Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng viêm nhiễm bên trong khớp do vi khuẩn gây ra. Đây là bệnh lý phổ biến ở trẻ sơ sinh và người cao tuổi. Nếu không được điều trị sớm, bệnh gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm khuẩn huyết, dính khớp, viêm xương, thoái hóa khớp.
Menu xem nhanh:
1. Lý giải bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?
Viêm khớp nhiễm khuẩn còn được gọi là nhiễm trùng khớp hay viêm khớp nhiễm trùng. Đây là tình trạng vi khuẩn xâm nhập nội khớp gây ra tình trạng nhiễm trùng, khiến người bệnh sưng đau khớp. Viêm khớp nhiễm khuẩn ít khi xuất hiện ở nhiều khớp cùng một lúc.
Nguyên nhân gây bệnh cũng có thể do vi trùng di chuyển qua dòng máu từ một bộ phận khác trong cơ thể. Bên cạnh đó một chấn thương xuyên khớp mang vi trùng trực tiếp đi vào khớp cũng có thể gây ra bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn.
Các khớp thường bị nhiễm trùng bao gồm:
– Khớp gối
– Khớp hông
– Khớp cổ tay
– Khuỷu tay
– Khớp vai
– Khớp mắt cá chân
Phương pháp điều trị hiện nay sẽ là điều trị bằng thuốc, rút dịch khớp hoặc phẫu thuật. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng làm hủy hoại khớp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thay khớp.
2. Triệu chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn cần biết
Ban đầu, bệnh nhân có cảm giác đau nhức, khó khăn trong cử động các khớp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu cụ thể của bệnh là:
– Sốt
– Cảm thấy đau nhói ở các khớp bị viêm đặc biệt là khi phải cử động khớp.
– Các khớp viêm sẽ sưng đỏ lên.
– Các vị trí khớp bị viêm khi chạm vào cảm nhận rõ sự ấm, nóng.
– Chán ăn, bỏ ăn, mệt mỏi
– Tim đập nhanh bất thường
Những khớp thường bị nhiễm khuẩn theo từng đối tượng:
– Người trường thành: các khớp tay, chân đặc biệt là đầu gối dễ bị ảnh hưởng.
– Trẻ em: phần lớn khớp hông dễ bị ảnh hưởng.
– Một số ít trường hợp xuất hiện tình trạng khớp nhiễm khuẩn ở cổ, lưng, đầu.
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm khớp nhiễm khuẩn
3.1. Nguyên nhân của bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn gồm những gì?
– Nguyên nhân do nhiễm trùng, vi khuẩn, virus và nấm. Nhiễm vi khuẩn với Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) là nguyên nhân phổ biến của bệnh. Staphylococcus thường sinh sống trên làn da khỏe mạnh.
– Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể hình thành phát triển khi cơ thể bị nhiễm trùng. Có thể là nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu, lây lan qua máu rồi di chuyển đến khớp. Một số trường hợp do vết thương đâm thủng, tiêm thuốc hoặc phẫu thuật tại khớp hoặc các vị trí gần khớp khiến vi trùng xâm nhập vào bên trong khớp.
– Màng hoạt dịch khớp hoạt động kém hiệu quả trong việc tự bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng. Vì thế mà vi khuẩn đến các màng hoạt dịch, xâm nhập dễ dàng và bắt đầu phá hủy sụn. Cơ thể phản ứng với vi khuẩn, tăng áp lực quanh khớp, trong khớp và giảm lưu lượng máu đến các khớp góp phần vào những hao tổn của khớp.
Bệnh có thể do thay đổi bất thường ở khớp bao gồm:
– Bị chấn thương
– Mắc các dạng viêm khớp khác
– Mắc các bệnh tiểu đường, bệnh thận, ung thư và ảnh hưởng của các loại thuốc đặc trị nhóm bệnh đó
– Cấy ghép khớp nhân tạo
3.2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn
– Các bệnh mãn tính và một số tình trạng ảnh hưởng đến khớp
Ví dụ như viêm xương khớp, bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, lupus. Khớp nhân tạo, phẫu thuật khớp trước đó hoặc chấn thương khớp cũng là tình trạng làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng.
– Ảnh hưởng của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Những người đang uống thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh vì các nhóm thuốc đó có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, gây nhiễm trùng. Việc chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường khó khăn vì có nhiều triệu chứng tương đồng.
– Da mỏng
Những người có làn da mỏng, thiếu sức sống dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Các vấn đề về da như bệnh vẩy nến, bệnh chàm làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng và các vết thương ngoài da bị nhiễm trùng. Những người thường xuyên phải tiêm thuốc cũng có nguy cơ nhiễm trùng cao ở các vị trí tiêm.
– Hệ thống miễn dịch yếu
Người có hệ thống miễn dịch yếu cũng có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng cao. Tương tự với những người đang mắc bệnh tiểu đường, các vấn đề về thận và gan, người đang sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
– Chấn thương khớp
Các vết như vết cắn của động vật, vết thương xuyên khớp hay vết cắt qua khớp cũng làm tăng nguy cơ khiến bạn bị viêm khớp nhiễm trùng.
4. Lưu ý khi điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn
Có thể thấy rằng, viêm khớp nhiễm khuẩn là bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Vì thế, việc điều trị sớm, phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thói quen sinh hoạt khoa học cũng vô cùng quan trọng.
4.1. Giữ cân nặng ở mức phù hợp
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân gián tiếp gây nên bệnh. Hơn nữa, béo phì cũng là yếu tố tác động khiến bệnh tiến triển nhanh, cản trở quá trình điều trị và hồi phục. Vì thế nếu đang thừa cân, hãy có kế hoạch giảm cân khoa học để hạn chế áp lực lên xương khớp.
4.2. Tập luyện phù hợp
Nhiều người thường nghĩ khi mắc bệnh xương khớp thì không nên tập luyện vì sẽ khiến tình trạng đau nhức nặng nề hơn. Trên thực tế, việc tập luyện phù hợp sẽ cải thiện triệu chứng đau mỏi và giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Lưu ý, nên chọn các bài tập phù hợp, vừa sức. Tập nặng sẽ làm tình trạng bệnh tệ hơn. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ điều trị để có chế độ tập hợp lý. Một số bài tập phù hợp với người bệnh xương khớp là: yoga, đi bộ, tập dưỡng sinh, …
4.3. Giữ tinh thần vui vẻ
Dù điều trị bệnh gì thì tinh thần cũng rất quan trọng. Viêm khớp nhiễm khuẩn gây ra nhiều đau đớn, mệt mỏi. Do đó, người bệnh hãy chuẩn bị tinh thần lạc quan, vui vẻ để có kết quả khả quan. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chăm sóc của người thân cũng vô cùng quan trọng.
Có thể thấy rằng, viêm khớp nhiễm khuẩn là bệnh lý dễ gặp với người có sức đề kháng yếu, người già và trẻ nhỏ. Bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc của người bệnh. Ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng cảnh báo, cần đến chuyên khoa Cơ xương khớp để được thăm khám và điều trị kịp thời.