Ung thư máu là một bệnh lý gây nguy hiểm cho nguồn sống thiết yếu của con người là các tế bào máu. Những tế bào này cung cấp cho chúng ta năng lượng, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và ngăn không cho chảy máu quá nhiều xảy ra. Vậy đâu là những nguyên nhân ung thư máu, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư máu – Các thông tin chung
1.1 Ung thư máu là bệnh gì?
Các tế bào máu bình thường có khả năng chống lại nhiễm trùng, mang oxy đi khắp cơ thể và kiểm soát chảy máu. Bệnh ung thư máu xảy ra khi có những thay đổi đột biến trong DNA các tế bào máu, từ đó làm gián đoạn cách cơ thể tạo ra các tế bào máu.
1.2 Phân loại ung thư máu
Có 3 loại ung thư máu khác nhau bao gồm:
– Bệnh bạch cầu: Là dạng bệnh ung thư tế bào bạch cầu. Bệnh bạch cầu ngăn các tế bào bạch cầu chống lại sự nhiễm trùng trong cơ thể bạn. Bệnh bạch cầu có thể là cấp tính hoặc mạn tính và ảnh hưởng đến tế bào lympho hoặc các tế bào miễn dịch khác. Đây là dạng bệnh ung thư máu phổ biến nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi.
– Ung thư hạch: Là bệnh ung thư của hệ thống hạch bạch huyết – Một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch. Ung thư sẽ gây ảnh hưởng đến một loại tế bào bạch cầu gọi là tế bào lympho. Trong đó loại ung thư hạch Hodgkin là dạng ung thư máu phổ biến ở người lớn, chiếm hơn một nửa số trường hợp người bệnh mắc ung thư máu được chẩn đoán.
– U tủy: Là bệnh ung thư bắt đầu từ tủy xương và ảnh hưởng đến các tế bào plasma – đây là các tế bào lympho tạo ra kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Vì thế người bệnh mắc u tủy sẽ bị ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể dễ gặp nhiễm trùng.
1.3 Triệu chứng của bệnh ung thư máu
Các triệu chứng của bệnh ung thư máu xảy ra khác nhau tùy theo từng loại bệnh. Chúng có thể bao gồm những triệu chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của người bệnh bao gồm: Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, yếu sức, đau nhức xương khớp, giảm cân, đổ mồ hôi đêm, sưng hạch bạch huyết, gan và lá lách, thiếu máu…
Khi được xác định mắc ung thư máu và có các triệu chứng kể trên người bệnh nên thông báo chi tiết tần suất, mức ảnh hưởng của các triệu chứng này cho cơ thể, để từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
2. Bệnh ung thư máu hình thành do đâu?
2.1 Những nguyên nhân gây ung thư máu là gì?
Nguyên nhân ung thư máu xảy ra khi DNA của các tế bào máu thay đổi hoặc đột biến, nhưng lý do tại sao DNA thay đổi thì chưa được lý giải.
Trong bệnh ung thư máu, DNA cho các tế bào máu biết khi nào nên phát triển, phân chia và nhân lên hoặc chết. Khi DNA cung cấp cho các tế bào máu những hướng dẫn mới, cơ thể bạn sẽ phát triển các tế bào máu bất thường, chúng cũng sẽ tiến triển và nhân lên nhanh hơn. Khi điều này xảy ra, các tế bào máu bình thường sẽ bị mất đi, trong khi các tế bào bất thường ngày càng phát triển và lấn át, dần độc chiếm không gian trong tủy xương.
Cuối cùng, tủy xương sẽ tạo ra ít tế bào bình thường hơn. Điều này sẽ dẫn đến không đủ các tế bào bình thường để thể thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu là mang oxy đi khắp cơ thể, chống nhiễm trùng và kiểm soát chảy máu. Đây là cách thay đổi di truyền có thể gây ra ba loại ung thư máu kể trên.
2.2 Yếu tố nguy cơ thúc đẩy nguyên nhân hình thành ung thư máu
Có một số yếu tố nguy cơ được xác định là có khả năng tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy dẫn đến hình thành bệnh ung thư máu đó là:
– Hút thuốc, tiếp xúc với bức xạ, tiếp xúc với một số hóa chất
– Nhiễm virus Epstein – Barr, HIV, nhiễm virus u lympho tế bào T là những yếu tố nguy cơ phát triển u lympho và bệnh bạch cầu
– Rối loạn di truyền, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư máu…
3. Ung thư máu được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
3.1 Chẩn đoán bệnh ung thư máu
Bước đầu tiên trong chẩn đoán xác định ung thư máu, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh, kiểm tra thể chất… Sau đó sẽ yêu cầu một số loại xét nghiệm máu và hình ảnh. Các xét nghiệm có thể khác nhau đối với từng loại ung thư máu được nghi ngờ.
– Xét nghiệm công thức máu
– Xét nghiệm sinh hóa máu
– Chụp cắt lớp vi tính – CT
– Chụp cộng hưởng từ – MRI
– Chụp cắt lớp phát xạ – PET
– Sinh thiết tủy xương
– Kiểm tra tế bào máu…
3.2 Điều trị ung thư máu bằng cách nào?
Dựa vào các yếu tố bao gồm: Tuổi tác, sức khỏe tổng quát, loại ung thư máu mắc phải và các tác dụng phụ của phương pháp điều trị cụ thể trước khi đề xuất kế kế hoạch điều trị, mà bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.
– Hóa trị: Là phương pháp điều trị ung thư máu cơ bản, giúp tiêu diệt tế bào ung thư để làm chậm tiến trình của bệnh hoặc loại bỏ ung thư.
– Xạ trị: Sử dụng tia bức xạ để điều trị bệnh bạch cầu, ung thư hạch hoặc u tủy bằng cách nhắm vào các tế bào bất thường, làm hỏng DNA khiến chúng không thể sản sinh. Xạ trị thường được kết hợp cùng các phương pháp điều trị khác để gia tăng hiệu quả. Và xạ trị có thể được sử dụng để làm giảm bớt một số triệu chứng do ung thư máu gây ra.
– Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch sử dụng trong điều trị ung thư máu giúp cơ thể tạo ra nhiều tế bào miễn dịch hơn, hoặc giúp các tế bào miễn dịch hiện có tìm và tiêu diệt tế bào ung thư.
– Liệu pháp nhắm mục tiêu: Phương pháp điều trị này nhắm đến những thay đổi hoặc đột biến di truyền ở tế bào ung thư máu.