Rất nhiều người nghĩ rằng bệnh suy dinh dưỡng chỉ xảy ra đối với những trẻ gầy gò. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì, tức là cân nặng đạt, thậm chí vượt chuẩn nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân tại sao trẻ không thiếu cân nhưng lại thiếu dinh dưỡng? Làm sao để trẻ phát triển cân đối toàn diện hơn?
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm suy dinh dưỡng béo phì
1.1. Thế nào được gọi là suy dinh dưỡng thể béo phì?
Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ thừa cân còn được gọi là suy dinh dưỡng béo phì là tình trạng mà nhìn bên ngoài trẻ có thể trạng béo tốt, phát triển hết sức bình thường nhưng bên trong lại thiếu canxi, vitamin D, thiếu máu và còi xương.
Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi nhẹ cân thường dễ dàng phát hiện hơn còn trẻ thể béo phì thường khó phát hiện nên cũng khó để điều trị sớm cho trẻ.
1.2. Nguyên nhân khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì
Những trẻ nhìn bên ngoài thì béo tốt mập mạp nhưng thực chất lại thiếu nhiều chất như canxi, máu, vitamin D, còi xương,…được gọi chung là trẻ thừa cân suy dinh dưỡng. Một số nguyên nhân khiến trẻ thừa cân nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng đó là:
– Trẻ không được uống sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Điều này sẽ khiến cho trẻ không được nhận nguồn canxi hoàn hảo, dễ hấp thu trong sữa mẹ. Vì một số lý do nào đó mà mẹ không thể duy trì sữa mẹ lâu cho con mà phải thay thế bằng sữa công thức thì bé không thể nhận đầy đủ các dưỡng chất quý giá, cần thiết mà chỉ sữa mẹ mới có.
– Tâm lý bảo vệ sự non nớt của trẻ mới sinh khiến nhiều phụ huynh không cho con tắm nắng, che chắn con quá kỹ nên trẻ không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều này không hề có lợi cho con vì ánh sáng mặt trời giúp giải phóng tiền tố vitamin D trong cơ thể. Vitamin D giúp con có khả năng hấp thụ canxi. Nếu thiếu vitamin D, con có nhiều khả năng bị thiếu canxi gây ra còi xương.
– Nhiều trẻ bị cho ăn dặm quá sớm (trước 5 tháng tuổi) sẽ có thể bị rối loạn chuyển hóa. Như vậy trẻ sẽ khó hoặc không hấp thụ được lượng canxi đưa vào cơ thể. Điều này tất yếu ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của hệ thống xương của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ bị còi xương.
– Một trong những nguyên nhân khác không thể không kể đến khi trẻ bị thừa cân suy dinh dưỡng đó là cha mẹ đã cho trẻ ăn theo một chế độ tùy hứng và không cân đối. Ăn quá nhiều đường, tinh bột như bánh kẹo, cơm, phở hoặc quá nhiều chất béo và đồ ăn nhanh như gà rán, nước ngọt có ga,…mà không cho trẻ ăn nhiều rau hoa quả, chất xơ chính là nguyên nhân khiến trẻ thừa cân béo phì mà vẫn bị thiếu chất. Cũng có trường hợp cha mẹ cho con uống nhiều loại sữa không phù hợp cũng khiến cho trẻ bị thiếu chất.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, nếu phụ huynh cho trẻ ăn quá nhiều đạm và chất béo sẽ khiến cho lượng mỡ trong cơ thể bị tích tụ lại. Dần dần cơ thể trẻ sẽ bị dư thừa năng lượng và mỡ sẽ có xu hướng tích trữ. Cuối cùng cân nặng trở nên vượt chuẩn nhưng trẻ lại không khỏe mạnh vì thiếu chất.
