Cấp cứu:0901793122
English
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Thucuc | Hệ thống y tế TCI Hospital
Chăm sóc sức khoẻ trọn đời cho bạn
Tổng đài1900558892
Trào ngược dạ dày: Hệ lụy lớn và cách xử trí hiệu quả

Trào ngược dạ dày: Hệ lụy lớn và cách xử trí hiệu quả

Chia sẻ:

Trong cuộc sống hiện đại với áp lực công việc cao, thói quen ăn uống không điều độ và tình trạng căng thẳng kéo dài, trào ngược dạ dày – thực quản đang ngày càng trở thành một căn bệnh phổ biến. Hiểu đúng về bệnh và có phương pháp xử trí hiệu quả sẽ giúp người bệnh chủ động bảo vệ dạ dày cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là tình trạng dịch vị axit, thức ăn hoặc khí từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Đây là hiện tượng bệnh lý chứ không phải rối loạn tiêu hóa thông thường. Ở người khỏe mạnh, cơ vòng thực quản dưới đóng vai trò như một van một chiều ngăn không cho dịch dạ dày trào lên. Khi cơ vòng này bị suy yếu, dịch vị dễ dàng trào ngược lên, gây kích ứng và viêm thực quản. Không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày, bệnh nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Trào ngược dạ dày do nhiều nguyên nhân, trong đó có thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt.

Trào ngược dạ dày do nhiều nguyên nhân, trong đó có thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều yếu tố kết hợp gây nên tình trạng trào ngược, bao gồm:

2.1. Chế độ ăn uống không khoa học

Ăn quá no, đặc biệt vào buổi tối

Ăn nhiều thức ăn có tính axit: cà chua, cam, chanh

Uống rượu, bia, cà phê, nước ngọt có gas

Ăn nhiều đồ chiên rán, cay nóng, nhiều gia vị

2.2. Thói quen xấu trong sinh hoạt

Nhiều người có thói quen nằm ngay sau khi ăn, cúi người hoặc vận động mạnh khi bụng đang no. Bên cạnh đó là tình trạng hút thuốc lá làm giảm trương lực cơ vòng thực quản dưới. Những thói quen xấu này đều gây hại rất lớn cho dạ dày, trong đó có bệnh trào ngược.

2.3. Tâm lý căng thẳng, áp lực

Tình trạng stress kích thích dạ dày tiết axit nhiều hơn, gây rối loạn co bóp dạ dày và làm trầm trọng thêm bệnh trào ngược.

2.4. Yếu tố khác gây trào ngược

Tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng áp lực ổ bụng dẫn đến trào ngược. Bệnh thoát vị hoành cũng gây trào ngược khi một phần dạ dày bị đẩy lên trên cơ hoành. Nguyên nhân trào ngược còn do việc sử dụng thuốc như aspirin, NSAIDs, thuốc giãn cơ…. Ngoài ra, trong thai kỳ, sự thay đổi nội tiết và áp lực tử cung tác động lên dạ dày cũng gây trào ngược.

3. Triệu chứng nhận biết bệnh

Các biểu hiện của trào ngược dạ dày có thể diễn ra âm thầm hoặc rầm rộ, điển hình như:

Ợ chua, ợ nóng, cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên cổ họng, ngực

Buồn nôn hoặc nôn, đặc biệt sau ăn no

Khó nuốt, cảm giác vướng ở cổ

Đau tức ngực, dễ bị nhầm với bệnh tim mạch

Ho khan kéo dài, viêm họng, khàn tiếng, đặc biệt vào buổi sáng

Hơi thở có mùi, miệng đắng do axit trào lên miệng

Khi các triệu chứng kéo dài nhiều tuần, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Bệnh trào ngược gây những tác hại rất lớn với sức khỏe người bệnh.

Bệnh trào ngược gây những tác hại rất lớn với sức khỏe người bệnh.

4. Hệ lụy lớn từ bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Nếu không điều trị kịp thời, trào ngược có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

– Viêm thực quản mạn tính: Axit từ dạ dày khi trào ngược thường xuyên sẽ làm viêm loét lớp niêm mạc thực quản. Người bệnh sẽ cảm thấy đau rát, khó nuốt, có thể nôn ra máu.

– Barrett thực quản: Là biến chứng mạn tính, trong đó niêm mạc thực quản bị biến đổi bất thường do axit tấn công lâu ngày. Đây là một tình trạng tiền ung thư, tăng nguy cơ bị ung thư thực quản nếu không được theo dõi và điều trị sát sao.

