Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào tuyến giáp, và đây cũng là bệnh lý có tiên lượng tích cực hơn so với các loại ung thư khác. Phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến giáp phổ biến, mang lại hiệu quả cho người bệnh là phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp điều trị này chi tiết trong bài viết dưới đây để nắm được các thông tin quan trọng, giúp người bệnh an tâm và hiểu rõ mục đích hơn trong quá trình điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Cách điều trị phổ biến của ung thư tuyến giáp – Phẫu thuật
Phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp được xây dựng dựa trên mỗi cá thể người bệnh: Loại – đặc điểm tế bào ung thư, giai đoạn bệnh, sức khỏe của mỗi bệnh nhân… Trong đó phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị bệnh lý ác tính tại tuyến giáp. Phẫu thuật được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, và có thể kèm theo nạo vét hạch cổ đi kèm.
1.1 Các hình thức phẫu thuật cho bệnh ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật cắt thùy giáp
Đây là một hình thức phẫu thuật cắt bỏ thùy giáp chứa khối u ác tính. Chỉ định cắt thùy giáp nhằm mục đích điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (dạng nhú hoặc nang) có kích thước nhỏ, chưa có dấu hiệu lan rộng, xâm lấn vượt ra ngoài tuyến giáp.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp
Đây là hình thức phẫu thuật bóc tách lấy toàn bộ nhu mô giáp có khả năng điều trị triệt để cao, hạn chế nguy cơ tái phát so với cắt thùy giáp. Điểm hạn chế của phương pháp này là người bệnh cần sử dụng thuốc nội tiết tố tuyến giáp hàng ngày trong suốt phần đời còn lại bởi vì tuyến giáp đã bị cắt bỏ.
Phẫu thuật nạo vét hạch bạch huyết quanh tuyến giáp
Hình thức nạo vét hạch bạch huyết ở vùng cổ sẽ được thực hiện đồng thời với phẫu thuật cắt bỏ như trên. Thông thường các bác sĩ có thể nhận biết và can thiệp cắt bỏ trên các hạch có kích thước nổi bật, phần còn lại không thể nhận biết được bằng mắt thường phải được điều trị bằng phóng xạ i-ốt bổ sung sau đó.
1.2 Cách áp dụng phẫu thuật cho từng loại ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp dạng biệt hóa
Bệnh nhân mắc ung thư (K) tuyến giáp thể biệt hóa có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ theo các trường hợp như sau:
– Phẫu thuật cắt một bên tuyến giáp: Áp dụng chủ yếu cho các trường hợp kích thước khối u nhỏ, bệnh nhân ở giai đoạn sớm, chưa có di căn hạch cổ.
– Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp: Có thể được chỉ định cho các bệnh nhân đã từng điều trị bằng xạ trị tại vùng cổ, bệnh nhân có khối u kích thước lớn hơn 4cm hoặc khối u có kích thước bất kỳ đã lan ra ngoài tuyến giáp xâm lấn vào các mô lân cận, bệnh nhân có di căn hạch cổ hoặc/ và di căn xa…
– Vét hạch cổ chọn lọc: Có thể được chỉ định cho bệnh nhân có hạch cổ được sờ thấy khi thăm khám lâm sàng, hoặc qua chẩn đoán hình ảnh, kiểm tra đánh giá tổn thương trong quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy
Ở dạng bệnh này mức độ ác tính và nguy cơ tái phát tại chỗ cao, vì thế chỉ định phẫu thuật có thể bao gồm cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ, và tiếp tục điều trị xạ trị bổ trợ.
Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa
– Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ triệt căn: Được chỉ định cho bệnh nhân còn khả năng phẫu thuật.
– Phẫu thuật mở khí quản hoặc mở thông dạ dày sau đó tiến hành hóa trị hoặc xạ trị: Được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật ung thư tuyến giáp.
2. Điều trị bổ trợ sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật đóng vai trò then chốt trong việc điều trị loại bỏ tối đa tổ chức ung thư, tuy nhiên sau phẫu thuật để duy trì kết quả, ngăn chặn triệt để toàn diện tế bào ác tính bắt nguồn từ tuyến giáp, người bệnh sẽ cần điều trị bổ trợ.
– Bệnh nhân cần điều trị nội tiết sau phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp hoặc một phần tuyến giáp bằng cách uống hormon tuyến giáp thay thế suốt đời hoặc theo liều lượng, giai đoạn sử dụng cụ thể dựa trên tình trạng cụ thể ở mỗi người bệnh. Mục đích của việc sử dụng hormone tuyến giáp thay thế là để duy trì chức năng hoạt động của cơ thể, đồng thời làm chậm sự phát triển của tế bào K tuyến giáp còn sót lại sau phẫu thuật.
– Điều trị bằng i-ốt phóng xạ theo đường uống sau phẫu thuật K tuyến giáp nhằm đảm bảo loại bỏ triệt để các tế bào ung thư còn sót lại không thể nhìn thấy và lấy sạch bởi phẫu thuật, giảm tối đa khả năng tế bào ác tính quay lại sớm.
3. Theo dõi, chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật lớn nên có những biện pháp chăm sóc hoàn chỉnh để giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
– Nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe sau mổ ung thư tuyến giáp.
– Bệnh nhân hạn chế nói chuyện, không cố gắng nói khi cổ họng còn đau. Chỉ nên nói nhỏ và chậm rãi khi cảm vết mổ đỡ hơn. Bệnh nhân cũng nên hạn chế vận động để sức khỏe phục hồi nhanh hơn. Khuyến cáo bệnh nhân cần ít nhất 1-2 tuần để trở lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày bình thường.
– Bệnh nhân nên được ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh những loại thức ăn phải nhau nhiều, và đặc biệt chú ý nên uống nhiều nước, nước ép trái cây để bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
– Tái khám đúng lịch hẹn sau phẫu thuật điều trị bệnh K tuyến giáp để được đánh giá khả năng phục hồi và mức độ hiệu quả.