Một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là do thói quen ăn uống không khoa học. Vì thế khi mắc viêm loét dạ dày, người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm dưới đây.
Thực phẩm cần tránh khi bị viêm loét dạ dày, mọi người cần biết.
Menu xem nhanh:
1. Tránh các thức ăn cay
Những thực phẩm cay nóng như ớt, tỏi, tiêu, mù tạt… có thể gây kích ứng dạ dày khiến tình trạng viêm loét nghiêm trọng hơn. Vì thế khi bị bệnh này, bạn cần tránh các thực phẩm cay nóng.
2. Tránh các thức ăn có tính axit
Thức ăn có tính axit như cam, chanh cũng có thể gây kích ứng dạ dày, khiến vết viêm loét trầm trọng hơn. Do đó bạn cần tránh thực phẩm này khi bị bệnh.
3. Tránh các thức ăn gây cọ xát làm tổn thương niêm mạc dạ dày
Những thực phẩm nhiều xơ như rau già, mướp, rau muống, bắp cải, măng khô hoặc các thức ăn cứng như xương sụn, tôm cua, cổ cánh… khi ăn vào cơ thể có thể khiến dạ dày bị tổn thương. Tình trạng tổn thương liên tục ngay khi vết viêm loét chưa lành sẽ khiến bệnh ngày càng nặng nề hơn.
4. Tránh thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh
Những thức ăn quá nóng sẽ làm niêm mạc dạ dày sung huyết; thức ăn quá lạnh sẽ làm dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau, có khi gây chảy máu, khiến tình trạng viêm loét nghiêm trọng hơn.
5. Tránh ăn những thức ăn khó tiêu
Bữa ăn có nhiều chất đạm, dầu mỡ (thịt, đậu, lạc, trứng…) sẽ lâu tiêu hơn những thức ăn khác cũng không tốt cho quá trình hồi phục viêm loét dạ dày.
6. Tránh thực phẩm sống
Những thực phẩm chưa chín hoặc còn sống như gỏi, tiết canh, rau sống… cũng không tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày. Những thực phẩm có thể còn chứa vi khuẩn, khi ăn vào cơ thể sẽ khiến vết viêm loét lâu lành hơn, thậm chí tiến triển nhanh, mạnh hơn.
7. Tránh các đồ uống chứa cồn và caffein
Caffein có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày, có thể làm tăng kích thích và gây ra những cơn đau dạ dày. Ngoài ra, rượu có thể gây kích ứng và mài mòn niêm mạc dạ dày và dẫn đến chảy máu từ vết loét dạ dày.
Trên đây là những thực phẩm cần tránh khi bị viêm loét dạ dày mà bạn cần lưu ý. Bên cạnh việc ăn uống đúng cách, bạn cần tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ: sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng và đủ thời gian chữa trị. Có như vậy sẽ giúp kiểm soát và đầy lùi sớm bệnh ra khỏi cơ thể.