Ung thư đường tiêu hóa là 1 trong 4 loại ung thư gây tử vong nhiều nhất. Điều đặc biệt nguy hiểm là bệnh khó phát hiện sớm và tỉ lệ ung thư đường tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam.
Ung thư đường tiêu hóa là bệnh lý ác tính xuất phát từ trong lòng hoặc thành đường tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa được tạo thành bởi một hệ thống ống rỗng (thực quản, dạ dày, ruột non, ruột thừa, đại tràng, trực tràng và hậu môn) và một vài cơ quan đặc khác (chẳng hạn như tụy, gan và mật).
Ung thư có thể phát triển ở bất kỳ cơ quan bộ phận nào, tuy nhiên, nguy cơ cao nhất là thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn.
Menu xem nhanh:
1. Mức độ phổ biến của ung thư đường tiêu hóa
Trên thế giới mỗi năm có 14 triệu người mắc ung thư và hơn 8 triệu người tử vong vì căn bệnh này, trong đó ung thư đường tiêu hóa đứng thứ 3 trong các loại ung thư gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, các bệnh lý đường tiêu hóa cũng đứng đầu trong nhóm bệnh nội khoa, nguy hiểm nhất là ung thư đường tiêu hóa. Đặc biệt, tỉ lệ ung thư đường tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng.
2. Nguyên nhân ung thư đường tiêu hóa
Đến nay, vẫn chưa xác định một cách chính xác nguyên nhân cụ thể của ung thư đường tiêu hóa. Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Gen di truyền
- Tuổi cao
- Ô nhiễm môi trường
- Lối sống không lành mạnh
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, chất xơ
- Uống nhiều rượu và hút thuốc lá
3. Triệu chứng ung thư đường tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa thuộc loại ung thư nguy hiểm bởi bệnh thường khởi phát với các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khiến đa số người bệnh chủ quan, đến khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn. Các dấu hiệu nếu có thường là:
- Đầy hơi, khó tiêu
- Nuốt khó, đau bụng, ói, nặng có thể ói ra máu kèm sụt cân
- Thiếu máu và đại tiện ra phân đen
- Rối loạn đại tiện, táo bón, tiêu chảy: đại tiện ra máu, rối loạn đại tiện…
4. Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Theo các chuyên gia ung thư, tầm soát ung thư giúp giảm tỷ lệ ung thư hơn 90% các trường hợp ung thư đường tiêu hóa phát triển từ polyp u tuyến. Việc khám sàng lọc, kiểm tra định kỳ rất quan trọng, đặc biệt ở những người đã từng có bệnh lý về đường tiêu hóa.
Người dân cần nâng cao ý thức phát hiện bệnh sớm, nên đi khám bệnh định kỳ, nếu phát hiện sớm việc điều trị sẽ đem lại hiệu quả cao. Ví dụ như với bệnh ung thư đại trực tràng, ngay cả khi không có triệu chứng gì thì người bình thường từ 50 tuổi trở lên nên khám sàng lọc. Còn với người có sẵn bệnh lý viêm đại trực tràng chảy máu hoặc người có tiền sử gia đình như bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác bị bệnh ung thư đại trực tràng thì nên khám sàng lọc phát hiện sớm từ 40 tuổi.