1.3. Biểu hiện của suy dinh dưỡng béo phì
Trẻ bị suy dinh dưỡng nhưng ở thể béo phì thường rất khó phát hiện. Cha mẹ có thể nhìn vào những biểu hiện sau đây để xem liệu con mình có bị suy dinh dưỡng hay không:
– Khi ngủ trẻ thường xuyên quấy khóc
– Trẻ ngủ không yên giấc, rất hay bị giật mình lúc đang ngủ
– Có mồ hôi “trộm”
– Trẻ dưới 1 tuổi thì có biểu hiện là chậm mọc răng, chậm đi, chậm nói
– Thóp mềm và lâu liền
Suy dinh dưỡng không phải tình trạng nguy cấp, tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của trẻ. Những vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ như: trẻ sẽ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, còi xương… từ đó dẫn đến biến dạng lồng ngực, gù lưng, ảnh hưởng đến dáng đi của trẻ… Đây là những vấn đề sẽ tác động xấu đến tương lai lâu dài của trẻ nên cha mẹ cần lưu ý triệu chứng để phát hiện sớm cũng như điều chỉnh kịp thời cho con.
2. Cách phòng ngừa không cho trẻ bị suy dinh dưỡng thể thừa cân béo phì
Để trẻ được phát triển cân đối, mẹ cần lưu ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi mang thai cho đến khi những năm đầu đời.
– Ngay từ khi mang thai, mẹ cần khám để biết mình cần bổ sung những chất gì và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng theo khuyến cáo của bác sĩ.
– Sau khi sinh, mẹ cần cho trẻ uống sữa mẹ càng sớm càng tốt để cung cấp những dưỡng chất thiết yếu nhất cho trẻ.
– Duy trì sữa mẹ ít nhất trong 1 năm đầu đời để trẻ được hưởng trọn vẹn nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ. Sữa công thức cho dù có bổ sung nhiều loại chất nhưng chỉ có sữa mẹ mới là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo dành riêng cho sự hấp thu của trẻ.
– Không cho ăn dặm quá sớm. Không nhất thiết phải quy định một thời gian cụ thể để cho trẻ ăn dặm. Cha mẹ cần nhìn vào những biểu hiện của trẻ khi đã sẵn sàng ăn dặm như: hào hứng với thức ăn, có phản xạ nếm, nhai nuốt khi được cho thức ăn vào miệng, nhìn theo miệng người lớn khi ăn, v…v… Khi trẻ đã có những biểu hiện này thì mới nên cho trẻ ăn dặm. Tuy nhiên không nên cho trẻ ăn quá sớm trước 5 tháng tuổi.
– Khi trẻ đã ăn dặm, cha mẹ cần đa dạng thực phẩm với đầy đủ các nhóm chất để cho trẻ được cung cấp đủ dưỡng chất.
– Khi nhận thấy trẻ có tình trạng thừa cân, cha mẹ cần cân đối lại thực đơn cho trẻ. Bổ sung nhiều rau củ quả, những thực phẩm giàu chất xơ và vitamin. Đồng thời cho ăn vừa phải những nhóm chất là tinh bột, đạm, chất béo.
– Cha mẹ cần khuyến khích con năng vận động thể lực thể chất bên trong và bên ngoài trời. Việc vận động chơi các môn thể thao không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp con có vóc dáng cân đối, giảm nguy cơ thừa cân béo phì. Những môn thể thao trẻ nên tham gia là đạp xe, chạy bộ, bơi lội…
– Cho trẻ tắm nắng từ sau khi sinh thường xuyên vào những thời điểm thích hợp để giúp trẻ có nhiều vitamin D hơn.
– Hạn chế cho trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, nước uống có ga và đồ chiên rán nhiều dầu mỡ. Đây đều là những loại thực phẩm nhiều chất béo nhưng thiếu dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ trẻ bị béo phì.
Với những thông tin trong bài viết, hi vọng các bậc cha mẹ đã hiểu hơn về nguyên nhân của bệnh suy dinh dưỡng thể béo phì và cách để phòng ngừa căn bệnh này cho trẻ. Lời khuyên là cha mẹ nên cho con đi khám dinh dưỡng định kỳ để kiểm soát các vi chất trong cơ thể con nhằm bổ sung đúng và kịp thời.