Ung thư phổi được phân loại thành hai thể là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi dạng không tế bào nhỏ chiếm tỷ lệ bệnh nhân mắc cao hơn trong số hai loại bệnh ung thư phổi. Cùng tìm hiểu đặc điểm của loại bệnh này và phương hướng điều trị trong bài viết dưới đây..
Menu xem nhanh:
1. Đặc điểm của
1.1 Ung thư phổi dạng không tế bào nhỏ là gì?
Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) là một dạng của ung thư phổi chiếm đến 85% các trường hợp bệnh nhân mắc, trong đó dạng ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số các ca bệnh.
Sự xuất hiện của loại ung thư này xuất phát từ các tế bào khỏe mạnh phát triển ngoài tầm kiểm soát hình thành nên một khối u ở bất kỳ vị trí nào trong phổi. Khối u này có chứa các tế bào ác tính xâm lấn và phát triển đến các hạch bạch huyết, cơ quan lân cận và cơ quan xa của cơ thể. Ung thư phổi tế bào không nhỏ có thể xuất phát từ các biểu mô tế bào vảy tại phổi, hoặc từ các tế bào tuyến hoặc ở các tế bào khác với hai loại trên.
Căn bệnh ác tính này có thể xảy ra nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như là: Hút thuốc lá trong thời gian dài và số lượng nhiều, hút cần sa, sử dụng thuốc lá điện tử, tiếp xúc với amiăng, phơi nhiễm với radon, làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, sống trong môi trường ô nhiễm không khí…
1.2 Đặc tính riêng của bệnh
Là dạng bệnh ít ác tính hơn so với dạng ung thư phổi tế bào nhỏ. Hầu hết người bệnh được chẩn đoán khi khối u phát triển chiếm không gian của phổi, bắt đầu gây ra các vấn đề với bộ phận của cơ thể.
Ung thư phổi thể không tế bào nhỏ có thể di căn đến bất cứ cơ quan nào, vị trí phổ biến nhất là đến các hạch bạch huyết, các bộ phận khác ngoài phổi là xương, não, gan, tuyến thượng thận.
2. Giai đoạn phát triển của ung thư phổi dạng không tế bào nhỏ
Khác với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ diễn biến qua 2 giai đoạn khu trú và lan tràn, thì ở ung thư phổi dạng không tế bào nhỏ diễn biến qua 5 giai đoạn cụ thể như sau:
– Giai đoạn 0: Ung thư tiến triển tại chỗ, khối u chưa xâm lấn sang các mô lân cận và lan tràn ra ngoài phổi.
– Giai đoạn 1: Có 1 khối u kích thước nhỏ chưa lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào. Thời điểm này bác sĩ dễ dàng loại bỏ hoàn toàn khối u ra khỏi phổi. Giai đoạn này được chia thành 2 thời kỳ diễn biến tùy theo kích thước của khối u là:
Giai đoạn 1A có kích thước khối u nhỏ hơn 3cm
Giai đoạn 1B có kích thước khối u lớn hơn 3cm nhưng nhỏ hơn 4cm.
– Giai đoạn 2: Được chia thành hai giai đoạn tiến triển nhỏ là:
Giai đoạn 2A với khối u kích thước lớn hơn 4cm nhưng nhỏ hơn 5cm và đồng thời chưa lan đến các hạch bạch huyết gần đó.
Giai đoạn 2B có khối u kích thước từ 5cm trở xuống, các hạch bạch huyết lân cận đã có sự xuất hiện của tế bào ác tính. Hoặc người bệnh có khối u kích thước lớn hơn 5cm nhưng chưa có sự xuất hiện của tế bào ác tính tại các hạch bạch huyết lân cận.
– Giai đoạn 3: Bệnh K phổi tế bào không nhỏ thường sẽ có một hoặc các đặc điểm sau:
Khối u kích thước lớn hơn 7cm
Khối u ác tính gia tăng kích thước xâm lấn đến các cấu trúc gần phổi như tim, khí quản, thực quản…
Phát hiện một hoặc nhiều khối u nằm không cùng bên với thùy phổi nhưng chưa di căn đến bên phổi đối diện.
Xuất hiện di căn hạch trung thất cùng bên phổi hoặc di căn đến hạch trung thất đối bên phổi, hạch trên đòn…
Ở giai đoạn này bệnh được phân chia thành 3 giai đoạn chi tiết hơn dựa theo sự phát triển và xâm lấn của khối ung thư phổi không tế bào nhỏ, tình trạng hạch di căn vùng.
– Giai đoạn 4: Là thời điểm ung thư phổi đã lan đến hơn 1 vị trí trong phổi, thậm chí là các chất lỏng bao quanh phổi, tim, hoặc các cơ quan xa trên cơ thể như não, xương, gan, tuyến thượng thận…
3. Phương hướng điều trị ung thư phổi đạt hiệu quả
3.1 Phương pháp điều trị ung thư phổi dạng không tế bào nhỏ
Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào cho người bệnh phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe, các bệnh lý nền, tuổi tác… Mục tiêu của điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ cũng sẽ khác nhau. Bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định điều trị triệt căn nhằm mục đích điều trị triệt để bệnh hoặc điều trị mang tính giảm nhẹ, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Với phác đồ điều trị cá thể hóa theo từng tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp điều trị theo từng thời điểm thích hợp để đạt kết quả tốt. Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc dạng ung thư phổi này có thể là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị miễn dịch.
3.2 Lời khuyên trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả
Và để đạt được kết quả tích cực bệnh nhân nên tuân thủ chặt chẽ và theo sát phác đồ điều trị đã lên kế hoạch trước đó. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý:
– Chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, cố gắng ăn nhiều nhất có thể để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và tế bào bình thường khỏe mạnh tránh khỏi sự tấn công của tế bào ác tính.
– Nghỉ ngơi đầy đủ, không nên quá lo lắng, căng thẳng, nên vận động nhẹ nhàng hàng ngày, trò chuyện tâm sự để bớt đi những lo âu không đáng có.
– Tham vấn bác sĩ sử dụng thuốc hỗ trợ theo chỉ định để tăng cường sức khỏe, giảm tác dụng phụ…
– Theo dõi sức khỏe thường xuyên, thông báo ngay cho bác sĩ nếu có những triệu chứng bất thường để được xử lý kịp thời, tránh làm gián đoạn quá trình điều trị bệnh.