– Hẹp thực quản: Tình trạng viêm mạn tính làm hình thành sẹo và gây hẹp đường dẫn thức ăn, khiến bệnh nhân khó nuốt, dễ nghẹn.

– Ảnh hưởng tới đường hô hấp: Axit trào lên họng và thanh quản có thể gây viêm thanh quản, viêm họng, hen suyễn do trào ngược, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi. Nhiều bệnh nhân phải điều trị tai mũi họng kéo dài nhưng không khỏi do không phát hiện nguyên nhân gốc từ dạ dày.

5. Các phương pháp chẩn đoán

Để xác định trào ngược dạ dày và đánh giá mức độ tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định:

Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng: Để quan sát niêm mạc, xác định viêm, loét hay Barrett thực quản

Đo pH thực quản 24h: Đánh giá tần suất và mức độ trào ngược. Đây được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh trào ngược axit dạ dày.

Chụp X-quang thực quản có cản quang hỗ trợ xác định tình trạng trào ngược dịch axit.

Test H. pylori nếu nghi ngờ nhiễm vi khuẩn gây viêm dạ dày

6. Cách xử trí hiệu quả để ngăn bệnh trào ngược

Việc điều trị trào ngược dạ dày cần kết hợp thay đổi lối sống và dùng thuốc. Trong trường hợp nặng, có thể cần can thiệp ngoại khoa.

6.1 Dùng thuốc

Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh như: Thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp giảm tiết axit hiệu quả. Thuốc kháng histamine H2 hỗ trợ trung hòa axit. Thuốc kháng axit, thuốc tăng cường vận động dạ dày – ruột giúp đẩy thức ăn xuống ruột nhanh hơn. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định bác sĩ, tránh lạm dụng vì có thể gây tác dụng phụ như loãng xương, rối loạn tiêu hóa.

6.2 Thay đổi thói quen sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt có lợi bao gồm: Ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Tránh ăn no, đặc biệt là buổi tối trước khi ngủ 2-3 tiếng. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia và cà phê. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì. Tránh mặc quần áo bó sát bụng. Nâng cao đầu giường 15–20cm khi ngủ để ngăn axit trào ngược

6.3 Chế độ ăn uống khoa học

Người bệnh nên ăn các món mềm dễ tiêu hóa như hấp, luộc, cháo, súp. Dùng thực phẩm trung tính như bánh mì, yến mạch, sữa chua không đường, rau xanh. Uống nước ấm, trà gừng hoặc nước nha đam dịu nhẹ. Bên cạnh đó cần tránh dừng thức ăn chua, cay, nhiều gia vị, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ. Không nên ăn trái cây chua như cam, quýt, dứa. Tránh đồ uống có gas, cà phê, trà đặc.

6.4 Điều trị ngoại khoa (nếu cần)

Một số ít trường hợp trào ngược nặng, không đáp ứng thuốc, hoặc có biến chứng như Barrett thực quản, có thể được chỉ định phẫu thuật nhằm phục hồi chức năng cơ vòng thực quản.

Nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu chẩn đoán bệnh trào ngược cũng như các bệnh về dạ dày khác.

Nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu chẩn đoán bệnh trào ngược cũng như các bệnh về dạ dày khác.

7. Phòng ngừa bệnh trào ngược tái phát

Dù điều trị khỏi, bệnh vẫn có nguy cơ tái phát nếu người bệnh không duy trì thói quen lành mạnh. Cách phòng ngừa bao gồm: Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, duy trì cân nặng hợp lý, tránh stress, tập thể dục đều đặn. Đặc biệt, người bệnh cần theo dõi và khám định kỳ nếu từng có tiền sử Barrett thực quản hoặc viêm thực quản mạn tính.

Trào ngược dạ dày – thực quản không đơn thuần là một chứng khó tiêu mà là một bệnh lý mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, và lựa chọn đúng phương pháp điều trị kết hợp với thay đổi lối sống là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả căn bệnh này. Đừng để trào ngược âm thầm làm suy giảm chất lượng sống của bạn – hãy chủ động điều chỉnh từ hôm nay vì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Liên hệ ngay: 0936388288 để được tư vấn chi tiết!

Slider – Banner Nội soi Tiêu hóa
Bài viết liên quan
Trào ngược dạ dày gây vướng họng: Dấu hiệu không nên chủ quan

Trào ngược dạ dày gây vướng họng: Dấu hiệu không nên chủ quan

Bạn thường xuyên có cảm giác vướng ở cổ họng, khó nuốt, nhưng không phải do viêm họng hay cảm cúm? Đó có thể là dấu hiệu trào ngược dạ dày gây vướng họng – một tình trạng khá phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua. Hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý sẽ […]
1900558892
zaloChat