nhầy trong các tiểu phế quản, gây tắc nghẽn ống thở và gây khó thở cho trẻ.
Bệnh viêm tiểu phế quản thường xảy ra phổ biến hơn ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là các bé từ 3 – 6 tháng tuổi. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây tổn thương sâu cho một số vùng phế quản, gây ra các cơn co thắt và tắc nghẽn trong tiểu phế quản. Tình trạng nặng hơn có thể dẫn đến xẹp phổi, ứ khí phế nang hoặc thậm chí tử vong.
Do đó, nếu nhà có trẻ xuất hiện các triệu chứng viêm tiểu phế quản, bố mẹ đừng chủ quan mà hãy đưa con đi khám bác sĩ sớm để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
2. Các triệu chứng trẻ mắc viêm tiểu phế quản thường gặp
Khi mới bị viêm tiểu phế quản, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng gồm sổ mũi, ho nhẹ và có thể sốt. Các triệu chứng này khá giống với triệu chứng của bệnh cảm lạnh. Do đó, các bố mẹ dễ bị nhầm lẫn con chỉ là bị cảm lạnh nên dễ chủ quan trong điều trị.
Từ ngày thứ ba, trẻ viêm tiểu phế quản xuất hiện nhiều triệu chứng hơn với mức độ cũng nặng hơn:
– Ho nhiều, ho dữ dội, thậm chí ho xong còn có thể kèm theo nôn mửa;
– Trẻ sốt cao kéo dài, có thể là hơn 3 ngày;
– Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, cổ và ngực biểu hiện “hút vào” khá rõ mỗi khi trẻ hít thở;
– Trẻ thở khò khè, khó thở hoặc thở nhanh hơn bình thường;
– Trẻ có biểu hiện mất nước, môi khô, da kém hơn bình thường.
Ngoài ra, một số trẻ viêm tiểu phế quản có thể còn xuất hiện tình trạng môi và đầu ngón tay hơi có màu xanh hay bị tiêu chảy.
3. Trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp khi nào phải nhập viện điều trị?
Ở mức độ mắc bệnh nhẹ, trẻ viêm tiểu phế quản sau khám bệnh sẽ được bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp và cho điều trị nội trú tại nhà. Với trường hợp này, bố mẹ cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và chăm sóc bé đúng cách để con mau khỏi bệnh:
Dưới đây là những điểm cần lưu ý:
– Đảm bảo cho trẻ uống thuốc đúng liều và đúng thời gian được bác sĩ chỉ định.
– Rửa sạch mũi và miệng của trẻ bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch đường hô hấp, giảm tắc nghẽn và giúp bé thở dễ dàng hơn.
– Đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng hay cho bé bú đủ như bình thường để hỗ trợ sức đề kháng và giúp bé phục hồi nhanh chóng.
– Đảm bảo trẻ uống đủ nước để tránh tình trạng mất nước và giữ cho cơ thể trẻ luôn được cân bằng.
– Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và tuân thủ lịch tái khám được đề xuất bởi bác sĩ.
– Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi bé xuất hiện dấu hiệu bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Ở mức độ nặng hơn hoặc nằm trong nhóm trẻ nguy hiểm khi mắc bệnh, bé viêm tiểu phế quản sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị nội trú tại viện.
4. Phác đồ điều trị cho bé mắc viêm tiểu phế quản
Hiện nay, bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do đó, phương pháp điều trị bệnh cho bé chủ yếu là điều trị triệu chứng bé gặp phải. Hầu hết bé mắc viêm tiểu phế quản đều sẽ được điều trị theo nguyên tắc sau:
– Điều trị các triệu chứng mà bé mắc viêm tiểu phế quản gặp phải;
– Điều trị ngăn chặn các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra;
– Bù nước và điện giải cho bé;
– Cung cấp oxy và cần hỗ trợ hô hấp kịp thời cho trẻ khi cần.
Ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị ngoại trú cho bé và hướng dẫn bố mẹ cách chăm sóc con tại nhà tốt nhất. Các trường hợp nặng hơn, trẻ viêm tiểu phế quản sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị theo phương pháp sau:
4.1. Điều trị hỗ trợ bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ
Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị các vấn đề về hô hấp, bổ sung dinh dưỡng và bù nước, điện giải cho bé. Mục đích để làm giảm dần các triệu chứng bé đang gặp phải và duy trì thể trạng của bé ở mức tốt nhất, giúp bé mau hồi phục.
Đối với các vấn đề về hô hấp, bé sẽ được hút đờm để cho đường thở thông thoáng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bé sẽ được chỉ định cho thở oxy nếu cần, CPAP (thở áp lực dương liên tục) hay thở máy. Bé cũng có thể được dùng thuốc giãn phế quản nếu cần thiết.
Đối với vấn đề bổ sung dinh dưỡng và bù điện giải, các bác sĩ cũng sẽ chỉ định điều trị cụ thể với từng trường hợp:
– Nếu bé đang bú sữa mẹ hoàn toàn, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ cần tăng cữ bú và giảm lượng bú mỗi lần cho bé ti. Khi trẻ có triệu chứng thở nhanh, mẹ cần cho bé bú thật cẩn thận để con không bị sặc.
– Nếu trẻ không thể tự cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định đặt ống thông dạ dày cho bé, gavage sữa chậm hoặc dinh dưỡng tĩnh mạch một phần cho trẻ.
– Nếu trẻ ói liên tục, nhịp thở bị tăng cao 70 – 80 lần/phút, SpO2 hạ dưới 90% ngay cả bé khi được thở oxy, khả năng kết hợp các cử động mút-nuốt-thở bị giảm, bác sĩ sẽ chỉ định nuôi ăn qua sonde dạ dày.
– Nếu bé bị mất nước, suy hô hấp nghiêm trọng hay không thể bổ sung đủ chất dinh dưỡng bằng cách nuôi ăn qua đường tiêu hóa, thì bác sĩ sẽ chỉ định nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
4.2. Điều trị biến chứng bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ
Trẻ viêm tiểu phế quản cấp nếu xuất hiện các biến chứng như nhiễm trùng hay có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ sẽ sớm cho điều trị biến chứng. Mục đích để ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra với bé.
4.3. Theo dõi trẻ viêm tiểu phế quản trong suốt thời gian điều trị
Để mang lại hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, trong suốt thời gian điều trị bệnh, dù nội trú hay ngoại trú, bé viêm tiểu phế quản cần được người chăm sóc theo dõi chặt chẽ. Bất cứ khi nào bé có dấu hiệu bất thường, bố mẹ cần phải báo ngay cho bác sĩ để con được hỗ trợ kịp thời.
Như vậy, trẻ khi mắc viêm tiểu phế quản cần được đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có phác đồ điều trị phù hợp, hạn chế nguy cơ bệnh tăng nặng. Nếu nhà có con nhỏ xuất hiện các triệu chứng nghi mắc viêm tiểu phế quản cấp, bố mẹ đừng chủ quan mà hãy cho bé tới Thu Cúc TCI cơ sở gần nhất để được bác sĩ giỏi khám và hỗ trợ điều trị nhé.