Sỏi tiết niệu là cụm từ được nhắc đến khá nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu hết về nó. Có gì khác biệt giữa sỏi thận, sỏi tiết niệu và cách điều trị như thế nào là hiệu quả – tìm hiểu ngay.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm sỏi thận, sỏi tiết niệu
1.1. Sỏi thận, sỏi tiết niệu là gì?
Hệ tiết niệu của con người theo thứ tự từ trên xuống dưới bao gồm hai quả thận, 2 niệu quản nối liền với bàng quang và cuối cùng là niệu đạo. Sỏi xuất hiện ở vị trí nào trong hệ tiết niệu thì có tên gọi tương ứng, như: Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. Như vậy, tên gọi sỏi tiết niệu chỉ chung các loại sỏi xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong hệ tiết niệu.
Trong số các loại sỏi thì sỏi thận chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 90%, sau đó là sỏi niệu quản rồi mới đến sỏi bàng quang và niệu đạo. Phần lớn các trường hợp sỏi niệu quản là do sỏi từ thận rơi xuống.
1.2. Phân loại sỏi
Sỏi trong hệ tiết niệu cũng được phân loại dựa trên thành phần và tính chất của sỏi. Cụ thể:
– Sỏi canxi: Sỏi canxi là loại sỏi chiếm tỉ lệ lớn nhất, khoảng 80% mắc bệnh là sỏi canxi. Sỏi được hình thành do nồng độ canxi trong nước tiểu quá nhiều, khiến canxi kết tinh với các yếu tố khác và lắng cặn tạo thành sỏi.
– Sỏi oxalat: Đây cũng là loại sỏi phổ biến ở các nước nhiệt đới như Việt Nam… Loại sỏi thường hay được nhắc đến là sự kết hợp giữa canxi và oxalat tạo thành sỏi oxalat canxi.
– Sỏi phosphat: Đây là loại sỏi được hình thành do nguyên nhân nhiễm khuẩn đường niệu hoặc các vi khuẩn khác. Sỏi có đặc điểm là kích thước lớn, góc cạnh, cản quang.
– Sỏi Axit uric: Loại sỏi này hiếm gặp hơn với tỉ lệ khoảng 10%, nguyên nhân hình thành là do nước tiểu quá bão hòa axit uric.
Việc phân tích thành phần sỏi có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa tái phát sỏi bằng chế độ dinh dưỡng.
2. Sỏi tiết niệu có thực sự nguy hiểm?
Thực tế, không phải ai có sỏi trong hệ tiết niệu cũng gặp nguy hiểm. Có một số trường hợp sỏi tự hình thành và đào thải ra ngoài mà người bệnh không hề hay biết. Sỏi cũng không nguy hiểm nếu nằm im tại chỗ và không di chuyển. Tuy nhiên, càng để lâu, sỏi sẽ phát triển về kích thước và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
– Thận ứ nước, tắc nghẽn đường tiểu và đài bể thận bị giãn:
Đây là các biến chứng khi sỏi lớn chặn ngay thận hoặc niệu quản khiến nước tiểu không ra ngoài được. Lâu dài nước sẽ bị ứ tại thận, đài bể thận bị giãn mất tính đàn hồi.
– Nhiễm trùng đường niệu:
Biến chứng này xảy ra khi sỏi cọ xát làm tổn thương các cơ quan trong hệ tiết niệu, khiến vi khuẩn hình thành và trú ngụ. Viêm nhiễm khiến nước tiểu có mùi, bệnh nhân đau đớn khó chịu, nếu nghiêm trọng còn gây nôn, sốt, rét run… vì biến chứng nhiễm trùng.
– Suy thận:
Khi các biến chứng ở trên kéo dài mà không được điều trị sẽ khiến thận bị suy giảm chức năng nghiêm trọng. Thận không làm tốt chức năng bài tiết và lọc máu, nếu suy thận cấp độ nặng thì cần chạy thận để duy trì tính mạng.
– Vỡ thận là cấp độ nặng nhất của biến chứng: Thận sưng viêm do ứ nước quá độ có thể bị vỡ và phải cắt bỏ ngay.
Bệnh nhân thường có những cơn đau khó chịu do biến chứng sỏi tiết niệu gây ra
Từ những thông tin trên, có thể thấy rằng sỏi sẽ nguy hiểm khi gây biến chứng. Để ngăn chặn biến chứng thì cách xử trí đúng đắn là người bệnh cần thăm khám tại bệnh viện uy tín. Tại đây bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sẽ thăm khám để được xác định tình trạng và chỉ định phương pháp điều trị.
3. Sỏi tiết niệu có nhất thiết phải mổ?
Nhiều bệnh nhân mang sỏi lớn, sỏi san hô thường rất băn khoăn trong vấn đề điều trị vì sợ phải mổ. Tuy nhiên, thật may mắn vì điều trị sỏi hệ tiết niệu ngày ngay đã có những giải pháp hiện đại hơn thay thế mổ mở, an toàn và hiệu quả với đại đa số người bệnh. Do đó, bệnh nhân mắc sỏi phần lớn không phải mổ trừ những trường hợp đặc biệt. Phương pháp điều trị sẽ được chỉ định dựa trên kích thước và phân loại sỏi, dưới đây là một số giải pháp phổ biến:
3.1. Sỏi tiết niệu kích thước bé hơn 5mm, không biến chứng:
– Uống nhiều nước đẩy sỏi ra ngoài: Một số trường hợp bệnh nhân chỉ cần uống nhiều nước sạch, hơn 2 lít mỗi ngày để bài tiết sỏi ra ngoài.
– Uống thuốc kết hợp ăn uống đúng cách: Điều trị bằng thuốc có tác dụng hỗ trợ để tác động khiến hệ tiết niệu thông thoáng, sỏi nhanh ra ngoài hơn. Việc điều trị này đơn giản nhưng bệnh nhân có thể phải dùng thuốc lâu dài. Đặc biệt không được quên uống nước và có thực đơn ăn uống phù hợp.
3.2. Sỏi kích thước lớn, khó ra ngoài theo đường tiểu:
Tán sỏi công nghệ cao là cụm từ được nhắc đến nhiều trong điều trị sỏi tiết niệu với những phương pháp như:
– Tán sỏi ngoài cơ thể: không cần phẫu thuật mà vẫn lấy được sỏi ra ngoài nhờ sóng xung kích từ máy tán, bệnh nhân không đau và không cần nằm viện.
– Tán sỏi nội soi qua da: vết rạch da rất nhỏ chỉ 5mm, có thể tán sạch sỏi to, sỏi rắn lâu năm.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Đặc biệt hiệu quả đối với các loại sỏi bàng quang, không có vết mổ và rất chóng phục hồi.
Tán sỏi công nghệ cao được đánh giá rất cao nhờ những đặc điểm như ít đau, sẹo nhỏ hoặc không có nên không ảnh hưởng thẩm mỹ, rút ngắn thời gian điều trị, giảm thiểu biến chứng sau điều trị. Do đó, đây là lựa chọn hàng đầu của các bệnh nhân khi cần can thiệp để lấy sỏi ra ngoài.
Các loại sỏi thận, sỏi tiết niệu nói chung không phải là bệnh khó chữa. Điều quan trọng là người bệnh chủ động điều trị sớm và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để mau sạch sỏi, chóng phục hồi.